Ly kỳ vụ kiện một chữ “gàn”

(PLO) - Cái án kiện mà chúng tôi muốn đề cập tới ở đây, nó liên quan tới một nhà phê bình văn học có tiếng của nước Việt ta, nổi danh với bộ Nhà văn hiện đại. Hẳn bạn đọc đã đoán ra, ấy là ông Vũ Ngọc Phan (1902-1987) đấy.
Vũ Ngọc Phan và vợ, nhà thơ Hằng Phương
Vũ Ngọc Phan và vợ, nhà thơ Hằng Phương

Nói về cái án kiện kia, cũng lý thú lắm, bởi người ta thường kiện nhau về tiền tài, quyền lợi… Nhưng ở đây, lại kiện nhau cái danh, mà chỉ ở một chữ thôi cũng thành án kiện được. Đó là cái chữ “gàn”!

Điểm danh “văn sĩ”

Trước khi nói tới cái án kiện chữ nghĩa kia, xin được điểm qua vài nét về ông Vũ Ngọc Phan, để lớp trẻ có đọc đến đỡ bỡ ngỡ mà hỏi họ Vũ ấy là ai? 

Như chính lời tâm sự của nhà văn họ Vũ, ông gốc dân Bắc Ninh, có tổ bảy đời là quan Vũ Nghiêm, nhưng sinh quán của Vũ Ngọc Phan, lại là nơi phố Hàng Đào, Hà Nội. Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ cho biết, cái nghiệp văn của Vũ Ngọc Phan.

Ban đầu, họ Vũ đỗ Tú tài toàn phần, kết duyên với nữ thi sĩ Hằng Phương, con gái Sở cuồng Lê Dư. Thay vì đi làm công chức ăn lương, Vũ Ngọc Phan theo nghề viết lách, làm cho báo Pháp Việt tạp chí của Ernest Babut. 

Chính từ Pháp Việt tạp chí, như ghi chép trong Văn học từ điển “Vũ Ngọc Phan phụ trách về phần Việt ngữ, dịch bài luận thuyết của ông Babut, dịch một tiểu thuyết từ Pháp văn qua Việt văn, phê bình sách và viết tin tức trong tháng. Những bài phê bình của ông đăng trong Pháp Việt tạp chí, sau này được xuất bản thành sách với tựa đề “Nhà văn hiện đại”.

Dấu ấn bộ Nhà văn hiện đại, được nhà thơ Huy Cận trong bài viết Đóng góp quan trọng của Vũ Ngọc Phan vào văn học sử nước nhà cho hay, công trình này đề cập đến 79 tác giả, và “có thể nói, đây là một bộ Văn học sử qua những tác giả và tác phẩm cụ thể của một giai đoạn phát triển quan trọng của nền Văn học Việt Nam”, và cái đáng quý của Vũ Ngọc Phan ở đây là “đã rất độc lập trong những nhận xét của mình và cũng viết theo cách riêng của ông”. 

Ngoài bộ Nhà văn hiện đại, theo thống kê của Mai Hương trong Kỷ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan, 100 năm ngày sinh (1902-2002), Vũ Ngọc Phan còn nhiều tác phẩm khác, đơn cử như Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Trên đường nghệ thuật, Truyện cổ Việt Nam, Qua những trang văn… và nhiều tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài khác. Riêng ở đây, không bàn về nghiệp giấy bút của ông, ta quay lại cái án kia kẻo loãng trọng tâm. 

Vũ Ngọc Phan năm 1942
Vũ Ngọc Phan năm 1942

Một cuộc bút chiến

Vụ án chữ “gàn”, được chính Vũ Ngọc Phan - người trong cuộc - kể lại tường tận trong hồi ký Những năm tháng ấy. Và trong vụ án này, nhà văn họ Vũ là người… bị kiện. 

Nguyên do sự việc, kể ra cũng dông dài đôi chút. Dạo ấy, khi báo Trung Bắc tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh tự đình bản, thì Nguyễn Văn Luận, nguyên là trị sự của báo này, mua lại nhà in cùng với Phạm Hữu Khánh.

Mỗi người sở hữu một nửa, vẫn giữ tên Trung Bắc để giữ khách hàng quen, chỉ phân biệt nhà in của Luận là Trung Bắc Oóc-lê-ăng (Orléans, nay là phố Phùng Hưng) và Trung Bắc Hàng Buồm của Khánh. Ông Luận có anh con trai là Kham du học Pháp về với bằng cử nhân văn khoa. Hai cha con ra một tờ nhật báo, lấy tên Báo mới, Kham làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút.

Để câu độc giả, Báo mới của Kham số đầu tiên (Theo Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, thì số 1 ra ngày 1/5/1939) đăng một loạt bài về ma cà rồng, rặt những chuyện kỳ quái ở mạn ngược. Lúc đó, Vũ Ngọc Phan là người phụ trách bài vở của Hà Nội tân văn (1939-1940).

Báo có mục “Đó đây” đăng tin thời sự ngắn gọn, có tính phê phán những chuyện chướng tai gai mắt. Thấy Báo mới đưa tin mê tín dị đoan vậy, một biên tập viên của Hà Nội tân văn là Thiết Can làm một bài ngắn trên mục “Đó đây”, phê bình Báo mới, lại của một vị tân học làm chủ bút, mà đăng chuyện hoang đường. 

Vốn là kiêu căng tự phụ, ỷ y mình là kẻ học cao, bị phê bình như vậy (dạo ấy, việc phê bình, đánh giá quan điểm, bài viết của các tác giả, các báo bạn mạnh mẽ lắm, thậm chí phát triển thành bút chiến sôi nổi chứ chẳng như bây giờ) thì nóng mặt, liền viết luôn mấy bài công kích lại Hà Nội tân văn, vu khống rằng Hà Nội tân văn gièm pha Báo mới làm mất độc giả.

Chẳng những thế, Kham và em họ là Nguyễn Doãn Vượng (chủ trương báo Trung Bắc Chủ nhật, cũng là tay có tiếng trong làng báo, bạn với Vũ Bằng) như lời kể của Vũ Ngọc Phan, còn “bắn tin sẽ thuê du côn đánh người chịu trách nhiệm về bài vở Hà Nội tân văn”. Quả là căng thẳng. 

Số nhà văn họ Vũ cũng may, cái vụ động tay động chân kia, sau đến tai một tay anh chị là Hy “chả cá”, bởi là chủ hàng chả cá có tượng Lã Vọng bằng đất nung đặt trước cửa hàng. Nghe phong thanh cái việc Kham định uy hiếp họ Vũ bằng trò hèn mạt kia, thì Hy, vốn có tiếng là hào hiệp, gan dạ đến trực tiếp nhà Vũ Ngọc Phan mà tỏ bày bảo vệ.

Sau đấy, không thấy việc đe dọa từ bên Kham nữa, nhưng cuộc bút chiến thì vẫn tiếp tục. Nhà báo họ Vũ viết bài lên Hà Nội tân văn với nhan đề “Một bài ABC cho kẻ mới học nghề viết báo”. Trong bài này có nói Kham là một người “gàn”, không chịu phục thiện. Thế là như chạm mạch điện, Kham không dừng ở bút chiến nữa, mà… đi kiện ông Phan. 

Chữ “gàn” kiện nhau

Vin vào bài báo của Vũ Ngọc Phan, Kham liền cho dịch bài ấy ra Pháp ngữ, trong đó, chữ “gàn” kia được Kham dịch là “maboul”, rồi vin vào chữ ấy, làm đơn kiện Vũ Ngọc Phan đã cố tình phỉ báng mình. Hai tay thầy kiện mà Kham thuê cho vụ này có máu mặt lắm. Đó là luật sư Piriou cụt một tay, thương binh trong Thế chiến thứ nhất, tính nghiện rượu và rất hung hăng, một người khác chuyên nghiên cứu về từ ngữ. 

Biết mình gặp hòn đá giữa đường, Vũ Ngọc Phan ở thế bị cáo biết rằng, vụ kiện này mình mà thua, thì cái khoản tiền “bồi thường danh giá” chỉ mất một đồng bạc Đông Dương, nhưng cái khoản án phí, dịch thuật, tiền lục sự, mõ tòa… lên tới vài nghìn đồng (dạo ấy to lắm) chứ chẳng chơi. Mục đích của Kham khi kiện Phan cũng chỉ nhằm “làm cho thằng Phan thua kiện và sẽ sạt nghiệp về khoản án phí”.

Vũ Ngọc Phan bèn tìm cách thuê luật sư cãi hộ. May sao lúc ấy, Phan gặp một người quen là Aquarone, cử nhân luật ở Pháp và đang làm thư ký tập sự tại văn phòng luật sư Mayet. Biết bạn gặp khó, Aquarone nhận lời nói Mayet cãi giúp chỉ mất 50% tiền công, lúc ấy cũng lên tới 40 đồng.

Cả nửa năm trời, vụ kiện kia cứ bị hoãn liên tục. Trong thời gian ấy, theo hướng dẫn của Mayet, Phan xin với tòa cho phòng phiên dịch của tòa án định nghĩa lại từ “gàn”, bởi nếu dịch từ “gàn” ra “maboul” là cố ý dịch sai. Đơn của Phan được đưa lên tòa.

Hà Nội tân văn, góc phải
Hà Nội tân văn, góc phải

Trưởng phòng dịch thuật bấy giờ là Durand rất giỏi tiếng Việt, từng dạy tiếng Việt, từng soạn ra quyển Littérature Annamite (con của Durand sau là Giám đốc của trường Viễn Đông Bác Cổ), lại biết tiếng của Vũ Ngọc Phan từ những bài báo Phan viết. Đọc đơn của Phan, Durand biết đây là cách dịch láo để buộc tội Phan, nếu dịch đúng, phải là “paradoxal” và không có ý gì là phỉ báng. 

Đến kỳ hạn, tòa đem vụ kiện của Kham ra xử. Sau khi nghe tranh luận của luật sư hai bên, chứng cứ rành rành, tòa tuyên bố bên Phan trắng án. Không chịu thua, Kham chống án lên tòa thượng thẩm. Phiên tòa này cũng liên tục bị hoãn cho đến ngày 27 tháng Chạp âm lịch mới đem ra xử (trong hồi ký Những năm tháng ấy, tác giả không nói rõ năm, nên chúng tôi không dám võ đoán, chỉ áng chừng khoảng thời gian 1939-1941 mà thôi). 

Bên phía Kham, thầy cãi Piriou cho rằng Phan viết bài công kích dữ dội, không từ thủ đoạn để bôi nhọ thanh danh của Kham. Đáp lại, phía Mayet cãi cho Phan nói “Bài đáp lại của ông Phan trang nhã, bình tĩnh, không có lý gì là thóa mạ.

Từ “gàn” mà dịch là “maboul” là sai, cố ý cho nó cái ý nghĩa xấu. Phòng chuyên dịch của tòa án đã dịch đúng, “gàn” chỉ có thể là “paradoxal”, nghĩa là gàn quái, ngang trái, ngược lại ý kiến người khác. Như vậy “phỉ báng” ở chỗ nào?” Một lần nữa, bên Vũ Ngọc Phan lại trắng án. Ra khỏi tòa, ông được anh em ký giả hoan hô nhiệt liệt, còn bên Kham, quả là “gàn” thật.../.

Đọc thêm