Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, VBF vốn là diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với Chính phủ, nhưng từ năm nay, kỳ vọng sẽ là diễn đàn liên kết DN với DN…
Chủ tịch VCCI cho biết, liên kết giữa DN FDI và khu vực DN trong nước là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm: “Làm thế nào để tránh được một nền kinh tế hai tốc độ hay hai nền kinh tế trong một quốc gia là vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết ngay lúc này, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là trung tâm của nền kinh tế hiện đại”.
Nếu như trước đây, ông Lộc đã phát biểu rằng các DNNVV Việt Nam cần phải lớn lên để có thể kết nối với chuỗi liên kết toàn cầu thì bây giờ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. các DNNVV, thậm chí là DN nhỏ hoàn tòan có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Ngay trên “sân nhà”, dù Việt Nam đã mở cửa, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới vào Việt Nam nhưng sự phát triển của những tập đoàn này đã không kéo khu vực DNNVV phát triển, đặc biệt là DN trong lĩnh vực nông nghiệp.
VBF 2017 sẽ thảo luận những giải pháp hỗ trợ khu vực DNNVV liên kết với DN FDI, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, tiến tới xoá bỏ ranh giới quốc gia trong sản xuất. “Vì vậy, việc thiết kế lại chuỗi toàn cầu để các DN xuyên quốc gia và các DNNVV kết nối với nhau cần phải được đặt ra lúc này, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Theo đó, ông Lộc cho rằng cần phải có những hành động cụ thể để định hình mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DNNVV. “Thực tiễn thời gian qua cho thấy đã có rất nhiều cuộc đối thoại giữa DN FDI với DNNVV trong nước; nhưng tiếng nói chung đã không đạt được” - Chủ tịch VCCI nhận định.
Lần đầu tiên đồng Chủ tịch VBF, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, ông Hiro Sagara cũng thừa nhận rằng việc xây dựng mối liên kết với các DN địa phương là một trong những chiến lược quan trọng của các DN FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Nhật Bản được Tổ chức Xúc tiến thương mại (JETRO) Nhật Bản công bố hàng năm đều chỉ ra rằng kết nối với doanh nghiệp địa phương của Việt Nam là một trong những khó khăn mà các DN Nhật Bản mong muốn được tháo gỡ. “Tuy vậy, chúng tôi muốn rằng mối liên kết giữa DN trong nước và FDI tựa như một cuộc chơi mà ở đó Chính phủ chỉ đưa ra quy tắc luật chơi chung, sân chơi chung…” - ông Hiro kiến nghị.
Tại cuộc họp báo, đại diện VCCI và đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản đã thống nhất ngay sau VBF này, VCCI và Hiệp hội DN Nhật Bản sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể để liên kết DN. Không chỉ kỳ vọng sau chuyến thăm của lãnh đạo 2 nước, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ vươn lên từ vị trí thứ 2 lên vị trí dẫn đầu, đại diện VCCI và Hiệp hội DN Nhật Bản đều thống nhất mục tiêu liên kết giữa DN Nhật Bản với DN Việt Nam cũng giữ vị trí dẫn đầu, dẫn dắt mối liên kết giữa các DN FDI nói chung với DN trong nước.
“Sau DN Nhật Bản, VCCI sẽ làm việc với các Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam để bàn câu chuyên liên kết. Có 15 Hiệp hội DN FDI ở Việt Nam và VCCI sẽ lần lượt làm việc với từng Hiệp hội DN. Vắn đề băn khoăn là có nản lòng hay không? Nếu mỗi năm chung ta gặp mặt 1 lần tại VBF thì tiếng nói không thực sự thuyết phục. Nhưng thông qua các lần gặp gỡ tiếp xúc với từng Hiệp hội DN, chúng ta mới tìm ra vấn đề để từ đó đưa ra đề xuất thuyết phục Chính phủ…”- Chủ tịch VCCI phân tích. Ông cũng nhấn mạnh, VBF nên là diễn đàn “vừa nói, vừa làm” chứ không phải diễn đàn chỉ để nói…
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN trong nước và Quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam…
Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc, VBF 2017 có 2 nội dung chính: Thu hút từ khu vực tư nhân trước tác động của các chính sách toàn cầu; và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn…
Được biết, tại VBF 2016, tổng hợp có khoảng 127 vấn đề DN quan tâm, khoảng 88 vấn đề đã được trả lời, không kể trả lời tại Diễn đàn. Theo đánh giá của DN, vẫn nhiều câu trả lời chung chung, tuy nhiên phản hồi tích cực là hơn 50%...