Vị bác sỹ 120 ngày đêm bên Bác Hồ

Từng kinh qua rất nhiều chiến trường nhưng Đại tá, bác sỹ Quân y Mai Khắc Thái (sinh năm 1926) cho rằng mình là người may mắn khi không bị viên đạn nào của quân thù ghim vào người. Cùng với may mắn đó là rất nhiều vinh hạnh và tự hào ông đã có, trong đó có 120 ngày đêm được bên Bác Hồ…

Từng kinh qua rất nhiều chiến trường nhưng Đại tá, bác sỹ Quân y Mai Khắc Thái (sinh năm 1926) cho rằng mình là người may mắn khi không bị viên đạn nào của quân thù ghim vào người. Cùng với may mắn đó là rất nhiều vinh hạnh và tự hào ông đã có, trong đó có 120 ngày đêm được bên Bác Hồ…

 

Người lính dòng dõi “trâm anh”…

Quê ông là một miền quê xinh đẹp, yên bình và trù phú nằm ven đô của TP. Huế (nay là phường Kim Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) – nơi có rất đông người làm quan thời xưa, con cháu học hành đỗ đạt... Ông nội của ông chính là cụ Mai Khắc Đôn - nguyên là Thượng thư Bộ Lễ, kiêm giáo đạo và là thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân. Cụ là một nhà giáo chuyên dạy về tư tưởng dân tộc cho nhà vua.

Tuy làm quan trong thời Pháp thuộc nhưng cụ vô cùng yêu dân và rất thanh liêm, chính trực. Cảm mến đạo đức và tấm lòng yêu nước, thương dân của vua Duy Tân, cụ đã gả con gái của mình là tiểu thư Mai Thị Vàng cho nhà vua.

Để tưởng nhớ và biết ơn vị quan thanh liêm này, mới đây UBND TP. Huế đã quyết định lấy tên cụ để đặt tên cho một con đường mới mở trên địa bàn phường Kim Long. “Đây là một tự hào lớn của gia đình, dòng họ và quê hương chúng tôi…” – Đại tá, bác sỹ quân y Mai Khắc Thái tâm sự.

Năm 1945, Mai Khắc Thái tham gia phong trào “Bình dân học vụ”. Ngày 4/6/1946, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong Nam tiến và tham gia Vệ quốc đoàn. Là một trong số ít người có trình độ văn hóa lúc bấy giờ, ông được cử đi học lớp y tá (năm 1947), rồi về phụ trách công tác y tế của Tiểu đoàn Nguyễn Nhạc, thuộc Trung đoàn số 7.

Năm 1950, ông được đề bạt là Y tá trưởng, Bệnh xã Trung đoàn, rồi Viện phó Bệnh viện số 1 Quảng Ngãi, Bệnh viện liên khu 5. Năm 1952, ông chuyển sang làm Viện phó Viện 5 Phú Yên.

Cuối năm 1952, ông thuộc danh sách 11 người được cử về Chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên) học lớp y sỹ. “Ngày đi, đêm nghỉ; đường sá thì hiểm trở; bom rơi, đạn lạc nhiều vô kể; thức ăn thì chỉ có muối và rau rừng. Phải lặn lội bộ hành, trèo đèo lội suối ròng rã 3 tháng trời mới tới được Thái Nguyên nhưng tất thảy anh em trong đoàn đều rất phấn chấn vì được cử đi học lớp này là oai lắm, phải những người có thành tích xuất sắc và chính trị tốt mới được chọn” – ông kể đầy tự hào.

… 120 ngày đêm vinh dự bên Bác Hồ

Học xong lớp y sỹ, năm 1960, ông được đại diện cho Cục Không quân tham dự lớp đào tạo về bác sỹ rồi được cử làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn bay 921 - Trung đoàn bay chiến đấu đầu tiên của nước ta. Và năm 1965, ông lại được chọn lựa sang nước bạn Liên Xô học về y học hàng không.

Đại tá, bác sỹ Mai Khắc Thái:

- Chúng ta có thể học tập rất nhiều điều từ Bác Hồ. Là một người thầy thuốc, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”. Theo tôi, y đức của người thầy thuốc nằm hết trong câu nói đó. Ngành y chỉ cần học hỏi và làm theo lời nói đó thôi là đủ rồi, không cần làm gì khác….

Năm 1969, bác sỹ Mai Khắc Thái về nước. Thời điểm này, Bác Hồ đang ốm rất nặng. Để chuẩn bị hậu sự cho Bác, một nhóm bác sỹ đã được cử sang Liên Xô học về phương pháp ướp thi hài.

Thấy Mai Khắc Thái thông thạo tiếng Nga, đoàn đã mời ông đi cùng làm phiên dịch. Khi đoàn về nước, một nhóm chuyên gia của nước bạn được mời sang để hướng dẫn ta thực hiện. Ông cũng bỏ rất nhiều công sức và thời gian để tháp tùng đoàn chuyên gia về nước chở khí tài, dụng cụ, dung dịch… qua Việt Nam để thực hiện việc ướp  thi hài Bác.

Trước đó, đã không ít lần bác sỹ Thái được nhìn thấy Bác Hồ khi Bác ra sân bay để sang nước ngoài công tác. Lúc đó, mỗi ánh mắt, nụ cười, bàn tay vẫy của Bác đều khiến cảm xúc trong ông trào dâng mãnh liệt. Cảm xúc đó tăng lên hàng ngàn lần khi ông được từng giờ, từng phút cận kề bên Bác, ghi chép từng thông số kỹ thuật, kiểm tra hệ thống bảo quản nhiệt độ, độ ẩm của môi trường xung quanh, rồi kiểm tra thuốc men, hóa chất… để kịp thời báo chuyên gia hỗ trợ kịp thời.

“Cả quãng đời quân ngũ, đây là vinh dự và niềm tự hào lớn nhất của bản thân tôi cũng như cả gia đình” – ông nghẹn ngào khẳng định. Cho đến tận bây giờ, giây phút Bác lâm chung cũng như những khoảnh khắc đầy xúc động khi mọi người đưa Bác vào phố Cửa Bắc, ra phố Cửa Nam, rồi Trần Hưng Đạo để đến Bệnh viện 108 thực hiện công đoạn ướp thi hài; đặc biệt là hình ảnh hàng triệu người dân đổ ra đường, đến Quảng  trường Ba Đình viếng Bác với những hàng nước mắt không ngừng tuôn chảy… vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức của bác sỹ Thái.

…Bốn tháng trời là 120 ngày đêm ông Thái và các bác sỹ của ta cũng như đoàn chuyên gia nước bạn túc trực bên Bác, cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi để bảo quản thi hài Bác, mang đến niềm tin và đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu con tim Việt Nam cũng như thế giới.

“Cơ duyên” với anh hùng vũ trụ Phạm Tuân

Nói là cơ duyên bởi đầu năm 1970, Đại tá Mai Khắc Thái được điều động về Viện Phòng không không quân (nay là Viện Y học hàng không) với chức danh Phó Viện trưởng, thì cuối năm 1979 ông nhận lãnh trách nhiệm khám tuyển để lựa chọn phi công bay vào vũ trụ. Và tại đây, ông đã trực tiếp khám và theo dõi sức khỏe cho Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân.

Trong hàng ngàn phi công giỏi về nghiệp vụ cũng như chính trị, tư tưởng từ Bắc tới Nam, Hội đồng giám định – mà Đại tá Mai Khắc Thái là Chủ tịch- đã chọn được 20 người vào vòng trong. Trong 20 người này, Hội đồng tiếp tục chọn lọc được 5 người vào vòng tiếp để mời đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra lại. Hai trong số 5 phi công đã được tuyển chọn để cho đi thử bay một tuần (năm 1980), trong đó có Anh hùng Phạm Tuân.

Sau chuyến bay, Phạm Tuân lại tiếp tục được thẩm định và kiểm tra lại sức khỏe. Lúc bấy giờ (năm 1987), Ban Vũ trụ Việt Nam mới xem xét và cấp Bằng chứng nhận: Đã hoàn thành xuất sắc Công trình khoa học: “Đánh giá sức khỏe phi công vũ trụ, nghiên cứu phương tiện trước, trong và sau chuyến bay vũ trụ Xô Viết” cho Đại tá Mai Khắc Thái.

Cứu người làm phúc…

Với những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy từ thực tế hoạt động nghiệp vụ cộng với những kinh nghiệm châm cứu học hỏi từ GS. Nguyễn Tài Thu -  chuyên gia châm cứu hàng đầu Việt Nam - sau khi về hưu (năm 1989), Đại tá, bác sỹ Mai Khắc Thái đã mở phòng khám tại nhà để chữa bệnh cho người dân. Phương pháp chữa bệnh của ông là Đông - Tây y kết hợp (châm cứu nhưng đi theo đường giải phẫu Tây y và sử dụng thuốc tây để điều trị). Theo ông, đó là một phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả và rất mau lành bệnh. Bằng chứng là rất nhiều người bệnh bị tai biến liệt nửa người và nhiều di chứng khác đã được ông chữa khỏi.

Đặc biệt, ông luôn ưu tiên khám bệnh trước cho người già và trẻ nhỏ; miễn phí tiền khám, giảm chi phí điều trị cho những người tàn tật, già cả, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…; tư vấn sức khỏe miễn phí cho nhiều trường hợp. Ngoài ra, ông hạn chế đến mức thấp nhất thời gian điều trị để giảm bớt tốn kém cho bệnh nhân và gia đình. Phòng mạch của ông luôn tấp nập người ra vào và tôi hiểu rằng: Họ đến vì chữa bệnh một phần, phần lớn họ đến với ông để được đối xử tử tế, để được thấy khuôn mặt hiền hậu và nụ cười tươi rói luôn nở trên môi của vị Đại tá, bác sỹ quân đội già nua nhưng đầy nhân văn và thấm đẫm tình người.

Đoan Trang (ghi)

Đọc thêm