Venezuela 'sa lầy' trong khủng hoảng toàn diện

(PLO) - Nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế, chính phủ Venezuela đã phải tiếp tục gia hạn tình trạng kinh tế khẩn cấp. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Venezuela vẫn còn gặp nhiều chông gai trong thời gian tới.
Tỷ lệ lạm phát 475% buộc Chính phủ Venezuela phải phát hành những đồng tiền mệnh giá lớn
Tỷ lệ lạm phát 475% buộc Chính phủ Venezuela phải phát hành những đồng tiền mệnh giá lớn

Ngày 16/1/2017, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thông báo đã ký gia hạn sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này. Đây là lần thứ 6 ông Maduro gia hạn văn bản này được ban hành từ đầu năm 2016. 

“Bão tố”

Trong thông điệp đầu năm phát biểu tại Tòa án Tối cao (TSJ), Tổng thống Maduro cho biết sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp, được ký lần đầu trong năm nay, sẽ được đăng trên tờ Công báo ngày 17/1. Ông khẳng định các giải pháp kinh tế khẩn cấp được ban hành đã cho phép đất nước vượt qua “bão tố” trong năm 2016, khi Quốc hội do phe đối lập cầm đầu âm mưu “cướp chính quyền”.

Tổng thống Maduro khẳng định, trong những năm gần đây, 2016 là năm phe đối lập chống phá Chính phủ mạnh mẽ nhất hòng hủy hoại cuộc cách mạng Bolivar, đồng thời tố cáo phe cánh hữu trong nước và quốc tế đã tiến hành cuộc chiến tiền tệ chống nước này, nhằm ép buộc Caracas tuyên bố vỡ nợ. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro cho rằng Caracas đã thực hiện thanh toán nhiều cam kết tài chính với thế giới. 

Phát biểu trước TSJ, Tổng thống Maduro cho biết mặc dù trong năm 2016, Venezuela thu về 5,291 tỷ USD, giảm 87% so với năm 2015, song không có bất cứ trường học nào bị đóng cửa, không có việc người lao động bị mất việc làm, hệ thống lương hưu vẫn được bảo đảm, chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người nghèo vẫn đạt con số kỷ lục. 

Tổng thống Maduro đánh giá cao những nỗ lực của người dân Venezuela trong việc đối phó với chiến tranh kinh tế, đồng thời khẳng định 2016 là năm bản lề, tạo cơ sở cho việc thay đổi mô hình kinh tế hướng tới hiệu quả và đa dạng sản xuất.

Khủng hoảng kinh tế

Venezuela đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trong 3 năm liên tiếp do ảnh hưởng của tình trạng giá dầu tụt dốc nghiêm trọng. Sau 3 năm khủng hoảng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã giảm tới 20,4% và thu nhập bình quân đầu người giảm 56,8%. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế Venezuela trong năm 2016 sẽ giảm 11,3% và tỷ lệ lạm phát ở mức cao kỷ lục 475%. 

Trong bối cảnh tình trạng lạm phát của Venezuela gia tăng mạnh, ngày 16/1/2017, Chính phủ Venezuela đã phải phát hành những đồng tiền mệnh giá lớn. Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) 2,65 triệu tờ tiền mới với các mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 và 20.000 Bolivar sẽ được đưa vào hệ thống tiền tệ nước này và lưu hành trong vòng hai tuần tới. 

Những đồng tiền mới sẽ bổ sung cho những đồng tiền cũ có mệnh giá 10, 20 và 50 Bolivar được đưa vào lưu hành từ năm 2008, trong khi đồng 100 Bolivar cũ sẽ bị thu hồi để loại bỏ. Trước đó, ngày 15/1, Tổng thống Maduro cho biết đồng 100 Bolivar sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng từ ngày 20/2 tới, sau nhiều lần thay đổi lộ trình hủy đồng tiền này được thông báo từ tháng 12/2016, cũng như việc đưa vào lưu hành các tờ tiền mới có mệnh giá lớn gấp nhiều lần tờ 100 Bolivar, mệnh giá lớn nhất tính tới ngày 15/1. 

Thêm vào đó, thành phần kinh tế tư nhân của Venezuela cũng gần như bị tê liệt và suy giảm ở mức trên hai con số. BCV cho biết trong 3 tháng gần đây, doanh số ở tất cả các lĩnh vực đều giảm mạnh do đồng nội tệ Bolivar bị mất giá tới 75% so với đồng USD. Ngoài ra, số lượng và qui mô doanh nghiệp hoạt động ở Venezuela cũng đã giảm mạnh. Theo BCV, tổng giá trị vốn - gồm cả vốn tài chính và tài sản - của Venezuela tại nước ngoài đã giảm từ mức 16,327 tỷ USD từ đầu năm 2016 xuống còn 10,974 tỷ USD vào đầu năm 2017, đồng nghĩa với việc Caracas mất 32,87% từ nguồn dự trữ ngoại tệ này. 

Các chuyên gia kinh tế dự báo dầu mỏ vẫn là một yếu tố đáng bận tâm nhất đối với Chính phủ Venezuela không chỉ trong năm 2016 mà cả năm 2017. Năm 2016 sản lượng dầu của Venezuela đã giảm trung bình 257.000 thùng/ngày so với năm 2015. Mặc dù thành công hoán đổi nợ trị giá 2,799 tỷ USD, với lãi suất 5,25% và 8,50%, hết hạn vào năm 2020, nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đang đối diện với rất nhiều khó khăn về tài chính liên quan đến khoản nợ hơn 2,6 tỷ USD phải thanh toán trong năm 2017. Mô hình kinh tế của Venezuela phụ thuộc vào giá dầu sẽ tăng trên mức 60 USD/thùng để phục hồi, tuy nhiên theo các chuyên gia một kịch bản như vậy là rất khó xảy ra trong ngắn hạn.

Rối ren chính trị

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela ngày càng trở nên phức tạp. Đầu tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Henry Ramos Allup, người của đảng Hành động Dân chủ trong liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập, tuyên bố phe đối lập sẽ không tiếp tục đối thoại với Chính phủ của Tổng thống Maduro vì cho rằng chính phủ đã không thực hiện cam kết trong các lần đối thoại trước.

Tiếp đó, ngày 16/1, Thư ký điều hành MUD đối lập Jesús Torrealba đã chỉ trích Tổng thống Maduro không báo cáo tình hình điều hành đất nước trong năm 2016 trước Tòa án Tối cao. Ông Torrealba tố cáo Tổng thống Maduro đã không đưa ra con số cụ thể về tình hình lạm phát, tội phạm và tham nhũng, với tỷ lệ cao nhất thế giới, cũng như không thể đưa ra bất cứ tín hiệu lạc quan nào cho năm 2017. Ông Torrealba cũng chỉ trích việc Tổng thống không báo cáo trước Quốc hội như Hiến pháp quy định.

Cũng trong ngày 16/1, Phó Tổng thống Venezuela Tarek El Aissami đã tố cáo đảng đối lập Ý chí nhân dân (VP) kích động bạo lực nhằm phá hoại cuộc Cách mạng Bolivar và Chính phủ hợp hiến của Tổng thống Maduro. Ông El Aissami cáo buộc VP đã sử dụng các đối tượng lưu manh gây bất ổn xã hội bằng các hoạt động tội phạm, nhằm hạ uy tín của đảng cầm quyền. Phó Tổng thống Venezuela khẳng định VP chỉ là một chính đảng mất lòng dân, phản dân chủ và vi phạm Hiến pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, dù chính phủ Venezuela nỗ lực để đối phó với khó khăn về kinh tế, song chừng nào bất ổn chính trị kéo dài suốt gần một năm qua chưa chấm dứt thì đất nước Venezuela sẽ còn “sa lầy” vào cuộc khủng hoảng toàn diện. 

Đọc thêm