Theo quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi VPHC của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với vi phạm quy định về yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa, thiết bị trong sản xuất, kinh doanh hóa chất, phạt tiền từ 1 -2 triệu đồng đối với hành vi không có bảng hiệu và đèn báo tại lối thoát hiểm của nhà xưởng, kho chứa hóa chất.
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Không có thông tin thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo quy định trong biển báo nguy hiểm treo tại nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không treo, đặt biển báo các đặc tính nguy hiểm của hóa chất ở nơi dễ thấy trong nhà xưởng, kho chứa hóa chất…
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng bồn chứa ngoài trời không có đê bao hoặc không có các biện pháp kỹ thuật khác để ngăn chặn hóa chất thoát ra môi trường; không thực hiện kiểm định định kỳ đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.
Đối với một trong các hành vi như: Không duy trì các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ tại kho chứa hóa chất đối với hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng để tồn trữ, bảo quản đối với hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp… sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định trên, những hành vi như: không duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; không thực hiện đầy đủ thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật; sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ không đúng chủng loại với giấy chứng nhận đủ điều kiện… sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Mức phạt cao nhất ở mức 80-100 triệu đồng được áp dụng với một trong các hành vi như: Nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, giao nhiệm vụ; sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ…
Nghi định số 71 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2019, thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định vể xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.