Về Bắc Ninh xem “Bụt” kiếm tiền (Kỳ 2)

"Thầy" Bút bắt đầu công việc mà nhiều người mong đợi: Ban tờ lệnh trời. Mỗi phút, “Bụt” ban phép" cho một người. "Tờ lệnh" trị giá 100.000 đồng chỉ có mấy dòng chữ nguệch ngoạc mà trừ “Bụt”, không ai hiểu được... "Thầy" từng có "đệ tử ruột" là Lã Thị Kim Oanh.

Kỳ 2: Lời đồn và sự thật

[links(left)]

Sau khi ổn định chỗ ngồi, thầy Bút bắt đầu công việc mà nhiều người mong đợi: Ban tờ lệnh trời. Mỗi phút “Bụt” ban phép" được cho một người. Tờ lệnh trời cho trị giá 100.000 đồng chỉ có mấy dòng chữ nguệch ngoạc mà trừ “Bụt” ra không ai hiểu được...

“Thuật” xin, dùng lệnh

Vài trăm con người rồng rắn xếp hàng kín góc sân. Cầm bút lông, “thầy” bắt đầu... “vung” chữ. Đứng cạnh thầy là một cô gái trẻ giúp việc. Nếu không biết việc phải chi tiền để có tờ giấy lệnh này, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến cảnh ông đồ đang cho chữ nhân ngày xuân mới.

"Bụt " đang viết "lệnh trời"
"Bụt " đang viết "lệnh trời"


“Quy luật ban lệnh của thầy như sau: Thầy sẽ chỉ viết một lần và nói rất nhỏ về địa điểm, thời gian đốt lệnh. Vì thế, phải lắng nghe thật kỹ vì nếu có hỏi lại thì thầy sẽ không nói. Cần phải đốt lệnh chính xác tới từng chi tiết theo hướng dẫn của thầy thì lệnh mới thiêng”, một người nhà của thầy cẩn thận dặn dò các tín chủ.

Nắm được “luật lệnh”, những người đi xin lệnh cứ lần lượt lên bàn gặp “thầy”. Qua quan sát, có thể thấy rằng quá trình ban mỗi tờ lệnh và dặn dò tín chủ của “thầy” Bút mất chưa đầy 1 phút. Người xin lệnh kính cẩn ghé sát tai nghe “thầy” nói rồi sau đó nhận lại một tờ giấy đỏ hoặc vàng có ghi mấy dòng ký tự nguệch ngoạc. Chữ “trời” có khác, nhìn vào tờ lệnh, chắc chẳng ai đọc được ngoài thầy Bút bởi nó chẳng giống nét chữ của bất kỳ một loại chữ Tây, Ta hay Tàu nào (?).

30 phút, hơn 30 tờ lệnh được phát ra. Những người đã thỏa vọng tiến dần ra phía cổng. Tại đây, họ tiếp tục được người nhà “thầy” phát “lộc Thánh” là mấy thứ hoa quả đã được gói ghém lại thành từng suất.

19h, con đường làng từ nhà thầy Bút ra tuyến đường liên huyện bắt đầu ầm ĩ, inh ỏi bởi tiếng còi xe ô tô nối đuôi nhau ra về. Những người ngồi trên xe đều hoan hỉ sau khi đã nhận tờ “thiên lệnh” với niềm tin: Tờ lệnh sẽ xua đi đen đủi, mang về may mắn, biến những điều cầu mong thành hiện thực!?.

Quyền năng của “Bụt” có từ đâu?

Khi chứng kiến cảnh vài trăm con người với những chiếc xe hơi đắt tiền nườm nượp đến gặp “Bụt” để xin một tờ lệnh, người hiếu kỳ không tránh khỏi việc đặt một câu hỏi: Có thực quyền năng của “thầy” lớn đến vậy?. Do đâu “thầy” có được quyền năng đó?.

Tờ lệnh mà phóng viên mua được
Tờ lệnh phóng viên mua được

Đem thắc mắc này ra hỏi những người dân địa phương và đám nhân viên coi xe, phóng viên nghe được câu chuyện: Ông Bút vốn là người bình thường nhưng rồi trong quá trình đi phiêu bạt, cơ trời cho ông gặp một vị pháp sư. Sau khi tôn vị pháp sư làm sư phụ, ông Bút được truyền pháp thuật nên dần có khả năng. Về sau, khi vị pháp sư khuất núi, ông Bút đã mang đầu lâu vị pháp sư về thờ. Từ đây, quyền năng của “thầy” Bút càng thêm tối cao (?).

Và sự thật đắng cay của các đệ tử ruột

Chưa rõ câu chuyện thấm màu huyền tích trên thực hư thế nào. Tuy nhiên, phóng viên chỉ biết chắc chắn một điều: Ông Bút tên đầy đủ: Nguyễn Thành Bút, sinh năm 1964. Ngoài ra, có một thông tin rất đáng lưu tâm: Đệ tử ruột của ông Bút là người tù nổi tiếng: Lã Thị Kim Oanh, kẻ phải thụ án tù chung thân về hai tội “Tham ô”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại tổng số tiền trên 70 tỷ đồng. Thông tin này được các lãnh đạo xã An Bình, huyện Thuận Thành xác nhận với phóng viên.

“Khoảng 2 năm trước khi vào tù, Lã Thị Kim Oanh là khách quen chỗ ông Bút. Bà ta thường về đây vào mỗi dịp đầu tháng, kéo theo đoàn “tùy tùng” đông lắm. Mỗi lần về bà ấy “rải” tiền thì ghê lắm”, ông Nguyễn Bá Tước, Bí thư Đảng ủy xã An Bình cho biết.

“Ngoài ra, cách đây vài năm còn có một nữ Chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty xây dựng đô thị tại Hưng Yên hay sang nhà thầy Bút để xem. Vị này còn bỏ tiền ra mua mấy tượng sư tử đá làm công đức. Tuy nhiên, sau việc này thì hội đồng quản trị của công ty đó biết được nên đã họp lại rồi bỏ phiếu cách chức bà này vì đã chi tiêu tiền của công ty sai nguyên tắc, mục đích. Mà tôi nói thật, đến nhà thầy Bút mà cầu gì được nấy thì dân ở đây chả dại gì không đến. Thế nhưng dân địa phương có mấy ai nhờ đến ông ấy bao giờ đâu”, ông Tước nói thêm.

Quay trở lại nhà ông Bút, phóng viên bất chợt hỏi dò một người nhà “thầy”: “Ngày xưa, bà Lã Thị Kim Oanh là đệ tử ruột của thầy Bút nhà mình à?”. Người này quắc mắc nhìn phóng viên dò xét rồi hỏi lại: “Cậu ở đâu mà lại biết chuyện này?”.

Sẽ xử lý

Ông Lê Khả Toan - Chủ tịch UBND xã An Bình: “Tôi rất mong công luận vào cuộc để mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn về chuyện ông Bút, tránh đến đây vì những lời đồn nhảm về công dụng thần thánh của những tờ lệnh. Chúng tôi sẽ xem xét báo cáo việc này lên cấp trên để có biện pháp xử lý”.

Phóng sự của Thọ Phước

Đọc thêm