Một nghiên cứu được công bố ngày 3/1 (giờ địa phương) trên tạp chí Nature Medicine cho thấy, nồng độ trung bình của vi nhựa và nano nhựa trong não người đã tăng khoảng 50% - từ 3.345 microgam/gram lên 4.917 microgam/gram - từ năm 2016 đến năm 2024.
Theo nghiên cứu, lượng vi nhựa và nano nhựa cao gấp từ 7 đến 30 lần so với mẫu thận và gan.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Matthew Campen tại Đại học New Mexico (Mỹ) dẫn đầu đã thực hiện phân tích trên mẫu mô não, gan và thận từ 28 người tử vong năm 2016 và 24 người tử vong năm 2024.
Kết quả cho thấy nồng độ vi nhựa trong mô não cao hơn đáng kể so với các cơ quan khác, đặc biệt, mức độ ô nhiễm trong các mẫu phân tích từ năm 2024 cũng cao hơn nhiều so với năm 2016.
Mở rộng nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục phân tích mẫu mô não từ những ca tử vong trong giai đoạn 1997-2013 tại khu vực bờ biển phía Đông nước Mỹ. Dữ liệu cho thấy xu hướng ô nhiễm vi nhựa trong não ngày càng gia tăng trong giai đoạn 1997-2024.
Loại nhựa phổ biến nhất được tìm thấy là polyethylene, chiếm khoảng 75% tổng lượng nhựa trong các mẫu. Polyethylene là loại nhựa được sử dụng rộng rãi trong túi nhựa và bao bì thực phẩm.
Nghiên cứu cũng phát hiện có nồng độ các hạt vi nhựa và nano trong não của những người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ cao hơn so với người không mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng điều này không thể kết luận vi nhựa là nguyên nhân gây ra chứng mất trí, bởi tổn thương não do bệnh lý này có thể góp phần làm tăng sự tích tụ của các hạt vi nhựa.
Giáo sư Tamara Galloway tại Đại học Exeter (Anh) - người không trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu, nhận định mức độ vi nhựa trong não tăng 50% trong tám năm qua là một dấu hiệu đáng lo ngại, phản ánh sự gia tăng việc sản xuất và sử dụng nhựa trên toàn cầu.
“Điều này cho thấy nếu con người có thể giảm ô nhiễm vi nhựa trong môi trường thì mức độ phơi nhiễm vào cơ thể cũng sẽ giảm theo, từ đó tạo động lực mạnh mẽ để tập trung vào các sáng kiến giúp giảm tác động”, bà Galloway nói.