Về vùng đất có những cụ già trăm tuổi vẫn leo núi, làm nương

(PLO) -Đất Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nhiều năm nay được mệnh danh là “thung lũng trường sinh” bởi cả xã vỏn vẹn chưa đầy 400 nếp nhà, nhưng lại rất nhiều người hiện sống thọ trên 100 tuổi, còn những trường hợp tuổi 80, 90 ở Lũng Vân thì đến giờ chưa thể thống kê hết được. Ai lần đầu đến đây cũng đều có cảm giác như các cụ đang đua nhau sống qua cái ngưỡng “tuổi giời”. 
 Một góc “thung lũng trường sinh” Lũng Vân
Một góc “thung lũng trường sinh” Lũng Vân

Sống chậm ở xứ Mường Chậm

Trước khi ghé vào Lũng Vân, tôi đã được nghe khá nhiều câu chuyện ly kỳ về những ngày đầu khai sinh ra mảnh đất ngun ngút, cách 1.200m so với mặt nước biển này.

Theo đó, người Mường từ thuở xa xưa vẫn thường bảo: "Nhất bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Đó là sự đánh giá về độ giàu có, quyền uy của bốn xứ Mường nổi tiếng nhất Hòa Bình. Tính về địa giới hành chính, Mường Chậm Lũng Vân chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi.

Nói cách khác, theo lời cao niên trong vùng, ban đầu đất này còn có cái tên Mường Chậm, mãi sau mới được đổi thành Lũng Vân. Hỏi sâu hơn về chuyện tên gọi “Lũng Vân” xuất xứ ra sao, nhiều cao niên lắc đầu cười rồi lờ mờ đoán rằng: “nơi đây địa thế như một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, quanh năm chỉ có sương mù và mây trắng nên lâu ngày thành quen, dân bản gọi bằng tên ấy”.

Chuyện ấy đúng sai về tên gọi Lũng Vân như nào, chẳng ai dám chắc. Thế nhưng, sự tích ngày lập đất Mường Chậm, nơi đây ai nấy đều nắm rõ. Có người còn khẳng định chắc nịch, Lũng Vân bây giờ có nhiều dòng họ, thậm chí có cả người xứ khác đến sinh sống đan xen, nhưng gốc tích ở đây phải là người mang họ Bùi. Bởi sự tích Mường Chậm gắn với một đôi vợ chồng mang họ Bùi.

Chuyện rằng, từ những ngày xa xưa trên xứ Mường Bống tận bên đất Lạc Sơn (Hòa Bình), nhà Lang cho xây dựng một con đập dẫn nước về ruộng bậc thang. Lũ trẻ Mường Bống rủ nhau tắm trên đập, chui luồn trong ống cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà nọ đan một chiếc đó chặn ở đầu bên kia miệng cống, để bắt cá. Lũ trẻ mải chơi đùa chui qua miệng cống vô tình lọt vào miệng đó làm chết 9 thằng bé con. 

Nhà Lang phạt vạ, bắt gia đình này đan đủ 9 cái đó, mỗi năm nộp lúa ngô, lợn gà… quy sang vàng bạc, đựng đầy 9 đó để nộp nhà Lang. Vào một đêm tối trời, gia đình bị phạt vạ đã gùi 9 đó lúa mới, bồng bế dắt díu nhau bỏ Mường, bỏ xứ, để trốn nhà Lang. Họ đi mải miết ròng rã nhiều tháng trời, đến một vùng rừng núi hoang vu, nghĩ rằng đã trốn thoát khỏi nhà Lang, họ mới dừng lại, khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, xứ này cũng vì thế mà được khai sinh.  

Những truyền thuyết khai hoang, lập xứ cứ đan xen một màu huyễn hoặc nhưng có điều chắc chắn là thung lũng Mường Chậm nằm dưới chân của những ngọn núi cao nhất xứ Mường. Ở Mường Chậm Lũng Vân, cả thung lũng mây hoàn toàn yên tĩnh, thưa vắng bóng người, chỉ thấp thoáng bóng nhà sàn lấp ló xen lẫn trong mây. Cảnh sắc, thiên nhiên, bản làng tĩnh lặng, yên ả mà không hoang lạnh bởi hòa lẫn trong mây là những nếp khói lam chiều. 

Do đặc trưng địa hình, một bên là khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nơi có đường cắt ngang đỉnh núi thông sang huyện Bá Thước, Thanh Hóa, bên kia có đường đi Quốc lộ 15C để ngược Mai Châu hoặc xuôi về Mường Lát… thế nên người Mường nơi đây đã quen với cảnh khách lạ ghé chân. Họ ít tò mò về người khác và lại thân thiện, dễ gần. Gặp ai cũng chỉ thấy họ khẽ nhoẻn miệng cười. Nếu có hỏi han, nhờ vả họ cũng chẳng ồn ào mà vẫn nhiệt tình giúp đỡ.

Ở Lũng Vân, dù số người tuổi cao rất nhiều nhưng hầu hết họ vẫn duy trì được một sức khỏe dẻo dai
Ở Lũng Vân, dù số người tuổi cao rất nhiều nhưng hầu hết họ vẫn duy trì được một sức khỏe dẻo dai

Trăm tuổi vẫn minh mẫn

Nhắc đến câu chuyện sống thọ của người dân ở xã Lũng Vân, ông Đinh Thanh Dững, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho biết: “Cả xã có chưa đầy 400 nếp nhà, nhưng có tới gần 60 cụ thượng thọ (từ 80 tuổi trở lên), còn các cụ từ 70 đến dưới 80 thì có tới hàng trăm người. Người sống lâu nhất ở vùng đất này được ghi nhận là cụ Đinh Thị Hệu, SN 1897 và mất tháng 2/2011, thọ 115 tuổi”.

Nhưng điều ngạc nhiên mà ông Dững tiết lộ thêm là, mặc dù số người tuổi cao rất nhiều nhưng hầu hết các cụ ở đây vẫn luôn duy trì được một sức khỏe dẻo dai, 90 - 100 tuổi vẫn có thể giúp đỡ con cháu làm nương, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là đi rừng hái củi.

Cụ Hệu dù đã trọn tuổi trời nhưng giờ vẫn còn một "cô bạn" thân ở xóm Bách là cụ bà Hà Thị Ỉn. Cụ Ỉn nhỏ hơn cụ Hệu bốn tuổi. Chừng bốn, năm năm nay, do chân yếu, tai lãng nên cụ mới dừng chuyện đi rừng kiếm củi.

Ở xóm Bục hiện còn có cụ Hà Thị Mỉ, năm nay cũng đã quá tuổi 100. Lạ ở chỗ, dù hơn 100 tuổi, ở cái tuổi mà nhiều người phải sống bằng thuốc, dựa vào thuốc thì cụ chưa từng dùng 1 viên thuốc từ ngày sinh ra. Cụ hóm hỉnh: “Cả đời chưa bao giờ uống thuốc tây cả. Ốm đau cũng hiếm khi lắm, chắc ông giời cũng thương nên không bắt ốm”. 

Cũng trong cảnh “thân vô bệnh tật” như cụ Mỉ, cụ Bùi Thị Ón ở bản Chiềng cũng khiến không ít người phải trầm trồ ngưỡng mộ khi trăm tuổi vẫn có thể đeo gùi, đi nương. Nhắc chuyện này, cụ Ón tiếc rẻ: “Con cháu thấy mình già quá nên không cho đi. Giờ tôi chỉ làm việc lặt vặt trong nhà thôi. Hằng ngày, tôi vẫn tự ăn uống, sinh hoạt mà chẳng cần phải nhờ ai giúp cả”.

Có một điều lạ là dù có số người trên 100 tuổi vào loại kỷ lục nhưng ở Lũng Vân, từ cán bộ đến người dân khi được hỏi bí quyết thì ai nấy đều lắc đầu. Ngay chủ nhân của những kỷ lục sống thọ cũng chẳng rõ nhờ đâu mà họ được hưởng “tuổi giời” nhiều đến như vậy. Một cao niên phỏng đoán:

“Ngày ấy người Mường Bi ở thung mây này khổ lắm, đường xá đi lại khó khăn nên lúa ngô trồng được thì ăn, không trồng được thì cả mùa cứ quanh năm ăn rau rừng, nước cây rừng. Ở Lũng Vân có ba dòng suối, suối Hượp, suối Trong và suối Miêu hợp thành một hợp lưu, dân làng bao đời cứ đến đó múc nước về sinh hoạt. Dân ở đây vẫn thường hay lên rừng hái các cây thuốc nam về pha trà và ngâm rượu để uống, lấy lá và dễ cây về phơi khô rồi sao thành nước uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe... có thể vì những điều như vậy nên tuổi thọ được nâng cao”. 

Xuất hiện không ít làng trường thọ 

Ở Việt Nam, có không ít vùng đất được dư luận biết đến với biệt danh “trường thọ” với số lượng người cao tuổi cao như, xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, An Giang) hiện có 40 cụ tuổi từ 90 trở lên, đặc biệt có 5 cụ thọ trên 100 tuổi.

Đó là cụ ông Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Hữu Tâm (sinh năm 1913), cụ bà Trần Thị Lên và Nguyễn Thị Nhộng (sinh năm 1912). Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1911); Ở vùng Chuyên Ngoại, (Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cũng được biết đến là “làng trường thọ” của vùng châu thổ sông Hồng.

Theo thống kê, Chuyên Ngoại có tới 1.381 cụ, trong đó có đến 577 cụ từ 80 đến 99 tuổi, 4 cụ trên 100 tuổi, còn lại là các cụ từ 60 đến 79 tuổi; Ngay ở khu vực Hà Nội cũng tồn tại một “làng trường thọ” là Thọ Lão (ở nơi giáp ranh giữa 2 xã Thọ Xuân và Thọ An của huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội).

Nơi đây được xem là ngôi làng có nhiều người sống thọ với số lượng lớn “bô lão” hiện đang sinh sống. Theo đó, ngôi làng đặc biệt này có 8 cụ ở tuổi ngoài 90, có 30 cụ ở tuổi 85 và độ tuổi từ 70- 85 thì làng có đến cả 100 người.