VCCI đề xuất giải pháp chấm dứt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ, bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, để không lặp lại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước, mấu chốt vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
VCCI cho rằng, việc quy định mức giá bán lẻ nhưng không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu đang khiến việc điều hành giá mang tính “nửa vời”.
VCCI cho rằng, việc quy định mức giá bán lẻ nhưng không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu đang khiến việc điều hành giá mang tính “nửa vời”.

VCCI vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu do đâu?

Trên cơ sở tham khảo các doanh nghiệp và chuyên gia, VCCI cho rằng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

VCCI cho rằng, việc thiếu hụt xăng dầu không chỉ diễn ra trước, mà cả ngay sau khi điều chỉnh giá. Trong khi đó, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bằng cách phạt các cây xăng đóng cửa dẫn tới tình trạng bán nhỏ giọt, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Từ thực trạng trên, VCCI lo ngại việc Bộ Công Thương lựa chọn phương án Nhà nước tiếp tục định giá, trên cơ sở sửa đổi công thức để tính đúng, tính đủ như quy định hiện hành, có thể khó đảm bảo tính hợp lý và khả thi, có thể tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập trên.

Theo VCCI, chi phí này phức tạp, nhiều thông số đầu vào dễ bị báo cáo sai lệch. Thậm chí kể cả kiểm toán cũng khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp gửi giá, thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên.

Với phương án doanh nghiệp tự quyết giá, VCCI cho rằng cần phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Vì có thể có tình trạng nếu thị trường có mức độ cạnh tranh thấp thì các nhà cung cấp có thể bắt tay nâng giá.

Vì vậy, trên cơ sở đề nghị thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp, VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án cho doanh nghiệp tự quyết giá.

Kiến nghị để doanh nghiệp tự quyết

Về mức chiết khấu xăng dầu, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị với VCCI để kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại lựa chọn phương án không quy định cụ thể mức chiết khấu để đảm bảo quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho doanh nghiệp. Nhưng VCCI cho rằng, với cách quản lý trên, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời: Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng; Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng.

Do đó, VCCI cho rằng nếu Nhà nước không can thiệp vào giá, để thị trường quyết định giá thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Nếu Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu, hoặc giá bán buôn tối đa, đảm bảo đồng bộ quản lý.

Liên quan tới vấn đề cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn. Mặc dù Bộ Công Thương đã đồng ý với phương án này xong trong Tờ trình Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm.

VCCI cho rằng, có thể hoàn toàn khắc phục được những lo ngại của Bộ Công Thương để kiểm soát tốt quan hệ phân phối, chất lượng xăng dầu.

Thứ nhất, cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, sửa đổi quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.

VCCI cũng cho rằng việc Bộ Công Thương chỉ cho thương nhân phân phối nhập hàng của ba thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác là không phù hợp. Bởi nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì cần tăng tính linh hoạt trên thị trường, không nên hạn chế để cản trở chuỗi cung ứng.

Đọc thêm