Venezuela: Chồng chất gánh nặng nợ nần

(PLO) - Theo kế hoạch thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế của Venezuela, quốc gia này phải hoàn trả 81 triệu USD vào ngày 10/11 và 200 triệu USD sau đó ba ngày. Cho dù đang trên bờ vực phá sản, Venezuela buộc phải thanh toán khoản nợ nước ngoài 81 triệu USD nếu như nước này muốn được tái cơ cấu nợ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo.
Sản xuất dầu khí mang lại trên 90% lượng ngoại tệ cho Venezuela
Sản xuất dầu khí mang lại trên 90% lượng ngoại tệ cho Venezuela

Ngay cả khi khoản nợ này được giải quyết, những rắc rối vẫn chưa kết thúc: Một khoản nợ khác lên tới 200 triệu USD đang đợi được thanh toán. 

Ngập trong nợ

Các khoản nợ nước ngoài của Venezuela ước tính khoảng 150 tỷ USD. Nhưng dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm xuống còn 9,7 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, Venezuela phải trả từ 1,47 tỷ đến 1,7 tỷ USD, sau đó là khoảng 8 tỷ USD trong năm 2018. Cho dù trước đây giàu nhất khu vực Mỹ Latinh, đất nước giàu dầu mỏ này đã bị suy sụp nghiêm trọng vì giá dầu thô liên tục lao dốc và giờ chỉ còn là cái bóng của chính nó: phần lớn các thực phẩm và thuốc men đã biến mất khỏi các kệ hàng, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị và sự bất mãn trong dân chúng với kết quả là những cuộc biểu tình bạo lực vào mùa xuân 2017, khiến 125 người thiệt mạng. 

Theo ông Edward Glossop, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn Capital Economics tại Anh, dù bằng cách này hay cách khác, Chính phủ Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA sẽ phải chấp nhận tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuần trước, các tổ chức đánh giá tín dụng Fitch, S & P Global Ratings và Moody’s đã hạ thấp mức xếp hạng của Venezuela trước nguy cơ vỡ nợ của chính phủ. 

Ngày 10/11, một ủy ban đặc biệt tại New York, bao gồm 15 công ty tài chính đã họp để thảo luận về vấn đề nợ quốc tế của Venezuela. Theo Capital Economics, ủy ban này có thể đưa ra quyết định xác nhận việc chậm thanh toán nợ của Venezuela hoặc bỏ phiếu để thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận tại một cuộc họp sau đó. 

Khó khăn chồng chất

Những khó khăn của Caracas ngày càng chồng chất trong bối cảnh chính phủ đang phải chịu điều tiếng “cực đoan” như quy kết của nhiều nước phương Tây. Ngày 8/11, các đại sứ của 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã thống nhất đưa ra những biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, bao gồm cả lệnh cấm vận vũ khí, theo các nguồn tin ngoại giao.

Ngày 9/11, Mỹ tuyên bố một loạt lệnh trừng phạt mới đối với 10 quan chức Venezuela bị nghi ngờ làm suy yếu tiến trình bầu cử, bị giới truyền thông thao túng hoặc đã có hành động tham nhũng trong các chương trình cung cấp thực phẩm. Washington đã cấm tất cả công dân và ngân hàng của Mỹ mua trái phiếu mới hoặc đàm phán các hiệp định thương mại với Chính phủ Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA. 

Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ đã dùng “con bài tài chính” để ức hiếp Venezuela, khi Donald Trump ký một sắc lệnh vào ngày 25/8 cấm mua bán trái phiếu của nhà nước Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA trên các thị trường tài chính Mỹ. Theo ông Christopher Dembik, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng Saxo và là người hiểu rõ tình hình của Venezuela, Washington muốn ngăn chặn chính phủ của Maduro tự tái cấp vốn.

Kho bạc của Ngân hàng trung ương Venezuela thực tế đã trống rỗng vì lượng dự trữ ngoại tệ đã không được bổ sung từ một năm nay, trong khi nước này rất cần ngoại tệ để mua lương thực, thuốc men và trả nợ. Tổng thống Maduro hy vọng sẽ trông cậy được vào sự giúp đỡ của Trung Quốc (nước đã cho Venezuela vay 28 tỷ USD) và Nga (nước đang chuẩn bị ký một thỏa thuận tái cơ cấu nợ 3 tỷ trên tổng số 8 tỷ USD). 

Theo các chuyên gia, để thuyết phục các chủ nợ đồng ý tái cơ cấu nợ - nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ, thậm chí giảm hoặc xóa nợ - Chính phủ Venezuela phải đưa ra một kế hoạch cải cách kinh tế để tái xây dựng đất nước, trong bối cảnh GDP đã giảm tới 36% trong vòng bốn năm qua. Để đạt được điều này, ông Maduro muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD, thậm chí sẽ sử dụng rộng rãi các đồng ruble của Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc, yên của Nhật và rupee của Ấn Độ. Vậy còn số phận của Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA, vốn cung cấp đến 93% lượng ngoại tệ cho đất nước? Tập đoàn này chỉ còn 2 tỷ USD tiền mặt trong khi sẽ phải thanh toán 3,2 tỷ USD từ nay đến cuối năm cho các chủ nợ quốc tế. Giải pháp có thể đến từ Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga, một chủ nợ của Venezuela; đổi lại, Nga hy vọng sẽ có quyền khai thác một phần trong số trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này.

Ngày 15/11, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) thông báo đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán tiền lãi với các nhà đầu tư trái phiếu có thời hạn tới năm 2027, cũng như thanh toán các khoản trái phiếu của Tập đoàn này trong năm nay với tổng giá trị là 200 triệu USD. 

Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro cùng ngày cũng thông báo đã hoàn thành tái cơ cấu khoản nợ 3,15 tỷ USD với Nga mà Caracas vay từ năm 2011 để mua vũ khí, cho phép Venezuela thanh toán khoản nợ trên trong 10 năm với số tiền thanh toán tối thiểu trong 6 năm đầu. 

Theo thống kê của chính phủ, 3 năm gần đây, Venezuela đã hoàn thành cam kết thanh toán nợ nước ngoài với tổng số tiền 73,539 tỷ USD. Venezuela có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA, 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga.

Đọc thêm