Venezuela phá âm mưu gây bất ổn tiền tệ

(PLO) -Sự xuất hiện của những đồng xu mệnh giá 50 bolivar đầu tiên chạm chân dung anh hùng cách mạng của Venezuela Simon Bolivar và cố Tổng thống Hugo Chavez đã phần nào làm dịu bớt sức ép lên chính phủ nước này. 
Tổng thống Nicolas Maduro
Tổng thống Nicolas Maduro

Ngân hàng Trung ương Venezuela đang đưa vào lưu hành các tờ tiền giấy mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 và 20.000 bolivar. Tổng thống Nicolas Maduro đã tố cáo “tội phạm quốc tế” tích trữ đồng bolivar với số lượng lớn để tác động vào tình hình tiền tệ Venezuela. 

Mưu mô

Theo ông Nicolas Maduro, phe cánh hữu cấu kết với các băng đảng tội phạm Colombia đang âm mưu tiến hành “cuộc chiến tiền tệ” ở khu vực biên giới, tạo nên tình trạng khan hiếm tiền mặt ở Venezuela. Ông Nicolas Maduro cho rằng, các tổ chức tội phạm lưu trữ hơn 300 tỉ bolivar, đa phần là tờ 100 bolivar.

Tổng thống Nicolas Maduro cũng cáo buộc Mỹ phá hoại công tác phát hành các đồng tiền mới của Venezuela, trong đó có việc cản trở hoạt động vận chuyển tiền.

Bởi nước này đã in xong tiền và sẵn sàng đưa vào lưu hành các đồng tiền mệnh giá mới, nhưng Venezuela không thể thuê máy bay để vận chuyển số tiền này về nước. Bộ Tài chính Mỹ đã gây sức ép bắt các hãng hàng không châu Âu hủy hợp đồng, khiến cho việc vận chuyển tiền và phát hành đồng tiền mới bị chậm lại.

Ngày 18-12-2016, Tổng thống Nicolas Maduro thông báo, đã đập tan âm mưu do các thế lực thù địch rắp tâm thúc đẩy chống phá Venezuela. Trước đó, Venezuela đã thông báo dừng lưu hành tờ 100 bolivar hôm 11-12-2016, đồng tiền từng là mệnh giá lớn nhất, nhằm đối phó với “chiến tranh tiền tệ” mà nước này đang phải đối phó.

Quyết định này dẫn tới tình trạng nhiều trung tâm đổi tiền gom đồng 100 bolivar nhằm gây khan hiếm tiền nhằm gây bất ổn tình hình kinh tế-xã hội Venezuela. Theo giới truyền thông, việc loại bỏ đồng 100 bolivar nhằm ngăn chặn khả năng có khoảng 300 triệu đồng bolivar nằm trong tay một số kẻ đầu cơ, băng đảng tội phạm Colombia và Brazil đổ vào Venezuela gây lũng đoạn nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương đã thu gom được gần 5 tỷ tờ 100 bolivar, chiếm khoảng 80% đồng tiền có mệnh giá này. Ngân hàng Trung ương còn cho rằng, có hơn 6 tỉ bolivar là tờ tiền 100 đang lưu hành.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình

Gây rối bất thành

Ngày 21-12-2016, Bộ trưởng Tư pháp Luisa Ortega Diaz cho biết, các lực lượng bảo vệ pháp luật đã bắt hơn 420 đối tượng với cáo buộc gây rối, kích động bạo lực. Nhưng chỉ có 233 người bị giam vì có các hành vi bạo lực tại 9 bang trong thời gian đổi tiền.

Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cho biết, cảnh sát đã bắt 14 người bị buộc tội cướp bóc và phá hoại hòa bình tại Venezuela. Trong số 14 người kể trên có 50% được xác định là thành viên của đường dây tội phạm Los Cultios. Người dân xếp hàng dài tại các ngân hàng để chờ đổi tiền nhưng không được, và tình trạng cướp bóc tại các cửa hàng đã xảy ra ở nhiều nơi.

Nhiều người dân cho biết, vì không đổi được tiền nên họ không thể mua thực phẩm, xăng dầu… Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup, người của phe đối lập từng tuyên bố, tình hình đất nước sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ông Nicolas Maduro tiếp tục cầm quyền. Quốc hội Venezuela từng yêu cầu luận tội và hối thúc ông Nicolas Maduro từ chức để tổ chức tổng tuyển cử sớm, nhưng bất thành.

Theo giới chuyên môn, việc phát hành những đồng tiền mệnh giá lớn diễn ra trong bối cảnh tình trạng lạm phát của Venezuela gia tăng với tỷ lệ 180% so với năm 2015. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ lạm phát của Venezuela trong năm 2016 tăng tới mức 475%. Và chỉ trong 3 tháng qua, đồng bolivar của Venezuela đã mất giá tới 75% so với đồng USD.

Trong khi đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, giá cả trong năm 2017 sẽ tăng lên hơn 2.000%. Trên thị trường chợ đen, tờ 100 bolivar chỉ đổi được 0,02 USD. Trong tháng 10-2016, thị trường chợ đen đổi 1.500 bolivar ăn 1 USD, nhưng đến cuối tháng 11-2016, tỷ giá đã tăng vọt lên 4.000 bolivar ăn 1 USD.

Theo giới truyền thông, tình trạng hỗn loạn ở Venezuela đã diễn ra ngay cả khi Tổng thống Nicolas Maduro quyết định tạm hoãn việc thực thi chính sách loại bỏ tờ 100 bolivar đến đầu tháng 1-2017. Và tình hình hỗn loạn lên cao nhất diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-12-2016, khiến cảnh sát phải sử dụng bình xịt hơi cay để kiểm soát đám đông.

Đọc thêm