Với chủ đề “Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Phiên họp cấp kỹ thuật Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 vừa diễn ra ngày 17/3 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
“Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu COVID-19, vốn thực hiện của khu vực FDI vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu" - Thứ trưởng khẳng định.
Sau 25 năm, VBF được đánh giá là đã thực hiện rất hiệu quả vai trò cầu nối giữa cộng đồng DN, cơ quan nhà nước, nhưng còn dư địa cải tiến cách làm. Phiên họp kỹ thuật đã đề cập vào những vấn đề vướng mắc cụ thể, tách biệt đâu là vấn đề luật pháp, đâu vấn đề thực thi, nếu ở thực thi thì nêu rõ vướng ở cấp nào, cơ quan cụ thể nào. Từ đó có những khuyến nghị sát, chuẩn bị tốt nhất cho phiên cấp cao diễn ra vào sáng 19/3 với sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây.
Trong đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Khí tượng thủy văn…
Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
“Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021-2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới” – Thứ trưởng Ngọc khẳng định.
Đồng thời cho biết, với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng DN có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững…”- Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời bày tỏ mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của DN nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phát huy vai trò, sức mạnh lan tỏa và trách nhiệm xã hội của cộng đồng DN trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế chính sách để DN yên tâm tiếp tục đầu tư kinh doanh, vì một mục tiêu cao nhất là đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững với nhu cầu cấp bách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. ..”- Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định.
Phiên kỹ thuật đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp |
Hai nhóm vấn đề chính bàn thảo tại phiên họp
Phiên kỹ thuật đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp. 14 đại biểu từ khối DN phát biểu về 2 nhóm vấn đề chính có tính thời sự là: Kinh tế xanh, phát triển bền vững; Và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Nhiều ý kiến của cộng đồng DN rất xác đáng, chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi, thực tiễn như đối với dự án hạ tầng hay các vấn đề hiện hữu hiện nay là bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài, chính sách đảm bảo đầu tư, bảo vệ môi trường…
Các ý kiến đồng tình cho rằng thời gian qua Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thế hệ mới, tạo sân chơi rộng mở hơn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn; tập trung nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu để tăng cường kết nối, giảm chi phí logistic cho DN… Mặc dù nguồn nhân lực còn bất cập nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã, đang có bước đi quan trọng để cải thiện. ..