Nghĩa tình gần 40 năm “chồng làm mắt, vợ làm chân”

(PLO) - Mối tình của họ đẹp nhưng lắm khổ đau. Khi cô gái bị bệnh dẫn đến mất đi đôi mắt ở nơi chiến trường rừng thiêng nước độc, chàng thợ mộc liệt hai chân ở hậu phương vẫn miệt mài viết thư động viên người yêu. Lá thư tình phải nhờ đồng đội đọc hộ, tình yêu của cặp đôi tật nguyền đã kiên cường vượt qua chiến tranh và những khó nhọc của đời thường. Họ đến bên nhau, gần 40 năm đồng cam cộng khổ cùng sánh bước trong hành trình cuộc đời “chồng làm mắt, vợ làm chân”.
Ông Lân, bà Hương không còn phải ngược xuôi mưu sinh khi các con đều trưởng thành.
Ông Lân, bà Hương không còn phải ngược xuôi mưu sinh khi các con đều trưởng thành.

Lá thư tình đồng đội đọc hộ

Trời xế chiều, ông Lê Văn Lân (59 tuổi, trú xóm 11, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) khó nhọc di chuyển bằng hai đầu gối xuống bếp nấu cơm cho vợ. Đôi chân ông teo nhỏ cố chống đỡ thân mình. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hương (57 tuổi) dù to khỏe hơn nhưng chỉ ngồi quờ quạng làm mấy việc lặt vặt, một mắt bà đã mù hẳn, mắt còn lại chỉ nhìn được 5%. 

Vừa làm rau, ông Lân vừa tâm sự: “Rứa là cũng ngót nghét gần 40 năm tôi chung sống với bà ấy. Vất vả thì không kể hết, nhưng hạnh phúc cũng nhiều lắm. Đến chừ, con cái đứa thì ra nhà cửa, đứa thì đang đi làm ăn xa, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai vợ chồng già sớm tối với nhau, lâu cũng thành quen”. 

Thương vợ con, những đêm mùa đông rét thấu thịt da, ông Lân vẫn lụi cụi bóc hết tạ lạc kịp sáng mai giao hàng rồi lại đi làm mộc. “Người ta nói giàu hai con mắt, khi đôi mắt của vợ đã mù lòa, tui thương lắm, càng thấm cái nỗi thiệt thòi của vợ, nhất là mỗi lần vợ hỏi về khuôn mặt, nụ cười, dáng dấp của mỗi đứa con, lòng tui đau như cắt”, ông Lân trải lòng.

Nghe chồng nói vậy, đôi mắt tật nguyền của bà Hương nheo nheo, chực rơi nước mắt. Bà xúc động: “Mẹ tui mất khi tui chưa đầy 3 tháng tuổi. Đến 5 tuổi, tui đã theo họ hàng đi bóc lạc thuê kiếm tiền đi học, đi cào nghêu về bán. May mắn của tôi là tìm được tấm chồng như ông ấy. Suốt nhiều năm nay, mọi công việc trong gia đình đều do ông ấy quán xuyến cả”. 

Còn ông Lân bị liệt hai chân từ khi 5 tuổi. Năm đó ông bị sởi biến chứng bại liệt nhưng người thân không biết. Từ đó, ông phải di chuyển khó nhọc bằng hai đầu gối. Gắng theo được hết cấp 2, nhà nghèo quá nên ông Lân nghỉ học, hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà.

Trong một lần ngồi sau xe đạp của bố đi qua xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông thấy nhiều người trong làng làm nghề mộc, nên nài nỉ bố mẹ cho mình theo học nghề. 

Cảm động trước hoàn cảnh và nghị lực của cậu thiếu niên bại liệt, ông chủ xưởng mộc đã tận tình hướng dẫn, đào tạo Lân học nghề. Sau hơn 3 năm vừa làm vừa học, nhờ khéo tay, chịu khó nên ông Lân được nhận vào làm thợ chính của xưởng mộc. Cũng chính tại đây, ông đã gặp gỡ cô gái miền biển Quỳnh Thọ, người sau này trở thành người vợ chia ngọt sẻ bùi suốt mấy chục năm trời.

Hồi đó, hàng ngày bà đến xưởng mộc đóng mạt cưa, trò chuyện cùng ông, khi thì khen chiếc ghế đóng đẹp, lúc thì khen ông làm cái tủ nhanh. Cứ như thế, tình cảm đến với họ thật tự nhiên. Thời điểm cô gái quyết định đi thanh niên xung phong cũng là thời điểm ông Lân nhận ra trái tim mình đã thương nhớ người đó. Không biết thổ lộ cùng ai, ông chỉ biết thủ thỉ với mẹ. Người mẹ lo lắng: “Chân con như vầy, mần răng gia đình bên nớ chấp nhận được”. Tuy vậy, ông Lân luôn tin tưởng vào tình yêu và ánh mắt của người con gái trao cho mình.

Những cánh thư liên tục từ tuyến lửa gửi về hậu phương và ngược lại đã nối dài tình cảm hai người. Họ cùng động viên nhau, hẹn thề nên duyên chồng vợ. Nhưng trong một lần bị đau mắt giữa rừng thiêng nước độc, không được chữa trị kịp thời, mắt phải của bà Hương bị mù hẳn, mắt trái chỉ còn nhìn lờ mờ. Bà Hương đau đớn, lá thư người yêu gửi cũng phải nhờ đồng đội đọc hộ. Nhưng tình yêu của họ vẫn mặn nồng qua năm tháng. 

Lết đầu gối dìu vợ sinh con

Ngày bà xuất ngũ, họ vẫn kiên cường đến bên nhau dù nhiều người bàn ra nói vào. Ngày cưới không mâm cao cỗ đầy, chỉ là bữa tiệc nhỏ báo cáo bà con, hàng xóm. Khách đến dự cưới không cầm được nước mắt trước cảnh tật nguyền éo le của cô dâu, chú rể. Ông Lân còn nhớ mãi hình ảnh người chủ xưởng mộc ngậm ngùi nắm tay dặn dò: “Cố gắng lên cháu nhé”, rồi đặt vào tay ông mấy đồng xu mừng cưới.

Về chung sống dưới một mái nhà, hàng ngày, ông Lân đi làm thợ mộc, còn bà Hương dẫu mù lòa vẫn ngày ngày ra chợ xã bán rau. Người làng quen dần hình ảnh người chồng lết bằng hai đầu gối bên người vợ mù lòa dò dẫm với gánh hàng rau ở chợ làng. 

Ngày qua ngày, năm qua năm, ông Lân cứ miệt mài làm việc, hết bóc lạc đêm lại làm mộc ngày, đúc sò buổi trưa, chẳng khi nào tay ông ngơi nghỉ. Dù đôi chân bị liệt đến đầu gối nhưng ông Lân luôn tăng gia sản xuất, nuôi lợn, trồng rau màu, lưng áo lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. 

Ngày bà Hương chuyển dạ sinh con đầu lòng, vợ chồng dìu nhau mò mẫm, lết đến trạm xá trong đêm. Người vợ mù lòa, đau đớn dựa vào người chồng nhỏ bé đang gồng sức đi bằng hai đầu gối dìu vợ. May mắn mẹ tròn con vuông, ông Lân thương vợ trào nước mắt. Rồi 6 người con, 4 gái, 2 trai lần lượt ra đời trong niềm vui xen lẫn khó nhọc của hai vợ chồng.

Bà Hương một mắt chỉ thấy được lờ mờ nên từ người con đầu lòng đến người con út đều do một tay ông Lân chăm sóc, giặt giũ. Mỗi lần con ốm con đau, đi bệnh viện... một mình ông lết đi lết lại, không một lời than vãn. Nhiều lần bà Hương lặng lẽ khóc vì bất lực, thương chồng quá vất vả, thương con còn khờ dại. Ông Lân lại ôm vợ động viên: “Từ ngày tui lắp đôi chân giả, đi lại thuận lợi lắm, bà đừng lo. Công việc làm mộc của tui cũng nhiều, chỉ cần bà vui, khỏe, là bố con tui vui rồi”. 

Ngược xuôi mưu sinh

Thương vợ con, những đêm mùa đông rét thấu thịt da, ông Lân vẫn lụi cụi bóc hết tạ lạc kịp sáng mai giao hàng rồi lại đi làm mộc. “Người ta nói giàu hai con mắt, khi đôi mắt của vợ đã mù lòa, tui thương lắm, càng thấm cái nỗi thiệt thòi của vợ, nhất là mỗi lần vợ hỏi về khuôn mặt, nụ cười, dáng dấp của mỗi đứa con, lòng tui đau như cắt”, ông Lân trải lòng.

Vài năm gần đây, khi người con trai út đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin Đà Nẵng, ông Lân không ngược xuôi mưu sinh như trước nữa. Ông nói, giờ phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc vợ, bù đắp lại những tháng ngày vất vả. Ông tự hào khoe đến người con áp út đi làm cà phê tận trong Đắk Lắk, cũng gom góp được ít vốn liếng, được bà con trong đó giúp đỡ cho vay mua được một vạt cà phê. 

Rưng rưng chỉ ngôi nhà, ông nói cuối năm 2013, gia đình ông được một doanh nghiệp hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà và giúp đỡ ngày công trong suốt quá trình thi công. “Cộng với tiền tích góp bao lâu nay đi làm thợ mộc của tui, anh em chòm xóm mỗi người giúp thêm một ít, làm được ngôi nhà ni. Ơn này, vợ chồng tôi ghi nhớ suốt đời”, ông nói.èo

Gần 40 năm gắn bó vượt qua chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, nuôi dạy đàn con trưởng thành, vợ chồng ông Lân, bà Hương được nhiều người ngưỡng mộ. Giờ đây mái đầu đã điểm bạc, nhưng tình yêu ông bà dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Quấn quýt bên nhau trong bữa cơm, cốc nước, ông bà ôn lại những ngày tháng gian khổ để động viên nhau vui sống tuổi xế chiều.

Đọc thêm