Phát triển bền vững không thể thiếu người trẻ
Nhận diện rõ đóng góp quan trọng của giới trẻ, nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ, trao quyền cho thanh niên toàn cầu nhằm phát huy những sáng kiến, tiềm năng của họ giúp ích cho cộng đồng. Có thể kể tới Quỹ Trao quyền Thanh niên Liên minh châu Âu do Ủy ban Châu Âu và các tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới khởi xướng; hay chương trình Funding Windows - công cụ tài trợ theo chủ đề của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Việc hỗ trợ thanh, thiếu niên phát triển kiến thức và kỹ năng, cũng như tài chính, là những hoạt động cần thiết giúp người trẻ tuổi sớm đảm nhiệm và phát huy được vai trò của mình để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, tạo ra một môi trường hòa nhập và hòa bình. Theo quan điểm của UNDP, sẽ không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững nếu thiếu người trẻ.
Trên thực tế, khi được trao quyền và nhận được sự hỗ trợ phù hợp, giới trẻ trên thế giới đã tạo ra nhiều dự án và hành động khác biệt để giúp ích cho cộng đồng của họ. Tại Cộng hòa Djibouti - một quốc gia ở Đông Phi, một nhóm phụ nữ trẻ phát triển dự án nâng cao kỹ năng về công nghệ xã hội để tăng cường khả năng kết nối của cộng đồng, thúc đẩy sự gắn kết xã hội, góp phần tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt nhận thức và hành vi của người trẻ với xã hội. Cụ thể, 87 phụ nữ trẻ cùng 18 hiệp hội đã thực hiện thành công nhiều hoạt động ngăn chặn bạo lực cộng đồng, kéo giảm tình trạng bỏ học và sử dụng ma tuý trong giới trẻ, cũng như hình thành ý thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường. Mặt khác, một hoạt động ở Trinidad & Tobago mang tên Thử thách Đổi mới Hòa bình đã thu hút hơn 100 bài dự thi từ phụ nữ, các tổ chức và người trẻ với rất nhiều ý tưởng, đề xuất sáng tạo tập trung vào việc thúc đẩy hòa bình ở cấp độ cộng đồng.
lNgười trẻ Mali đối mặt với nhiều tác động của đại dịch, biến đổi khí hậu và kinh tế. (Nguồn: UNDP Mali) |
Ở khu vực Tây Phi, các quốc gia như Mali, Burkina Faso và Mauritanie đều đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như dư âm hậu đại dịch, khủng hoảng khí hậu và mất cân đối phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhóm người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn trong công cuộc tìm việc làm bền vững hoặc khởi nghiệp kinh doanh. “Cái khó ló cái khôn”, các sáng kiến xây dựng kỹ năng và tạo cơ hội việc làm, kinh doanh cho thanh niên ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhằm mở ra những “con đường mới” cho thanh niên làm chủ sinh kế và cuộc sống của họ. “MOURAVAGHA” là một dự án như vậy tại Mauritania, cung cấp hệ thống hỗ trợ quốc gia dành cho sinh viên mới tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm ở quốc gia này. Theo một thống kê, dự án đã hỗ trợ hơn 9.000 sinh viên trẻ phát triển kỹ năng tìm kiếm việc làm và ứng tuyển. Họ cũng được tham gia các chương trình thực tập ở các công ty khi chưa tốt nghiệp để bảo đảm cơ hội việc làm sau này. Bên cạnh đó, nhiều dự án kiếm tiền theo loại công việc cộng đồng khác nhau cũng mang lại cơ hội việc làm cho hơn 1.800 thanh niên ở Mali và Burkina Faso. Những người trẻ tuổi thất nghiệp, bao gồm cả phụ nữ và thanh niên, có thể tham gia vào các hoạt động quản lý và thu gom rác thải, cũng như các chương trình công tác công cộng khác. Tại các xã Seytenga và Falagountou của Burkina Faso, nhiều thanh niên có thêm thu nhập từ những công việc cộng đồng, thông qua đó họ cũng tiếp cận được các khoản vay để thực hiện những hoạt động kinh doanh khác cho bản thân.
Mở ra một tương lai đẹp hơn cho mọi người
Sự sáng tạo của người trẻ có thể mở ra cánh cửa cho một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng về kinh tế, môi trường hay diễn biến địa chính trị khôn lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người trẻ, họ càng cần sự quan tâm và trao quyền nhiều hơn để thực sự đóng góp tâm huyết và sức trẻ để tạo ra những tác động có ích cho chính bản thân và toàn xã hội.
Phụ nữ tại Syria cải tạo lại mảnh đất nông nghiệp thông qua sáng kiến của người trẻ. (Nguồn: UNDP Syria) |
Ví dụ như Ethiopia, cuộc xung đột kéo dài nhiều năm đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là người trẻ. Nhiều thanh niên nông thôn thất nghiệp, bỏ học, không có việc làm và nguồn thu nhập, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn. Thông qua một dự án nhận được Window Funding của UNDP, khoảng 345 thanh niên đã tham gia vào các hoạt động, khóa đào tạo phát triển kỹ năng cho các thanh niên khác để họ sớm tìm được việc làm trong các doanh nghiệp địa phương hoặc tiếp cận được khoản vốn khởi nghiệp. Theo đó, hơn 400 phụ nữ và thanh niên, bao gồm cả những người sống sót sau bạo lực tình dục và giới tính, được đào tạo các kỹ năng nghề giúp họ tăng thu nhập.
Dự án “Khát vọng thanh niên và khả năng thúc đẩy sự đổi mới quốc gia” tại Maroc đã thu hút nhiều nhà lãnh đạo trẻ tham gia và tiếp nhận sự hỗ trợ cần thiết để phát triển các ý tưởng đổi mới xã hội hoặc trong doanh nghiệp, giải quyết những thách thức cấp bách trong cộng đồng của họ. Thông qua các khoá đào tạo và cố vấn sâu rộng, 150 thanh niên đã phát triển kỹ năng của mình, đặc biệt là những kỹ năng giới trẻ nước này quan tâm tìm kiếm nhiều nhất như khả năng lãnh đạo, trí tuệ cảm xúc và đổi mới kinh doanh. Còn tại Syria, chương trình cải tạo giếng nước được khởi xướng từ nhiều bạn trẻ ở nước này đã giúp cho 54 nông dân, trong đó có cả những nông dân và phụ nữ trẻ, cải tạo lại mảnh ruộng canh tác của mình, đồng thời tạo ra thu nhập cho hơn 2.000 lao động.
Giới trẻ cũng là nhóm tiên phong trong các cuộc vận động và tuyên truyền về bình đẳng giới, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới toàn cầu, đặc biệt ở những quốc gia vẫn còn tồn tại vấn nạn phân biệt giới tính trầm trọng. Tại Cộng hoà Tchad, bắt đầu từ một cuộc thi vận động ở các trường đại học nhằm tập hợp những câu chuyện truyền cảm hứng về giới từ sinh viên, hoạt động này đã nhanh chóng lan rộng thành một chiến diện nâng cao nhận thức về quyền phụ nữ và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới, có sức ảnh hưởng tới hơn 19.000 người. Mặt khác, Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 ở Colombia, các bạn trẻ đã nói về việc ngăn chặn bạo lực trong một chiến dịch trực tuyến, thu hút hàng nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
Nhóm bạn trẻ khởi xướng sáng kiến đưa vấn đề biến đổi khí hậu ra trước Tòa án Công lý Quốc tế. (Nguồn: World’s Youth for Climate Justice) |
Trong nhiều trường hợp, những hoạt động của người trẻ không chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ quốc gia mà còn có thể lan rộng ở phạm vi toàn thế giới, khiến giới chính trị, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng về các đề xuất và đóng góp của họ. Đơn cử, chiến dịch Thanh niên hành động vì khí hậu đã lan tỏa trên 120 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, nhằm liên kết tiếng nói và hành động của thanh niên toàn cầu, thúc đẩy và nâng cao vị thế của người trẻ trong các quyết sách và quyết định về khí hậu hướng tới sự công bằng. Một ví dụ điển hình kể tới sáng kiến đưa vấn đề khí hậu ra trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để lấy ý kiến tư vấn pháp lý. Sáng kiến này được khởi xướng bởi 27 sinh viên luật tại Đại học Nam Thái Bình Dương ở đảo quốc Fiji. Chiến dịch này hiện đã lan rộng ra ngoài Thái Bình Dương, với sự tham gia chủ yếu từ giới trẻ ở nhiều quốc gia khác nhau, cùng làm việc không mệt mỏi để thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng khu vực và toàn cầu. Họ cho ra đời “Sổ tay Thanh niên Thế giới vì Công lý Khí hậu”, công cụ giúp ích cho mọi người tiếp cận dễ dàng hơn với khái niệm về công lý khí hậu, cũng như các vấn đề pháp lý quốc tế liên quan đến vấn đề này. Ý kiến tư vấn từ Tòa án ICJ về biến đổi khí hậu góp phần cung cấp một văn kiện pháp lý quốc tế mạnh mẽ hơn, đặc biệt có giá trị tham khảo đối với các quốc gia trong việc ban hành chính sách bảo vệ quyền của các thế hệ hiện tại và tương lai trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.