Bình Định xưa kia vốn là vùng định đô khá dài của vương quốc cổ Chămpa ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, từ thế kỷ 11 đến 15. Chính vì vậy, Bình Định được biết đến là nơi còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc – văn hóa Chăm độc đáo, trong đó đặc biệt nhất là các di tích tháp Chăm.
Quần thể tháp Chăm Bình Định còn khá nguyên vẹn, đa dạng và đạt nhiều kỷ lục trong khu vực Đông Nam Á: Tháp Dương, là tháp gạch cao nhất với tháp giữa cao 39m; tháp Hòn Chuông được xây ở vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á: 600m. Trong số hơn 60 công trình kiến trúc tháp còn trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định là địa phương thứ hai có nhiều tháp Chăm nhất Việt Nam, chỉ sau Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Hiện nay, trên đất Bình Định có đến 8 cụm với 14 tháp Chăm nổi tiếng gồm Bánh Ít, Dương Long, tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông nhưng tháp Hòn Chuông chỉ còn là chân đế, những ngôi tháp này nằm ở các vùng xung quanh kinh thành Đồ Bàn xưa, nay thuộc địa giới ba huyện và một thành phố: huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và TP Quy Nhơn. Niên đại của các tháp Chăm được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót 1.000 năm.
Những bảo tàng ngoài trời có lịch sử ngàn năm
Nếu xuất phát từ TP Quy Nhơn, du khách sẽ gặp tháp Đôi ngay trong lòng thành phố, bên bờ đầm Thị Nại. Tháp nằm cạnh cầu Ðôi trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Tháp Ðôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh, được xếp vào một trong những tháp đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Bởi hai tháp đứng gần như song song với nhau nên được gọi là Tháp Đôi, hai tháp lớn nhỏ nằm cạnh nhau, một tháp uy nghi vững chãi, một tháp thấp nhỏ hơn với nhiều đường nét tinh xảo, duyên dáng, cả hai quấn quýt như một cặp vợ chồng. Nét lạ của tháp Đôi là có kiến trúc, hoa văn “không đụng hàng” với các ngọn tháp Chăm khác như kỹ thuật lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau, hay các góc tháp đều được trang trí hình chim thần Garuda bằng đá.
Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng Tây Bắc. Tháp được xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục mét, thờ Nữ Thần Y A Na. Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định.
Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ, tuy nhiên phần tiền sảnh đã bị đổ. Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp Chăm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.
Đi tiếp về phía biển, du khách sẽ bắt gặp tháp Bình Lâm (thuộc huyện Tuy Phước) trên núi Bà. Không giống các tháp khác được xây dựng trên đồi cao, thác Bình Lâm được xây dựng trên một vùng đất bằng phẳng của thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định. Ngoài vẻ hùng vĩ của ngọn tháp cao trên 20m, tháp còn gây ấn tượng với du khách ở những mái vòm trông như những toà lâu đài thu nhỏ, những hoa văn kiểu xoắn tinh tế và cân đối được chạm khắc trực tiếp vào gạch Chăm. Sau khi chiêm ngưỡng tháp, du khách có thể tham quan dấu tích cuộc chiến chống Nguyên - Mông tại thành Thị Nại.
Cũng thuộc địa phận huyện Tuy Phước, cách TP Quy Nhơn khoảng 30km, sát ngã ba Quốc lộ 19 và Quốc lộ 1, là quần thể tháp Bánh Ít, gồm 4 tháp lớn nhỏ được xây trên một ngọn núi, soi bóng xuống dòng sông Côn, đứng từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít. Tháp chính cao 22m trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều.
Trong ba tháp này có hai tháp giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một tháp giống bánh ít mặn. Ở tháp Bánh Ít là những kiến trúc duyên dáng, đặc biệt là tháp có hình yên ngựa. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá. Từ tháp Bánh Ít, theo Quốc lộ 19 lên Tây Sơn, chiêm ngưỡng tháp Thủ Thiện ở bên này và tháp Dương Long ở bên kia sông Kôn. Quần thể tháp Bánh Ít là một cụm, nhưng kiến trúc và trang trí của mỗi tháp mỗi khác.
Chẳng hạn tháp chính cao to, đường bệ và hoành tráng với các cột ốp, các dưới gờ nhô ra mạnh mẽ. Ngôi tháp phía nam có mái cong hình yên ngựa sang trọng và sắc sảo. Tháp cổng với kiến trúc tương tự nhưng nhỏ hơn tháp chính. Tháp nằm phía đông nam với những nét điêu khắc hình trái bầu lọ mang lại vẻ ấm áp.
Tháp Dương Long thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, còn có tên là tháp Ngà, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. Ðây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam. Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá.
Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình chim thần Garuda, Voi, Đại bàng...
Các mặt phẳng của tường được trang trí nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên. Mọi chi tiết trang trí ở tháp này đều rất lớn, trổ trên sa thạch, đường nét rõ ràng và còn giữ được rất tốt.
Tháp Thủ Thiện thuộc làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Các cột tại tháp Thủ Thiện không được chạm khắc, hay trang trí như những tháp khác mà được ốp trơn, phẳng. Các ô dọc của tháp cũng không còn uyển chuyển mà thành một gờ nổi lớn nhô ra ngoài. Bên trong tháp, vách đối diện cửa ra vào có 12 tượng đá bán thân, tay chắp trước ngực, xếp theo hình búp măng. Tượng cao nhất cách tượng thấp nhất độ 2m. Tháp cũng sở hữu một "giếng trời" để lấy ánh sáng vào bên trong từ khung cửa vuông trên đỉnh.
Tháp Phú Lộc hay còn gọi là Thốc Lốc, thuộc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn thủ phủ của tỉnh Bình Định khoảng 2 km. Tháp mang kiến trúc kiểu đền núi, toạ lạc trên ngọn đồi cao 76m, mang dáng vẻ bề thế, uy nghi. Đứng tại tháp, ta có thể ngắm những chú trâu đang thong thả gặm cỏ, những cánh cò trắng muốt, nhỏ xinh trên những đồng lúa xanh bạt ngàn của hai huyện An Nhơn và Phù Cát.
Nếu như 7 cụm tháp trên đều còn khá nguyên vẹn thì riêng Tháp Chuông (còn gọi là tháp Hòn Chuông) gần như chỉ còn sót lại dấu vết là một tòa chân đế. Tọa lạc trên Núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tháp Chuông được xây ở độ cao 600m so với mực nước biển, một vị trí cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đáng tiếc là do sự tàn phá của thời gian và cả con người, ngôi tháp này hiện chỉ còn phần chân đế hoặc đã bị sụp đổ do những người thiếu ý thức đào bới để tìm kiếm vàng hay cổ vật…
Di sản văn hóa quý giá
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định những cụm tháp Chăm ở Bình Định như một bảo tàng ngoài trời sống động, độc đáo. Hệ thống các công trình tôn giáo bằng gạch của nền văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại trên đất Bình Định gần như đầy đủ mọi loại hình trong các nhóm kiến trúc tháp Chăm hiện còn như nhóm kiến trúc một tháp, nhóm kiến trúc ba tháp xây thẳng hàng theo tín ngưỡng "tam vị nhất thể."
Các ngọn tháp trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên mà những ngọn tháp đất nung này vẫn tồn tại, trơ gan cùng tuế nguyệt. Đây vẫn là điều bí ẩn khi mọi người nói đến tháp Chăm. Chất liệu xây dựng nên chúng là gạch Chăm, gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại gạch khác, nhưng không biết người nghệ nhân Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín?
Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn tháp đã truyền cho du khách niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một loại chất liệu. Không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất, luôn mang đến cho du khách sự khâm phục đến kinh ngạc và cảm giác ấm áp, vững chãi.
Tuy quần thể tháp Chăm tại Bình Định không nhiều như tại Quảng Nam nhưng những gì còn lại gần như nguyên vẹn và đa dạng, trong đó có những kỷ lục Đông Nam Á như tháp gạch cao nhất (tháp Dương Long với độ cao ban đầu của tháp giữa là 39m và hai tháp còn lại là 36m), tháp gạch được xây ở vị trí cao nhất so với mực nước biển (tháp Hòn Chuông ở độ cao 600m)…
Trong số những kiến trúc Chăm hiện diện trên dải đất miền Trung, phong cách kiến trúc Chăm tại Bình Định đã luôn được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Ngay từ năm 1942, Ph. Stern đã xếp phong cách kiến trúc Bình Định vào hàng thứ sáu trong bảy phong cách và là một phong cách lớn kéo dài từ thế kỷ 12 – 14. Hiện tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ Việt Nam đang xúc tiến việc lập hồ sơ trình chính phủ để làm cơ sở đề nghị UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm tại Bình Định là di sản văn hóa thế giới.