Hậu quả nặng nề từ bom mìn tồn sót
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, không thể tìm và gỡ sạch tất cả bom mìn, vật liệu nổ. Ở châu Âu, người ta vẫn đang lặng lẽ tiến hành rà phá bom mìn còn sót từ thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ 2 đến giờ, thậm chí còn tìm thấy 5.000 quả bom một năm. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh còn lâu mới có thể chấm dứt. Trong khi đó, sự nguy hiểm âm thầm của các vật liệu nổ còn sót lại là một thực tế đang hiển hiện.
Do đó, mục tiêu đặt ra không phải là làm sạch hoàn toàn bom mìn, mà để giữ an toàn cho người dân thông qua việc nâng cao hiểu biết. Cần phải dạy cho trẻ em và cả người lớn làm thế nào để được an toàn. Người dân cần được biết họ phải làm gì, gọi số điện thoại nào nếu phát hiện bom, mìn, vật liệu nổ. Trẻ em phải nhận biết được vật liệu nổ và biết cách tránh khỏi bị bom mìn sát thương. Học điều này cũng quan trọng như học cách để biết đi xe đạp hoặc băng qua đường.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Bốn thập kỷ sau chiến tranh, vấn đề bom mìn vật liệu nổ còn sót lại vẫn là mối đe dọa nặng nề ở nhiều vùng. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích do bom mìn nhất.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nạn nhân bom mìn là thanh thiếu niên do chơi đùa với bom mìn chiếm gần 30%. Tại Quảng Trị, trong 7.000 nạn nhân bom mìn, thì có tới 1.742 em học sinh (chiếm 31,57%), nguyên nhân chính là do các em thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của bom mìn.
Cần đẩy mạnh truyền thông
Nói về vấn đề giáo dục phòng chống bom mìn cho trẻ em, theo Đại tá Đặng Văn An - Trung tâm Công nghệ xỷ lý bom mìn, Binh chủng Công binh, để trẻ em hiểu, nắm rõ tính nguy hiểm của bom mìn và vật nổ thì phải hướng dẫn cho các em biết tại sao chưa nổ, thế nào sẽ gây nổ để các em bớt tò mò. Thứ hai, phải gắn với hình tượng dễ nhớ, sát với cuộc sống để các em dễ hình dung. Ngoài việc trực tiếp giới thiệu, cũng cần phát tờ gấp để các em và gia đình nắm rõ hơn.
Từ năm 2014, tại Quảng Trị, sau thời gian triển khai chương trình giáo dục, tuyên truyền phòng tránh bom, mìn cho trẻ em, số nạn nhân bị tai nạn bom, mìn đã giảm đáng kể, nhiều địa phương không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do bom, mìn gây ra với trẻ em. Tại huyện A Lưới, một trong những trọng điểm ô nhiễm bom, mìn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ với 8 tiết học tập bổ trợ về kiến thức phòng tránh bom, mìn mỗi năm, nhiều năm gần đây địa phương đã không còn xảy ra tai nạn bom, mìn đối với trẻ em.
Những quả ổi tượng trưng quả bom bi, những củ măng rừng tượng trưng quả đạn cối, cùng các hình ảnh trực quan và cách truyền đạt khéo léo của giáo viên đã khiến cho những buổi học về giáo dục phòng tránh bom, mìn luôn được các em học sinh hào hứng đón nhận, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách phòng tránh bom, mìn.
Cuối năm 2018, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) đã cho ra mắt bộ truyện tranh giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh. Bộ sách được nhóm tác giả và chuyên gia về bom mìn thẩm định xem xét, chỉnh lý một cách hết sức tỷ mỉ, công phu nhằm đạt được các tiêu chí: nội dung mang nhiều thông điệp về phòng tránh tai nạn bom mìn rõ ràng, ngắn gọn, dễ đọc, dễ thuộc và dễ nhớ; có tính giáo dục cao cả về ý thức, nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ em; có tính thẩm mỹ, có khả năng thu hút người đọc và tính phổ cập cao. Về hình thức, bộ sách được in khổ 20 x 20cm, thiết kế dưới dạng truyện tranh có màu sắc phù hợp với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch VNASMA cho biết, sự ra mắt bộ truyện tranh là một bước đột phá về mặt tuyên truyền của Hội nhằm thu hút sự tìm hiểu của các em nhỏ. Hội đã phát hành tập truyện tranh với số lượng khoảng 33.000 cuốn và được Hội và các chi hội địa phương trao tặng học sinh tại các vùng ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc. Tuy mới ra mắt thử nghiệm, cuốn sách đã nhận được phản hồi rất tốt từ dư luận xã hội, các nhà trường và đông đảo học sinh. Khi bộ sách được mang đến các trường học, các em nhỏ rất hào hứng với kiến thức trình bày trong sách.
Từ lời phát biểu của lãnh đạo của một địa phương nằm trong tầm ảnh hưởng tác của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nói trên, cũng như từ thực tế giáo dục phòng chống bom mìn cho trẻ em đã và đang diễn ra hiện nay, có thể thấy, trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam thì “một đồng chi cho truyền thông cũng có giá trị tương đương một đồng cho việc rà phá, khắc phục” – như nhận định của Thiếu tướng Đào Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Khoa học-Công nghệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn tại buổi họp báo hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4 vừa qua.