Vi rút chết người Ebola dễ lây lan trên máy bay?

(PLO) - Dịch Ebola đang gây ra nỗi lo sợ rằng vi rút chết người có thể lan ra khắp thế giới qua đường hàng không. Hãy cùng tìm hiểu về nguy cơ mắc phải căn bệnh này trong chuyến bay.
Chuyên gia Oxford cho rằng “nguy cơ lớn nhất không phải ở máy bay, mà là ở taxi trên đường ra sân bay”

Những vấn đề trong lây truyền

Nguy cơ bị lây bệnh nhiễm trùng từ một hành khách đau ốm nào đó không cao như mọi người vẫn nghĩ. Theo Christine Pearson, phát ngôn viên của Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ, “Máy bay không nguy hiểm hơn bất cứ nơi tiếp xúc đông người nào khác – ví dụ như các trung tâm thương mại”.
John Oxford, chuyên gia vi rút học tại Đại học Queen, cũng nhất trí quan điểm này. Thông khí trong máy bay đi sàn lên trần, ở đó không khí được lọc vi khuẩn và vi rút trước khi luân chuyển trở lại. Các nghiên cứu mô phỏng xem xét khả năng lân truyền của mầm bệnh đã cho thấy nói chung chúng chỉ giới hạn ở một hai hàng ghế cạnh nơi hành khách mắc bệnh.
Cho dù vậy, khả năng lây nhiễm có vẻ khá nhỏ, theo một nghiên cứu trên tờ British Medical Journal. Nghiên cứu đã tìm hiểu chuyến bay có 9 học sinh tiểu học sau đó bị phát hiện có mang vi rút cúm lợn (H7N9). Chỉ 2 hành khách khác trong số 100 người được hỏi sau đó bị phát bệnh – và họ đều ngồi cách nhóm học sinh này trong vòng 2 dãy ghế. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chỉ có 3,5% nguy cơ mắc bệnh nếu bạn ngồi ở những chỗ này.
Một loạt nghiên cứu khác về bệnh sởi và bệnh lao cho thấy tỷ lệ lây bệnh trong chuyến bay cũng ở mức thấp tương tự. Từ những nghiên cứu này, Oxford cho rằng “nguy cơ lớn nhất không phải ở máy bay, mà là ở taxi trên đường ra sân bay”.
Tuy nhiên, John Edmunds, giảng viên về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, Anh chỉ ra rằng rất khó đi tới kết luận vững chắc, ngay cả với những bệnh phổ biến hơn. Số lượng nghiên cứu còn ít, có lẽ không thể tìm được con số tuyệt đối về nguy cơ và so sánh nó với nguy cơ trong một trường học. Và với những bệnh hiếm và chưa được nghiên cứu như Ebola thì việc đánh giá nguy cơ lây truyền bệnh trong chuyến bay còn khó khăn hơn.
Kiểu lây cũng là một yếu tố. Đã ghi nhận được một vài trường hợp norovirus lây giữa các hành khách – có thể do mọi người dùng chung nhà vệ sinh. Nhưng Ebola tương đối khó lây: không như các bệnh hô hấp như cảm lạnh và cúm, vi rút chết người này chỉ lây qua tiếp xúc với các dịch cơ thể như nước bọt, chất nôn, hoặc máu chảy ra ngoài qua các lỗ tự nhiên.
Mặc dù khó có khả năng người đã phát bệnh lại cố đi máy bay, nhưng điều này không phải là không thể. Patrick Sawyer, công dân Mỹ đã chết vì Ebola, đã biểu hiện triệu chứng bệnh trên chuyến bay từ Liberia tới Nigeria, gây ra mối lo ngại về những hành khách khác. Tuy nhiên hiện nay các nhân viên đội bay và nhân viên y tế đã nhận thức rõ hơn về mối nguy hiểm này và sẽ kiểm soát bất kỳ ai nghi mắc bệnh.
Cũng có khả năng là một hành khách nào đó lên máy bay trước khi biểu hiện đầy đủ các triệu chứng. Nhưng cho đến này bằng chứng cho thấy khó có khả năng lây bệnh từ người đang bị bệnh giao đoạn đầu, trước khi họ bắt đầu bị nôn và chảy máu.
Các biện pháp vệ sinh cá nhân cơ bản sẽ làm giảm hơn nữa khả năng lây nhiễm – thậm chí có thể loại trừ hoàn toàn mối nguy hiểm. “Vi rút Ebola rất dễ bị tiêu diệt; bạn có thể giết nó bằng nước nóng và xà phòng,” John Edmunds cho biết. “Cồn rửa tay tiêu diệt nó trong vòng vài phần nghìn giây.”

“Nguy cơ nhỏ”

Nếu có một người bên ngoài khỏe mạnh mang vi rút hạ cánh xuống một nước nào đó, thì vẫn có cơ hội cho giai đoạn lây bệnh thứ hai. Đây có lẽ là nguy cơ lớn hơn cho một đại dịch toàn cầu – những người mang vi rút không được phát hiện chính là con đường mà bệnh cúm H7N9 và bệnh SARS lan ra khắp thế giới.
Trước đây, sự lây lan của bệnh dịch bị giới hạn bởi chiều dài của chuyến đi; ví dụ như bệnh sởi thường phát ra rất nhanh, vì thế tất cả các ca bệnh sẽ phát bệnh khi kết thúc hành trình dài. Còn Ebola có thời gian ủ bệnh tới 21 ngày, nên người mang vi rút có thể tới một nước nhiều tuần trước khi triệu chứng bùng phát - và truyền bệnh cho những người họ biết.
“Đây là một vấn đề,” Edmunds thừa nhận, nhưng ông vẫn lạc quan rằng dù vậy bệnh vẫn có thể được kiềm chế.
Bất cứ ai biểu hiện triệu chứng đều sẽ được chẩn đoán nhanh chóng trước được kiểm dịch, và cơ quan y tế cũng sẽ giám sát những người có tiếp xúc với họ - như phi hành đoàn, nhân viên hải quan và gia đình họ.
Phát ngôn viên của Tổ chức y tế thế giới (WHO) Gregory Härtl cho biết nguy cơ của một đại dịch toàn cầu lúc này là “nhỏ”, mặc dù WHO đang làm việc với Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế để xem xét lại những khuyến cáo của mình.
Hiện tại WHO không khuyến nghị sàng lọc hành khách tại các nhà ga hàng không – vì máy quét nhiệt dùng để phát hiện hành khách bị sốt không thể tìm ra người đang ủ bệnh giai đoạn đầu – và cũng không khuyến cáo hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến nhanh chóng và các khuyến cáo có thể thay đổi trong những ngày tới. Lúc này, không ai có thể dự đoán được liệu có những hành khách khác đã bị nhiễm bệnh hay không, nhưng hy vọng sự cảnh giác cao độ sẽ giúp giảm thiểu mọi nguy cơ có thể có.
Tuy nhiên, cho dù được kiềm chế thành công và dịch được dập tắt, thì Ebola vẫn cho thấy một thực tế rằng không có thảm họa hay bệnh dịch nào là quá xa xôi trong một thế giới hiện đại với sự kết nối chặt chẽ như hiện nay.

Đọc thêm