Văn và đề thi “mở” đến… hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, nhiều đề thi môn Ngữ văn ở các địa phương vấp phải các ý kiến trái chiều. Khi mà đề Văn những năm gần đây đã ra theo hướng mở, không còn khuôn sáo theo chiều hướng học tủ, học lệch. Đề thường mang tính thời sự và gây nhiều tranh cãi về một hiện tượng xã hội hay một vấn đề gì đó đang được giới trẻ, xã hội quan tâm…
Đề thi dù ra theo hướng nào thì đích đến cuối cùng cũng là hướng tới mỹ cảm chứ không phải là đánh đố… (Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet)
Đề thi dù ra theo hướng nào thì đích đến cuối cùng cũng là hướng tới mỹ cảm chứ không phải là đánh đố… (Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet)

Khi “em” được ví như… món ăn

Mới đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang (Khánh Hòa) năm học 2021-2022 sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã gây nhiều tranh cãi bởi phần giả định đưa ra ở câu lệnh định hướng vấn đề nghị luận.

Theo đó, câu 1 nghị luận xã hội (4 điểm) có nội dung như sau: “Trong cuốn sách “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”, Lu-Mannup đã chia sẻ: Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”…

Theo đánh giá của nhiều người, đây là một đề hay, xứng tầm với kỳ thi chọn học sinh vào lớp chuyên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, giả định “nếu phải ở trong nước sôi” của câu lệnh định hướng vấn đề nghị luận khá là “phản cảm, phản giáo dục”...

Bày tỏ quan điểm về đề thi này, PGS. TS Văn Giá cho rằng, ở trong đề, câu lệnh mới thật khủng khiếp: “Nếu ở trong nước sôi, em sẽ chọn là củ khoai tây hay quả trứng”. Thực chất, ý của người ra đề muốn viết một câu dưới hình thức giả định. Nhưng khốn nỗi, giả định như thế là phản cảm, gây rùng rợn, mang màu sắc của cái ác, khiến trẻ nhỏ nghĩ đến kết cục bi thảm của mẹ con Cám trong truyện cổ tích “có vấn đề” về mặt nhân văn của cha ông ta.

Trong cuộc đời, có nhiều trường hợp không thể giả định được. Một ví dụ đã bị lên án rất nhiều gần đây là: “Bàn tay của bạn có 5 ngón tay, nếu chặt đi 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”…. Trí khôn và tính thiện tối thiểu của con người không cho phép có những giả định mang tính bạo lực như vậy.

Theo nhà giáo Phạm Thế Hoài, học sinh có thể bày tỏ quan điểm thế này, nếu phải ở trong nước sôi em chẳng chọn làm “củ khoai tây” hay cũng như làm “quả trứng”. Bởi vì chọn làm “củ khoai tây” thì em bị luộc mềm, còn chọn làm “quả trứng” em sẽ bị luộc chín. Khi đó “khoai tây” hay “trứng” đều trở thành món ăn ngon cho người khác. Do đó, nếu phải ở trong nước sôi thì lựa chọn duy nhất của em đó là phải thoát ra khỏi cái vũng nước sôi nhanh nhất bằng bất cứ giá nào, chỉ có như vậy thì sự sống với em mới còn tồn tại và em mới còn mục tiêu để thực hiện các ước mơ khác.

Tuy nhiên, văn học phương Tây thâm thúy đặc sắc, học sinh ở độ tuổi 15 không dễ dàng lý giải. “Nước sôi” ở đây không đơn giản chỉ là hoàn cảnh, thử thách khắc nghiệt, mà còn là môi trường sống, điều kiện thích nghi và chất xúc tác để tạo nên những điều vượt trội. Những người sống trong khu ổ chuột, có người vượt lên hoàn cảnh mà trở thành tỷ phú, người suốt đời chỉ làm công nhân bình thường. Họ tạo ra những cuộc đời khác nhau với những ý nghĩa khác nhau, khoai tây mềm hay trứng cứng đều tạo nên những hương vị riêng cho cuộc sống này.

Nhưng nếu phải ở trong nước sôi, tôi nghĩ tôi muốn là viên đá cuội. Dù hoàn cảnh và môi trường sống có như thế nào, dù nước lạnh hay nước sôi, tôi cũng sẽ không bao giờ thay đổi bản chất vốn có của mình. Mọi người đều sẽ thay đổi theo thời gian. Và việc giữ vững được niềm tin và bản ngã của mình, trong một xã hội mà mọi người đều đang cố gắng thay đổi bạn theo ý muốn của họ, là điều khó khăn nhất.

Trong khi đó, học sinh lớp 9 chỉ học về hai dạng nghị luận: tư tưởng đạo lý và một hiện tượng đời sống, tuyệt nhiên không có bài nào dạy lý luận văn học và như thế, không dễ để các em có bài viết thực sự sâu sắc trước đề thi này…

Đề thi Văn vào lớp 10 gây xôn xao dư luận ở Khánh Hòa.

Đề thi Văn vào lớp 10 gây xôn xao dư luận ở Khánh Hòa.

Không phải cứ “thời sự” là hay

Tiếp đó, cộng đồng mạng truyền tay đề văn thi vào lớp 10 của THPT Chuyên Quảng Trị, trong đó hỏi về “hoạt động từ thiện” giữa ồn ào câu chuyện của danh hài Hoài Linh. “Hoạt động từ thiện đang trở thành vấn đề “nóng” trong đời sống cộng đồng vào thời gian gần đây. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 đến 15 dòng), chia sẻ quan điểm của em về cách làm từ thiện có ý nghĩa”.

Mặc dù đề văn thi vào lớp 10 được lan truyền trên không hề nhắc đến tên của danh hài Hoài Linh, song nhiều người vẫn lên tiếng khen ngợi độ bắt trend thời sự của đề bài. Bởi, những ngày qua, dư luận xã hội đã và đang “dậy sóng” trước sự việc Hoài Linh giữ khoản tiền 14 tỷ đồng đã vận động quyên góp cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020 suốt gần 6 tháng. Sau đó việc giải ngân số tiền một cách chóng vánh giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phức tạp và khi thời tiết nắng nóng khiến dư luận tranh cãi. Quảng Trị là một trong những tỉnh của miền Trung chịu ảnh hưởng lớn từ đợt mưa lũ 2020, có lẽ vì thế “sức nóng” của vụ việc còn lan tỏa vào tận đề thi Văn của học sinh.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), xu hướng đổi mới đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở sẽ tạo ra nhiều khoảng trống thuận lợi để giáo viên có thể lựa chọn, đưa những vấn đề mang tính thời sự vào đề. Tuy nhiên, một số giáo viên đã lợi dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mỹ, để đưa vào đề những phát ngôn, ca từ, hiện tượng không đúng chuẩn mực. Điều này có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không mang giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm đạo đức…

Có thể nói, việc ra đề mở khá thú vị, tạo cho học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân dưới góc nhìn văn chương. Tuy nhiên, dù mở theo hướng nào thì tinh thần của đề thi cũng cần hướng tới cái đẹp và tư duy thẩm mĩ. Đơn cử, đề tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Đồng Nai nhận được nhiều cảm xúc chia sẻ ngay sau khi môn Ngữ văn Chuyên kết thúc, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh dành lời khen ngợi cho đề thi năm nay.

Câu 1: “Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A. bố mẹ đặt hết kì vọng vào con”. Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: “Con chỉ muốn sống 1 cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt”. “Có lẽ việc đặt tên cho 1 tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho 1 con người... Từng chữ được tác giả lấy tâm hồn và nước mắt làm mực, tận tụy viết ra trang giấy trắng với ước ao chạm đến trái tim người đọc”. Em hiểu ý kiến như thế nào? Hãy chọn nhan đề của 2 tác phẩm văn học “chạm đến trái tim em” để làm rõ.

Bởi thế, nhà báo, MC Trác Thúy Miêu cũng phải thốt lên: “Các thanh niên 15 tuổi ở Đồng Nai ơi, nói cho Miêu biết đi, đề thi này có quá sức các con không? Thầy cô nào ở Đồng Nai có nhận em đi học bổ túc lại không ạ? Đề kích thích quá ạ! Không cho học cũng được, giả đò cho em thi thôi cũng được ạ! Hoan nghênh thầy cô Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai!”...

Trở lại những đề thi đánh đố nhiều sắc màu những năm gần đây, PGS TS Văn Giá nhận định, đề thi Văn “mở” những năm gần đây có một xu hướng ra đề khá phổ biến là “hàn lâm hóa” đề thi. Biểu hiện của nó là thích trích, hoặc nêu các luận điểm khoa học có tính nghiên cứu bậc cao thuộc về các tri thức khoa học xã hội và nhân văn, các tri thức lý thuyết cao siêu. Điều này dẫn đến tình trạng vượt quá sức hiểu biết của học trò. Những người ra đề nghĩ rằng như thế mới hay, mới trí tuệ. Tôi dám chắc khá nhiều câu dẫn, nêu trong đề, chính người ra đề cũng lơ mơ không thực hiểu. Một điều nữa là thích chạy theo cái lạ, cứ tưởng lạ đồng nghĩa với độc đáo. Nhưng nếu chạy theo cái lạ, trích dẫn một câu, nêu một ý lạ hoắc lạ huơ, không cho biết ngữ cảnh của nó, như thể từ trên trời rơi xuống… thì giống như đánh đố học trò, bắt học trò đoán già đoán non, viết ra nhưng câu vu vơ, trúng thì trúng chẳng trúng thì trật. Cái lạ không hẳn lúc nào cũng đồng nghĩa với cái độc đáo. Độc đáo thuộc về giá trị. Lạ mới chỉ là tính chất thôi. Hai là, chọn ngữ liệu không đích đáng. Điều này xảy ra ở cả câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học. Ở câu nghị luận xã hội, có khi bắt gặp những câu trích sáo rỗng, giáo điều hoặc những câu vu vơ, thiếu tính xác định. Còn trong câu nghị luận văn học, chọn những ngữ liệu trong thơ hoặc văn xuôi không hay, chỉ ở bình thường, thậm chí tầm thường - PGS.TS Văn Giá bày tỏ…

Điều đáng nói, dường như khá tréo ngoe khi thực trạng học văn trong nhà trường nhiều năm qua, vẫn theo khuôn sáo đọc chép và chấm thi theo barem điểm từng ý nhỏ như môn Toán. Thế nhưng khi thi, càng thí sinh chuyên sẽ càng làm đề theo hướng “mở”… với mục đích thay đổi việc dạy và học văn ở phổ thông, thay vì ngược lại…

Đọc thêm