Vì một nền thể thao Việt Nam không doping

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những lỗi khiến vận động viên Việt Nam dính doping là sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ đội. Điều này cho thấy bên cạnh việc sớm sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn thể thao thế giới, thì hoạt động tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống doping cho huấn luyện viên, vận động viên là rất quan trọng, để tránh việc vận động viên dính doping trong vô thức...

Doping từ thuật ngữ chỉ việc sử dụng các chất cấm trong thể thao nhằm tăng cường hiệu suất vận động viên (VĐV). Các chất cấm này bao gồm các hormone tăng trưởng, steroid, chất kích thích và các chất có tác dụng làm giảm đau và mệt mỏi. Sử dụng doping là một hành vi bất hợp pháp trong thể thao và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của VĐV cũng như đe dọa tính công bằng và uy tín của các cuộc thi thể thao. Các cuộc thi thể thao lớn đầu tiên như Olympic đã bắt đầu xác định các quy tắc chống doping từ năm 1928.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

“Vô tình nhúng chàm”

Trước ngày khai mạc SEA Games 32 tại Campuchia, danh tính các VĐV sử dụng doping tại kỳ SEA Games 31 trước đó đã được công bố. Đoàn thể thao Việt Nam bị tước 2 Huy chương Vàng do 5 VĐV đạt thành tích bị phát hiện sử dụng doping.

Cụ thể, tháng 6/2023, Trung tâm Y học thể thao - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra doping tại SEA Games 31 đã đưa ra thông báo về việc 5 VĐV điền kinh Việt Nam dính doping ở SEA Games 31 chính thức bị hủy bỏ thành tích thi đấu, đồng thời bị cấm thi đấu dài hạn. 5 cái tên này gồm: Quách Thị Lan (2 Huy chương Vàng 400m rào và 4x400m tiếp sức), Khuất Phương Anh (Huy chương Vàng 800m, Huy chương Bạc 1.500m), Vũ Thị Ngọc Hà (Huy chương Vàng nhảy xa, Huy chương Bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (Huy chương Vàng 4x400m tiếp sức) và Lê Ngọc Phúc (2 Huy chương Bạc 400m và 4x400m tiếp sức). 5 vận động viên này sẽ bị xóa bỏ thành tích thi đấu và tước huy chương. Ngoài chuyện bị hủy bỏ thành tích thi đấu, các VĐV này còn bị cấm thi đấu từ 16 - 18 tháng.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, thể thao Việt Nam đã có hơn 20 trường hợp VĐV dính doping và phải nhận án phạt nặng. Một trong những lỗi khiến VĐV Việt Nam dính doping nhiều nhất là sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ đội. Thuốc cảm, thuốc bôi nhanh lành vết thương, thậm chí thuốc lợi tiểu đều có thể chứa những chất cấm trong danh mục được Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA) đưa ra. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều VĐV Việt Nam “vô tình nhúng chàm”.

Theo giải trình của 5 VĐV trên nhóm VĐV đã cùng nhau mua và sử dụng một loại thực phẩm chức năng mà không biết trong thành phần có chất thuộc danh mục cấm. Kết quả xét nghiệm của 5 VĐV nói trên cũng cho thấy có kết quả dương tính với cùng một loại chất nằm trong danh mục cấm của Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA).

Sớm sửa luật để phù hợp với thực tiễn của thể thao thế giới

Trong quá khứ, thể thao Việt Nam từng ghi nhận nhiều trường hợp VĐV dính doping và phải nhận án phạt nặng.

Trong quá khứ, thể thao Việt Nam từng ghi nhận nhiều trường hợp VĐV dính doping và phải nhận án phạt nặng.

Điều này cũng cho thấy để tránh việc nhiều VĐV Việt Nam dính doping trong vô thức, thì việc tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống doping là rất quan trọng. Tháng 8/2023, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (HL&TĐ TDTT) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Doping và Y học thể thao, Cục TDTT, Bộ VH,TT&DL tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống doping trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định về phòng, chống doping trong thể thao cho đội ngũ bác sĩ, y tá, quản lý, huấn luyện viên. Tại các buổi học, học viên được khảo sát về kiến thức phòng, chống doping; cập nhật những quy định mới nhất về phòng, chống doping trên thế giới; danh mục chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao và cách tra cứu thuốc trong hỗ trợ, điều trị cho VĐV để bảo đảm không sử dụng chất cấm.

Theo Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, thể thao Hà Nội cũng là một trong những đơn vị cấp tỉnh, thành, ngành đầu tiên của thể thao cả nước tổ chức khóa tập huấn về phòng, chống doping. Thời gian tới, VĐV Hà Nội sẽ dự nhiều giải quốc gia, quốc tế nên càng cần được phổ biến kịp thời, củng cố kiến thức về phòng, chống doping. Các trưởng, phó bộ môn, các huấn luyện viên khi tham dự khóa học có trách nhiệm truyền lại kiến thức từ khóa học cho VĐV. “Việc nghiêm cấm sử dụng chất cấm (doping) trong thể thao đã có những quy định rất chặt chẽ. Lý do của việc này là vì các rủi ro về sức khỏe của các loại chất cấm lên cơ thể VĐV; vì sự bất bình đẳng cho tất cả VĐV tranh tài; vì hình ảnh trung thực của thể thao. Sử dụng doping để thắng cuộc là đi ngược lại với tinh thần thể thao, do đó, việc kiểm tra doping luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thi đấu thể thao trên thế giới hiện nay” - ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh.

Đầu năm 2024, tại cuộc làm việc với Trung tâm Doping và Y học thể thao, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Bộ VH,TT&DL Lê Thị Hoàng Yến cho biết, năm 2024, toàn ngành sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc phòng, chống doping được đặc biệt chú trọng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Nguyễn Đoàn Sơn, qua các cuộc họp với Tổ chức Phòng, chống doping thế giới (WADA) cho thấy một số văn bản quy định phòng, chống doping của Việt Nam có nhiều điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn của thể thao thế giới. Do đó, WADA đề nghị Việt Nam sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao và Thông tư số 1/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 của Bộ VH,TT&DL sửa đổi Thông tư 17 năm 2015 để phù hợp với các quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới; cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu kiểm tra doping cho các VĐV theo kế hoạch; tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tuyến hoặc trực tiếp của WADA và các tổ chức phòng, chống doping khác; quản lý kết quả trong trường hợp mẫu kiểm tra doping có kết quả phân tích bất lợi (AAF)...

Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy định phòng, chống doping trong thể thao phù hợp với thực tiễn của thể thao thế giới.

Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy định phòng, chống doping trong thể thao phù hợp với thực tiễn của thể thao thế giới.

“Trung tâm Doping và Y học thể thao cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn để giúp phát triển thể thao đỉnh cao ngày càng chuyên nghiệp, tuân thủ theo quy định quốc tế; đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; phổ biến danh sách chất cấm, phương pháp cấm của Tổ chức phòng, chống doping thế giới…” - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Năm 2024, Trung tâm Doping và Y học thể thao đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống doping phù hợp với các quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu; triển khai tốt các hội đồng trong công tác phòng, chống doping; tăng cường hợp tác quốc tế… Trung tâm sẽ tổ chức 4 lớp giáo dục truyền thông, phòng, chống doping tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; tổ chức lớp cho cộng tác viên về giáo dục truyền thông phòng, chống doping tại Hà Nội. Đồng thời, đơn vị truyền thông phòng, chống doping trực tiếp tại 15 giải đấu thể thao của các Liên đoàn; hướng dẫn VĐV và người hỗ trợ tham gia những khóa học, kiểm tra lấy chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đơn vị tổ chức lấy mẫu kiểm tra doping ngoài thi đấu trước Olympic Paris 2024 (gồm 17 mẫu); lấy mẫu kiểm tra doping trong thi đấu (28 mẫu) ở các giải vô địch quốc gia năm 2024...

Trong quá khứ, thể thao Việt Nam từng ghi nhận nhiều trường hợp VĐV dính doping và phải nhận án phạt nặng

Tại kỳ SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, bên cạnh những dấu ấn về mặt thành tích, vẫn còn các trường hợp VĐV dính doping trong quá trình thi đấu. Tuyển thủ Hoàng Hồng Anh (2 Huy chương Vàng canoeing), Phạm Thị Dịu (3 Huy chương Vàng lặn), Phạm Toàn Thắng (3 Huy chương Vàng lặn) và Nguyễn Mai Quỳnh (Huy chương Bạc nhảy 3 bước) là 4 trong tổng số 6 VĐV dương tính với chất cấm tại kỳ Đại hội lúc bấy giờ.

Tháng 7/2008, VĐV Nguyễn Thị Mỹ Linh tham dự giải vô địch thể hình châu Á tại Hong Kong. Tuy nhiên, mẫu thử trước đó do Liên đoàn Thể hình Việt Nam gửi đi xét nghiệm doping cho thấy nữ VĐV này dương tính với Furosemide - một chất nằm trong danh mục bị cấm. Theo quy định, nữ VĐV phải đối mặt với án phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm. Nhưng Liên đoàn Cử tạ Việt Nam đã kháng cáo thành công với lý do cô dùng thuốc chữa bệnh khi thấy đau thắt lưng và bí đường tiểu. Liên đoàn Thể hình Châu Á (ABBF) đã giảm án phạt cho Mỹ Linh xuống còn 1 năm.

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, mẫu thử của VĐV Đỗ Thị Ngân Thương dương tính với Furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước nhằm giảm cân. Loại chất trên được xếp vào danh mục thuốc cấm sử dụng. Chính vì thế, nữ VĐV sinh năm 1989 đã bị trục xuất khỏi Olympic 2008. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chứng minh được Ngân Thương chỉ vô tình sử dụng chất trên do thiếu hiểu biết. Ủy ban Olympic quốc tế quyết định đình cấm Ngân Thương thi đấu quốc tế trong 1 năm.

Hoàng Anh Tuấn là VĐV Việt Nam từng đạt thành tích tốt trên đấu trường quốc tế khi giành Huy chương Bạc cử tạ ở hạng cân 58kg tại Olympic 2008. Nhưng trước thềm ASIAD 2010, Anh Tuấn bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine tại giải vô địch thế giới. Nguyên nhân xuất phát từ việc nam VĐV sử dụng đồ uống đóng chai không rõ nguồn gốc khi tập huấn tại Trung Quốc. Việc dính doping khiến Anh Tuấn bị Liên đoàn Cử tạ thế giới phạt 5.000 USD và cấm thi đấu 2 năm.

Năm 2020, Liên đoàn Cử tạ thế giới thông tin về mẫu thử có kết quả dương tính với Adiol và Anabolic S1.1 của VĐV Trịnh Văn Vinh. Hai chất trên nằm trong danh mục chất cấm đối với VĐV cử tạ. Việc dính doping khiến vận động viên từng giành Huy chương Bạc môn cử tại ASIAD 2018 phải nhận án phạt nặng. Anh phải nộp phạt 5.000 USD và bị cấm thi đấu 4 năm...

Đọc thêm