Lạm phát xe công đã đạt tới mức không chịu đựng nổi và đã trở thành một biểu tượng của lạm dụng quyền lực, lãng phí và coi thường phép nước. Nhiều ông đi xe công muốn vượt tiêu chuẩn tí, cơ quan nào sắm xe công cũng vượt số lượng tí, sử dụng xe công cũng vô tội vạ tí..., từng tí ấy đã góp phần “tích cực” vào công cuộc làm thâm thủng ngân sách và gây nên bất công tiềm tàng của xã hội.
Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra ngay giữa Quốc hội tình trạng nợ công sắp chạm trần, nợ Chính phủ vượt trần và chi vượt thu trong 6 tháng đầu năm nay. Áp lực nợ nần đè nặng lên nền kinh tế đất nước, thế mà các dự án “khủng” liên tiếp được vẽ ra, từ xây tượng đài đến khu hành chính, từ đổi mới sách giáo khoa đến làm hệ thống đập chắn sông Hồng, thế mà cái thiết thực như xây dựng đề án sử dụng xe công phải hoãn lại.
Thủ tướng cũng không e ngại phê phán chuyện “bắn chỉ thiên” đã quá nhiều và chẳng có mấy tác dụng tích cực. Thủ tướng cũng chỉ rõ địa chỉ để “bắn đạn thật”, ví dụ như vụ mua AGV của Mobifone đang yêu cầu thanh tra toàn diện hay một địa danh mang tên chiến trận như khai thác khoáng sản tại Núi Pháo, một vài sự bổ nhiệm “đúng quy trình” hoặc cắt ngọn mấy tòa nhà sai phép bằng cưa giả, xử lý lâm tặc phá rừng pơ-mu bằng rìu cùn,...
Vẫn còn đó trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý điều hành như việc cấp phép cho Formosa, một số vị có liên đới trách nhiệm, kể cả các vị bộ trưởng cũng khó mà “hạ cánh an toàn” khi dư luận đòi hỏi phải truy cứu trách nhiệm. Về hưu không phải là đã xong mọi chuyện. Mọi việc đã khác trước nhiều rồi, tiền lệ cũ đang bị phá vỡ!
Tóm lại, “con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến việc làm” đang được rút ngắn lại khoảng cách. Con đường đó càng ngắn thì thì nợ công càng co lại, niềm tin càng nhân lên và sự phát triển càng mở ra, đồng thời đóng lại các cửa rừng và một số dinh thự hoành tráng của quan chức nữa!.