Dẫu về vui thú điền viên, nhưng là một kẻ sĩ ở đời, trách nhiệm “trung quân ái quốc” chưa lúc nào vơi trong trí cụ Phan. Bởi vậy, khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần vương, thì nơi đất Hà Tĩnh, như Cận đại Việt sử diễn ca cho hay, Phan Đình Phùng đã:
Phát hịch Cần vương phò tẩu chúa,
Dựng cờ kháng chiến hộ vong bang.
Những mong phục quốc đền ơn vua
Căn cứ Vụ Quang, nằm ở phía bắc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, là nơi cụ xây dựng lực lượng, lấy làm đại bản doanh chống Pháp. Bên cạnh cụ, lại có Cao Thắng tài năng thao lược. Vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, Phan Đình Phùng tìm đến bái yết, được phong làm Tán lý Quân vụ, kêu gọi các cựu thần, khoa bảng tham gia khởi nghĩa ngay tại quê nhà.
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ lãnh đạo, kéo dài nhất trong phong trào Cần vương. Diễn tiến thế nào, ở đây xin phép không xét đến kẻo nặng nề ở khoản trình bày. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu, xin xem qua Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời của nhà báo Đào Trinh Nhất, ghi chép sống động mà kỹ càng lắm lắm.
Việt Nam danh nhân từ điển cho hay, đại bản doanh nghĩa quân đóng tại đất Hà Tĩnh, nhưng nghĩa quân hoạt động ảnh hưởng khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Binh bị rất chỉn chu, quy củ, chia làm 15 quân thứ, có binh phục, luyện tập theo phương pháp Tây Âu.
Vũ khí ngoài những giáo mác thô sơ, nhờ kỳ tài của Cao Thắng, nghĩa quân có riêng xưởng đúc súng mô phỏng theo kiểu súng của Pháp để tự trang bị. Giương ngọn cờ Cần vương chống Pháp, đội nghĩa binh của cụ Phan ngày càng đông đảo.
Tài điều binh khiển tướng của cụ Phan, đến kẻ thù còn phải tỏ ra nể phục huống hồ dân Nam, như Đại úy Gosselin trong sách Empire d’Annam có nhận xét:
“Quan Đình nguyên Phan Đình Phùng có tài kinh doanh việc quân binh, biết luyện tập sĩ tốt theo phép Thái tây, áo quần mặc một lối, và đeo súng kiểu 1874, những súng ấy là súng của người quan Đình nguyên đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng hệt như súng Pháp, chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh, cho nên đạn không đi xa được”. Còn Việt sử mông học thì ghi nhận:
Khi Pháp đến xâm lược,
Khởi nghĩa và mộ quân.
Trải qua nhiều nguy biến,
Chẳng quản bước gian truân.
Quên mình vì nghĩa lớn,
Gương trung nghĩa văn thân.
Trong Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển có cho hay sau khi đã tổ chức đâu ra đó, kể từ năm Bính Tuất (1886), nghĩa quân bắt đầu hoạt động mạnh và trong suốt 10 năm tồn tại, đã làm cho quân địch nhiều phen thất điên bát đảo. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà cụ Phan làm linh hồn quy tụ nghĩa binh, để lại nhiều dấu ấn trong sử Nam.
Tháng 9 năm Mậu Tý (1888), vua Hàm Nghi bị tên thổ tù Trương Quang Ngọc dẫn Pháp đến bắt. Để trả thù cho quân vương, như Việt Nam sử lược cho biết, 5 năm sau, vào trung tuần tháng 11 năm Quý Tỵ (1893) “ông sai người đến vây nhà tên Trương Quang Ngọc ở làng Thanh Lang, huyện Tuyên Hóa, bắt tên Ngọc chém lấy đầu để báo thù về việc tên ấy làm sự phản ác. Từ đó quân của quan Đình nguyên vẫy vùng ở mạn Hương Khê”.
Việt sử địa dư |
Hiềm nỗi, cũng năm Quý Tỵ (1893), kiện tướng đắc lực của cụ là Cao Thắng tử trận, cụ Phan như mất đi một nửa sức mạnh. Thêm phần quân Pháp ráo riết tập nã, tìm mọi cách tiêu diệt nghĩa quân, đường lương bị tuyệt, nghĩa binh phải nay đây mai đó di chuyển khắp nơi. Dần dà, sức cùng lực tận nhưng trước khi ngọn đèn hết dầu vụt tắt, thì thường lóe sáng lên lần cuối cùng.
Ấy là nhằm năm Ất Mùi (1895), dẫu bị quân Pháp vây chặt, truy đuổi, nhưng cụ Phan cùng nghĩa binh Hương Khê làm nên trận Vụ Quang bẫy địch với kế “sa nang ủng thủy”, khiến cả 100 tay súng Việt, Pháp và mấy tên sĩ quan phải bỏ mạng nơi sông Vụ Quang.
Dẫu vậy, trận thắng làm cho Pháp thảng thốt ấy cũng không lấy lại thanh thế được cho nghĩa quân. Thiếu quân lương bởi bị vây hãm, nghĩa quân dần lâm vào đường cùng.
Cũng bởi ảnh hưởng của nghĩa binh Hương Khê khắp vùng Trung Kỳ, làm cho công cuộc bình định của người Pháp vô cùng vất vả. Thế nên, chúng dùng mọi thủ đoạn từ tước lộc cho đến hạ sách để chiêu hồi cụ Phan, nhưng nào đâu có lay chuyển được lòng sắt son vì nước của cụ.
Hoàng Cao Khải đồng hương với cụ, đương làm quan to cho Pháp, từng lấy danh nghĩa bạn hữu mà gửi thư thuyết phục. Lại cả việc Pháp cho quật mộ gia quyến nhà cụ để cụ phải vì tình nhà mà quay giáo quy hàng. Nhưng hết thảy, với cụ, cái nhà to, ấy là nước Việt Nam.
Nhắm mắt vẫn đau đáu vận nước
Giữa lúc nghĩa binh đang sa cơ, lỡ vận, thì như ghi chép trong Việt sử tân biên, vị lãnh tụ họ Phan bị bệnh lỵ rất nặng, sức khỏe ngày một suy kiệt rồi mất ngày 13/11 năm Ất Mùi (1895). Không lâu sau, khởi nghĩa Hương Khê cũng lụi tàn đi theo cái chết của chủ tướng. Được tin người anh hùng đã mất, văn thân Nghệ Tĩnh tiếc thương vô hạn. Những kẻ đồng chí hướng chỉ còn biết dùng chữ mà tỏ nỗi lòng trước ông. Tỉ như:
Súng Tây bác đã không e sợ,
Thuyền Pháp tôi nào có chút kinh.
Tôi bác cùng thể không sống nhục,
Được thua vẫn vững chí hi sinh.
Trong đó, có câu đối viếng dưới đây, dẫu dài, mà tỏ hết tấc lòng kính phục đối với ông, được ghi lại trong Từ điển nhân vật xứ Nghệ. Nay xin chép ra đây hầu bạn đọc:
“Anh hùng thành bại kể chi, tấc dạ cô trung, tấm gương nghĩa cả, thế cùng các bạn chu truyền; Sơn mực thánh hiến, đọc sách lấy cương thường làm trọng; Giận vì lẽ nhà to sắp đổ, một cây chẳng chống được nào, cung lạnh khói tàn, cảnh non thẳm ai không xót nỗi; Gặp vận rồng bay mây tối; Ngậm ngùi cuộc thế đổi thay, thương thay La thành non sông, văn hiến trăm năm binh mã loạn;
Trời đất cổ kim còn mãi, một dòng nước chảy, muôn trượng núi xa, ấy chốn nam nhi ngang dọc; Lam Hồng gió tuyết, ngọa đông cho tùng bách cũng gầy; Tính sao đây sóng cả đang dâng, cột đá giữa dòng khó vững, sao dời vật đổi, tình cố hương ai chẳng chạnh lòng? Nguồn cơn nhạn lạc gió gầm, ngao ngán lòng trời cay nghiệt, thấy chửa tùng mai khí tiết, tinh thần một thác Đẩu Ngưu cao”.
Việt sử địa dư của cụ Phan Đình Phùng được dịch ra tiếng Việt |
Nguyễn Thân, tiếng là kẻ tiễu phạt khắp đó đây, nhưng chưa bao giờ dám giáp trận cùng cụ Phan. Sau khi biết người anh hùng Hương Khê đã chết, thân thể nằm nơi nấm mồ ở núi Quạt, thì đê tiện làm sao khi như Cận đại Việt sử diễn ca miêu tả lại:
Phất cờ lụa, chữ đỏ tươi,
Lưu tinh bay ngựa sai người về kinh.
“Tặc Phùng bố tử” báo tin,
Quật mồ lửa đốt xác mình ra tro.
Trộn chung thuốc súng mấy mo,
La giang bắn bỏ đóng trò hót Tây.
Mảnh riêng tư
Lâu nay, khi nói đến cụ Phan Đình Phùng, ta thường nghĩ ngay đến cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà cụ làm chủ soái, mà ít người biết rằng, cụ Phan còn là một tác giả của một cuốn sách địa dư, sử học hiếm có. Đó là tác phẩm Việt sử địa dư. Sách được cụ hoàn thành năm Quý Mùi (1883), chín là ở thời gian bị Tôn Thất Thuyết đuổi về quê.
Việt sử địa dư gồm có tập Thượng, tập Hạ. Dẫu viết về địa lý, địa danh đất nước, nhưng chú thích rất kỹ càng tên núi, tên sông hay địa phương to nhỏ, tiện cho việc tra cứu lắm lắm. Điều ấy chứng tỏ học vấn uyên bác, vốn hiểu biết rộng của cụ Phan. Sách này, nay đã được dịch ra tiếng Việt, xuất bản một lần duy nhất vào năm 2008.
Về đời riêng, cụ Phan có bốn người con trai với bà chính thất. Trong đó, Phan Đình Cừ có tiếng là thông minh, can đảm. Bà thứ thất là con quan Tham tri bộ Lại Trần Trạm có với cụ người con trai Phan Đình Cam nhưng lại mất sớm. Sau có thêm người con trai nữa.
Riêng về Phan Đình Cừ, có tên tự là Bá Ngọc, sau lại thành một nỗi buồn cho gia tộc. Sau khi cụ Phan mất, Bá Ngọc sang Nhật du học. Tiếc là sau đó, chàng ta lại quay về mà quy thuận Pháp. Dịp Tết năm 1922, khi Bá Ngọc đang ở Thượng Hải, đã bị ám sát mà hồn về chín suối. Vụ việc ấy, trong sách Cuộc đời cách mạng Cường Để, dành riêng Chương XIII “Vụ Bá Ngọc” mà kể tường tận lắm.../.