Người dân đã tin tưởng sử dụng vi bằng
Ngày 24/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM. Theo đó, lập vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi là 1 trong 4 thẩm quyền của TPL, bên cạnh các thẩm quyền khác gồm tống đạt các văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Thực tế triển khai quy định về lập vi bằng cho thấy người dân đã tin tưởng sử dụng trong nhiều trường hợp với số lượng hàng chục nghìn vi bằng được lập trong thời gian thí điểm, trước khi được Quốc hội đồng ý triển khai chính thức trên cả nước. Chẳng hạn, hiện nay pháp luật không quy định giao dịch đặt cọc phải thực hiện thủ tục công chứng. Nếu người dân muốn đặt cọc 100 triệu cho người khác để đảm bảo việc hai bên giao kết hợp đồng mua bán căn nhà mà người kia đang ở nhưng với số tiền lớn như vậy mà việc đặt cọc chỉ có hai bên thì có thể sẽ có rủi ro pháp lý về sau. Trường hợp này, người dân tìm đến văn phòng TPL yêu cầu về việc lập vi bằng liên quan đến hành vi hai bên ký tên vào hợp đồng đặt cọc và hành vi giao nhận tiền đặt cọc giữa hai bên.
Không những thế, nếu người dân, doanh nghiệp chuẩn bị xây dựng 1 công trình nhưng e ngại việc mình bị người khác ở liền kề công trình kiện đòi vô lý về những thiệt hại của họ mà không phải do việc mình xây dựng công trình gây ra. Ví dụ, nhà họ bị nứt, lún từ trước nhưng vẫn đổ lỗi là do công trình xây dựng làm nhà họ nứt, lún… Lúc này, TPL sẽ đáp ứng yêu cầu lập vi bằng ghi nhận hiện trạng các công trình liền kề bên cạnh trước khi xây dựng. Nhờ thế, chỉ khi công trình có gây thiệt hại thì mới phải bồi thường và thiệt hại bao nhiêu thì sẽ bồi thường bấy nhiêu…
Có điều, việc lập vi bằng thời gian qua cũng gặp phải những vướng mắc nhất định mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa nhận thức đúng về giá trị pháp lý của vi bằng, TPL không giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân quan trọng khác là do còn nhiều cách hiểu, nhận thức khác nhau liên quan đến phạm vi, thẩm quyền được lập vi bằng của TPL. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng mà nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng việc lập vi bằng trong trường hợp này là đồng nghĩa với việc hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật.
Cần hiểu thống nhất về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng
Qua phản ánh của báo chí và qua theo dõi hoạt động TPL trong thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, có hiện tượng hiểu chưa đúng và chưa thống nhất về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập. Để dư luận, người dân hiểu đúng và thống nhất về vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập, Người phát ngôn Bộ Tư pháp - Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển đã cung cấp thêm một số thông tin.
Cụ thể, khái niệm, thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng; thủ tục lập vi bằng; hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng; giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập... được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, về khái niệm, vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. TPL được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng TPL.
Ông Hiển nhấn mạnh, về giá trị pháp lý, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án, Viện kiểm sát có thể triệu tập TPL để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Vi bằng không phải văn bản công chứng, chứng thực; không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Việc chuyển quyền sử dụng đất, nhà ở phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật về công chứng, chứng thực.