Vảy tê tê không phải "thần dược"

(PLO) - Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua vảy tê tê về trị bệnh mà không biết rằng vảy tê tê chỉ có một số tác dụng thông thường giảm đau, tiêu độc, lợi sữa.
7 cá thể tê tê tịch thu từ một vụ buôn lậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
7 cá thể tê tê tịch thu từ một vụ buôn lậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tê tê là loài động vật có vú bị săn bắt, buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Trong 10 năm qua, đã có khoảng 1 triệu cá thể tê tê bị săn bắt, buôn bán trái phép. Việt Nam và Trung Quốc bị coi là hai mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán tê tê xuyên quốc gia. 
Tháng 10/2015, lực lượng hải quan tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã bắt giữ 11,5 tấn tê tê đông lạnh. Đây là vụ bắt giữ tê tê lớn nhất trên thế giới trong vòng 5 năm qua. Chỉ tính riêng trong 5 tháng vừa qua, tại một số cảng biển ở Việt Nam, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ hơn 7 tấn vảy tê tê. 
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), gần 1 tấn tê tê sống cũng đã bị tịch thu từ 16 vụ buôn lậu khác. 
Năm 2015 ENV đã khảo sát 98 hiệu thuốc đông y trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 61% trong số này bị phát hiện có buôn bán vảy tê tê.
Trong khi đó, về mặt y học, lương y Vũ Quốc Trung - Phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội phân tích: “Trong y học cổ truyền, vảy tê tê có tên thuốc là xuyên sơn giáp, vị mặn, mùi hơi tanh, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng vào hai kinh can và vị, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, giảm đau, lợi sữa... Vì thế tác dụng chính của vảy tê tê chỉ là chữa tắc tia sữa, chữa vết lở loét, mụn nhọt, ngoài ra không có tác dụng gì khác cả. 
Tuy nhiên, với những căn bệnh trên thì có nhiều thuốc chữa được tốt hơn vảy tê tê. Ví dụ chữa tắc tia sữa thì có thể dùng các thuốc như bồ công anh, bạch truật... để thay thế. Do đó, bỏ tiền triệu để mua vảy tê tê chữa bách bệnh là không cần thiết. Đối với những bệnh nan y thì vảy tê tê hoàn toàn không có tác dụng”. 
Như vậy bỏ ra tới 15 triệu đồng để mua 1kg vảy tê tê và đồng nghĩa với việc phải giết hại rất nhiều cá thể tê tê vì một con tê tê chỉ cho vài trăm gam vảy để trị “tắc tia sữa, tràng nhạc lở loét, chữa mụn nhọt” thì có đáng hay không?
Vảy tê tê được bày bán tại các hiệu thuốc.
Vảy tê tê được bày bán tại các hiệu thuốc. 
Việt Nam hiện có hai loài tê tê là tê tê vàng (Manis pentadactyla) và tê tê Java (Manis javanica). Cả hai loài tê tê đều được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ở góc độ pháp luật, mọi hành vi săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép tê tê là vi phạm pháp luật. 
Thậm chí theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan chức năng không được phép đấu giá (đối với cá thể thu giữ từ các vụ buôn lậu) hoặc buôn bán tê tê có nguồn gốc từ tự nhiên, kể cả trong trường hợp các cá thể tê tê này đã được đưa vào những trang trại nuôi sinh trưởng hợp pháp. Các cá thể tê tê phải được chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ để cứu hộ, tái thả hoặc tiêu hủy.
Mới đây, ngày 12/1, ENV khởi động chiến dịch “Tuyên chiến với các vi phạm về tê tê” nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm nghiêm trọng số lượng tê tê trong tự nhiên do nạn săn bắt, buôn bán trái phép để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tê tê ở Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc ENV kêu gọi sự tham gia tích cực của Chính phủ, các cơ quan nhà nước liên quan, các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng để sớm xóa bỏ định kiến rằng Việt Nam là một trong những thị trường buôn bán, trung chuyển và tiêu thụ tê tê lớn trên thế giới. 
Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, việc bắt giữ các vụ buôn lậu tê tê trên đường vận chuyển, bắt giữ tài xế hay các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ không phải là điểm mấu chốt để xử lý vấn đề. Để có thể xử lý dứt điểm các vi phạm về tê tê, điều tiên quyết là cần chấm dứt hoàn toàn mọi hành động tiêu thụ tê tê./. 

Đọc thêm