Tháo bảng hiệu, khóa trái cửa
Ngày 1/10, sau nhiều ngày thông tin về một VPCC có tên Sao Bắc Đẩu ở địa chỉ 229 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9 bị Sở Tư pháp TP HCM kiểm tra, phát hiện giả mạo, có dấu hiệu sử dụng con dấu giả của VPCC quận 12. PV quay lại tìm hiểu thêm thông tin nhưng nơi đây chỉ còn lại “vườn không nhà trống”.
Trước khi bị kiểm tra, địa chỉ 229 Man Thiện còn là nơi đặt bảng hiệu của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Kế toán – Kiểm toán Sao Bắc Đẩu AFA (Công ty Sao Bắc Đẩu). Tuy nhiên, theo quan sát, toàn bộ bảng hiệu về VPCC và Công ty Sao Bắc Đẩu đều đã bị tháo bỏ, cửa khóa trái. Theo một người dân: “Bữa trước nhiều công an đến kiểm tra và mang nhiều thùng giấy tờ đi. Ngay hôm sau, họ trả mặt bằng, dọn đi ngay. Sau đó, tôi đọc báo mới biết là VPCC giả mạo. Công ty này hoạt động ở đây 3 tháng rồi, hình như từ đầu tháng 7 đến nay. Tôi ở gần, có biết họ làm gì, giả mạo hay là thật đâu, thấy có nhân viên, có người ra, người vào thì biết vậy”.
Người dân này cho biết, mấy ngày qua, có nhiều người đến tìm và có hỏi VPCC này dọn đi đâu nhưng không ai biết: “Họ nói có thực hiện chứng thực giấy tờ gì đó ở VPCC này. Nhưng VPCC chuyển đi đâu có ai biết đâu, chỉ thấy đi gấp và không để lại dấu vết gì”, người này nói tiếp.
Tra cứu thông tin doanh nghiệp, tại địa chỉ 229 đường Man Thiện chính là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Kế toán – Kiểm toán Sao Bắc Đẩu AFA. Công ty do bà Nguyễn Thị Kim Nga làm đại diện pháp luật, được cấp giấy phép vào ngày 29/06/2018 và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2018.
Trụ sở hoạt động của VPCC Sao Bắc Đẩu đã “vườn không nhà trống” |
Bị phát hiện sau 10 ngày hoạt động
Thông tin cụ thể đến dư luận, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh cho biết, Công ty Sao Bắc Đẩu được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động ngành nghề kiểm toán vào ngày 1/8/2018. Còn VPCC Sao Bắc Đẩu bắt đầu thực hiện công chứng, chứng thực cho người dân từ ngày 12/9/2018.
“Sau 10 ngày VPCC này dán decan bảng hiệu văn phòng công chứng “Sao Bắc Đẩu”, Sở Tư pháp phát hiện và xác định đây là vụ việc nghiêm trọng. Chúng tôi cử cán bộ đi thị thực, tức là người của Sở đi sao y chứng thực giấy tờ để củng cố hồ sơ, thông tin. Sau khi đã có đủ bằng chứng, ngày 25/9, Sở Tư pháp phối hợp với công an, các cơ quan chức năng ập vào kiểm tra, lập biên bản. Hôm đó, chúng tôi làm việc tới 20h mới xong việc”, ông Hạnh thông tin.
“Chúng tôi cũng thông tin thêm là không có chuyện VPCC giả này đã thực hiện 600 hồ sơ vụ việc công chứng, chứng thực. Con số 600 thực chất là số thứ tự trên hồ sơ mà khi kiểm tra chúng tôi nắm được. Đây là một bất cập trong việc quy định về đánh số thứ tự không được rõ ràng. Tới một VPCC mới, mà ghi số nhỏ quá thì khách hàng cũng đặt dấu hỏi, chưa thực sự có niềm tin. Đến nay, chúng tôi chưa tìm được chứng từ nào sao y, chứng thực có số thứ tự nhỏ như 1, 2, 3… ở VPCC này. Bởi vậy con số mấy trăm hồ sơ thực sự bao nhiêu phải chờ kết luận của CQĐT”, ông Hạnh nói tiếp.
Vẫn theo ông Hạnh, từ ngày 25/9 đến nay, Sở Tư pháp gửi văn bản cho các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức hành nghề công chứng để ngăn chặn các giao dịch liên quan đến VPCC giả trên. Tính tới thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp xác định VPCC chứng này chỉ thực hiện việc sao y, chứng thực, ủy quyền chứ chưa phát hiện một hồ sơ công chứng nào liên quan đến dịch vụ nhà đất. Tuy nhiên, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nắm thêm thông tin về việc công chứng nhà đất, tài sản, thừa kế…
“Sở Tư pháp mong muốn cơ quan báo chí thông tin rộng rãi đến người dân, chính quyền để xử lý loại tội phạm mới này. Riêng trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, VPCC giả này bị phát hiện sau 10 ngày hoạt động là cố gắng rất lớn của chính quyền quận 9, cũng như của Sở Tư pháp. Sau khi có kết luận điều tra của công an, Sở Tư pháp sẽ xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc. Quan điểm của chúng tôi là cương quyết thanh lọc loại tội phạm mới, làm trong sạch môi trường công chứng, chứng thực. Mục tiêu cao nhất của Sở Tư pháp là đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân”, ông Hạnh nói và cho biết Sở đã có văn bản gửi Công an quận 9 và trao đổi toàn bộ hồ sơ để thực hiện các bước xử lý tiếp theo đối với VPCC giả Sao Bắc Đẩu.
Trao đổi với PV Báo PLVN bên lề cuộc họp, ông Hạnh cho biết Sở Tư pháp nắm thông tin hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng qua nhiều nguồn như từ người dân, phản ánh của cơ quan báo chí, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Các tổ chức có trách nhiệm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước giữ được môi trường trong lành trong hoạt động hành nghề công chứng. Khi xảy ra sự việc ở VPCC Sao Bắc Đẩu, Sở Tư pháp phát hiện và tiến hành các bước thu thập thông tin, chứng cứ. Sau 3 ngày làm việc, Sở đã phối hợp các đơn vị thanh tra trực tiếp.
Để chủ động ngăn ngừa trong công tác quản lý hoạt động ở lĩnh vực công chứng, ông Hạnh cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quận, huyện và 322 xã, phường của thành phố: “Các tổ chức hành nghề trước đây được công khai trên trang web của Sở Tư pháp thì sắp tới chúng tôi sẽ phân loại từng quận, huyện và thông tin đến các quận, huyện để cùng kiểm tra, giám sát”, ông Hạnh nêu giải pháp.
Chiều qua 1/10, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho hay: Qua thông tin báo chí được biết Sở Tư pháp TP HCM đã gửi công văn khẩn (ngày 27/9) đến Bộ Tư pháp, UBND TP HCM, Công an thành phố, TAND, UBND các quận/huyện, Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tư pháp… tại TP HCM báo động thông tin, ngăn chặn giấy tờ giả. Cục Bổ trợ tư pháp sẽ đợi báo cáo chính thức để nắm bắt tình hình cụ thể mới có thể có những bước làm việc tiếp theo. Việc này nhằm để đảm bảo không chồng lấn về thẩm quyền xử lý bởi cũng qua báo chí, do các hành vi vi phạm nêu trên của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tội phạm nên Sở Tư pháp TP HCM đã có văn bản chuyển hồ sơ đến Công an quận 9, TP HCM điều tra xử lý theo thẩm quyền.