VCCI lo ngại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo gây khó cho doanh nghiệp trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Góp ý các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, VCCI cho rằng, một số quy định cần được xem xét, đánh giá lại vì không cần thiết, gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới tình hình sản xuất trong nước.
VCCI đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại nhiều quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo (Ảnh minh họa).
VCCI đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại nhiều quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo (Ảnh minh họa).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo.

Trong văn bản góp ý Dự thảo, VCCI đề nghị Bộ Công Thương lưu ý các biện pháp quản lý nhập khẩu đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy định chi tiết. Việc áp dụng biện pháp nào, căn cứ áp dụng, điều kiện áp dụng, đều đã được quy định và các cơ quan Nhà nước cần tham chiếu các quy định này khi áp dụng.

Theo VCCI, Bộ Công Thương cần cân nhắc về sự cần thiết của việc bổ sung thêm quy định về nhập khẩu thóc, gạo. “Quy định như dự thảo hiện nay chưa đủ rõ ràng, chẳng hạn không rõ tiêu chí nào để đánh giá “tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”? Không rõ các biện pháp quản lý nhập khẩu mà cơ quan nhà nước được đề xuất là gì?”, VCCI nêu.

VCCI cho rằng, việc áp dụng các biện pháp quản lý hạn chế nhập khẩu không phải chỉ mang lại tác dụng tích cực, chẳng hạn như Tờ trình Dự thảo đã đề cập "việc nhập khẩu gạo tăng trong thời gian qua là để phục vụ sản xuất các mặt hàng khác như thức ăn chăn nuôi, bia…" trong khi Việt Nam chuyển dịch sang xuất khẩu các loại gạo cao cấp hơn. Do vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước, khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm từ Việt Nam…

“Việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu cũng cần xem xét đến lợi ích của cả các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu để sản xuất – VCCI thêm ý kiến.

Từ đó, VCCI đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc việc bổ sung quy định này: “Việc quản lý nhập khẩu nên áp dụng thống nhất quy định của Luật Quản lý ngoại thương. Dù vậy, Dự thảo có thể quy định về việc cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước khác để cơ quan quản lý có thêm thông tin khi ra quyết định (như Dự thảo đã quy định)”.

Điều 1.13 Dự thảo quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bao bì sản phẩm gạo xuất khẩu. Theo VCCI, quy định này cần được làm rõ hơn vì trong tờ trình Dự thảo và các tài liệu liên quan không đề cập đến bất cập hay vấn đề nào liên quan đến bao bì sản phẩm gạo xuất khẩu. Vì vậy, VCCI cho rằng, quy định này có thể gây tốn kém, tạo ra chí phí lớn cho các doanh nghiệp do phải thay đổi bao bì theo tiêu chuẩn cụ thể.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải trình rõ về nội dung này, trong đó cần đảm bảo lợi ích thu được lớn hơn chi phí xã hội bỏ ra. Nếu không, VCCI đề nghị bỏ quy định này.

Một trong những góp ý quan trọng đối với Dự thảo, VCCI nêu về hồ sơ, thủ tục kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo VCCI, quy trình quá phức tạp, không biết đang đi theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm khi vừa yêu cầu nộp hồ sơ, tài liệu trước và lại tiến hành kiểm tra ngay sau khi cấp giấy chứng nhận. Hơn nữa, việc yêu cầu kiểm tra thực tế sau cấp phép với mọi trường hợp là không cần thiết và tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước.

VCCI cho rằng: “Cơ quan soạn thảo cần sửa đổi theo hướng bỏ quy định về kiểm tra điều kiện kinh doanh sau khi cấp phép. Cơ quan cấp phép thực hiện xem xét với tài liệu chứng minh về cơ sở vật chất. Việc kiểm tra chỉ thực hiện khi Bộ Công Thương nghi ngờ tính xác thực của hồ sơ (như Dự thảo đã bổ sung).

Nếu không, nhằm đảm bảo yêu cầu tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020, giữ vững kết quả cải cách điều kiện kinh doanh mà Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã đạt được, đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung quy định về hồ sơ (Điều 1.5 Dự thảo) mà chỉ thực hiện hậu kiểm”.

Đọc thêm