Bác sĩ đánh giá thế nào về tình trạng bệnh TVĐĐ hiện nay?
TVĐĐ thuộc bệnh lý thường gặp nhất trong thoái hoá cuộc sống, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt con người. Theo một con số thống kê, khoảng 1/3 dân số trên tuổi trưởng thành bị TVĐĐ. Trong đó có 1% bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng ở mức cần điều trị tích cực.
Ở nước ta, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc trường ĐH Y khoa và bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho thấy gần 1% dân số mắc TVĐĐ, nghĩa là cứ 100 người thì có 1 người mắc bệnh. Bệnh nhân TVĐĐ đang có xu hướng tăng dần vì các lí do: Tuổi thọ dân số càng cao tỉ lệ thuận với bệnh TVĐĐ (30 tuổi trở lên bắt đầu suy thoái cột sống), tác động từ môi trường làm việc. Nguyên nhân chính gây TVĐĐ thường do quá trình lão hoá sinh lý và các rối loạn của một số bệnh lý trong nhiễm khuẩn, bệnh về khớp, rối loạn chuyển hoá cùng các vi chấn thương của lực tải trọng lên đĩa đệm hàng ngày.
Làm thế nào biết bị mắc bệnh TVĐĐ, thưa bác sĩ?
Ở người trưởng thành, chiều dày đĩa đệm cột sống cổ mỏng nhất vào khoảng 3-4mm, lưng là 5-6mm, thắt lưng là 8-9mm. Cấu trúc đĩa đệm gồm ba phần: Bao xơ, nhân nhầy và mâm sụn. Có thể coi đĩa đệm như một hệ thuỷ lực kín, gồm bao xơ tương đối cứng và dai, nhân nhầy chứa nhiều nước và một loại chất keo có độ nhớt cao bên trong. TVĐĐ xảy ra khi bao xơ vòng sợi bị rạn rách một phần hoặc mất khả năng chun giãn, tạo điều kiện cho nhân nhầy dịch chuyển khỏi vị trí. Sự dịch chuyển này có thể gây ra chèn ép màng cứng, rễ dây thần kinh hoặc chèn ép tuỷ.
Chính vì chèn ép màng cứng, rễ dây thần kinh hoặc chèn ép tuỷ dẫn đến các triệu chứng đau, tê, teo hay liệt cơ ở các vùng phân bổ của rễ thần kinh. Rõ nhất là tứ chi. Nặng hơn nữa là triệu chứng tiểu tiện mất tự chủ.
Với những triệu chứng như trên, ai cũng có thể tự kiểm tra xem mình có nguy cơ bị TVĐĐ hay không. Tuy nhiên, để chắc chắn cần tiến hành các xét nghiệm chụp X-quang, CT scanner hoặc MRI. Nhiều người nghĩ rằng bệnh TVĐĐ thường xảy ra ở người dân lao động vùng nông thôn do lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, thực tế bệnh này phổ biến tại các khu vực thành thị. Bệnh nhân chủ yếu là các lao động khuân vác nặng, làm việc trong môi trường ngồi một chỗ thời gian dài hay giới tài xế.
Bệnh nhân TVĐĐ cần điều trị như thế nào?
Thường có ba phương pháp điều trị: Điều trị bảo tồn, điều trị bằng mổ hở và điều trị ít xâm lấn hay còn gọi là vi sang thương. Việc điều trị bảo tồn dự phòng không thể coi nhẹ ngay cả các bệnh nhân đã được can thiệp bằng ngoại khoa (mổ hở, điều trị ít xâm lấn). Tuy vậy, các phương pháp điều trị bảo tồn như: Nghỉ ngơi, sử dụng các loại thuốc, châm cứu, vật lý trị liệu, thuỷ châm, nắm bóp không phải lúc nào cũng cho kết quả như mong muốn. Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, lúc đó bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp bằng phương pháp mổ hở hoặc ít xâm lấn.
Mổ hở là phương pháp phổ biến, được thực hiện đối với bệnh nhân TVĐĐ đầu tiên vào năm 1934 đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên phương pháp mổ hở ẩn chứa nhiều rủi ro và phá huỷ một phần cấu trúc cột sống. Hơn nữa, tâm lý người bệnh thường sợ phẫu thuật.
Cùng với sự phát triển của khoa học, một số phương pháp can thiệp ít xâm lấn được áp dụng như phẫu thuật nội soi, hoá dược tiêu nhân nhầy, hút cắt đĩa đệm qua da, thấu nhiệt bằng sóng radio và giảm áp lực đĩa đệm cột sống bằng laser.
Bác sĩ có lời khuyên nào cho người bệnh TVĐĐ?
Những người nhận thấy có nguy cơ bị TVĐĐ cần phải điều trị dự phòng sớm thông qua chế độ dinh dưỡng, luyện tập, sinh hoạt với phương châm: Sống khoẻ sống đẹp. Nhất là các bạn trẻ, không nên ngồi một tư thế quá lâu, thực hiện chế độ vận động, thể dục hợp lý lồng ghép vào hoạt động sinh hoạt, công việc hàng ngày.
Còn đối với bệnh nhân TVĐĐ, phải điều trị từ sớm bằng các phương pháp điều trị bảo tồn. Nên nhớ bệnh càng nặng càng khó điều trị. Nên chọn phương pháp điều trị ít gây biến chứng. Sau khi điều trị bằng các phương pháp trên, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị phục hồi chức năng cho dứt điểm, tránh tình trạng tái phát.
Bác sĩ có thể so sánh phương pháp mổ hở và dùng tia laser?
Phương pháp toa laser khá hiệu quả, có nhiều ưu điểm như: Ít xâm lấn, không phải phẫu thuật. Người bệnh chỉ cần gây tê tại vùng điều trị là đủ. Trong quá trình điều trị, người bệnh vẫn tỉnh táo. Không tạo sẹo, không gây xơ dính thần kinh, không làm mất vững cột sống. Những người già, người có bệnh mãn tính vẫn có thể áp dụng. Sau khi điều trị, người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường, không phải nằm nghỉ dưỡng như trường hợp mổ hở. Mặt khác có thể thực hiện cùng lúc ở nhiều tầng, nhiều vị trí cách xa nhau mà không cần truyền máu, không sợ bị nhiễm trùng. Điểm tiêu cực là phương pháp dùng tia laser chống chỉ định khi khối thoát vị quá lớn dễ gây chèn ép tủy hoặc các biến chứng khác.
Xin cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!
PGS.TS.BS Trần Công Duyệt tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1968. Từ năm 1967 - 1974 là bác sỹ Quân y của Sư đoàn 304 phục vụ tại chiến trường Quảng Trị với cương vị Tiểu đoàn trưởng quân y. Năm 1974 - 1980 là nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Ngoại khoa Tim mạch Moscow - Liên xô. Ông từng giữ chức chủ nhiệm khoa y học Laser và y học thực nghiệm tại Viện Quân y 108 - Hà Nội. Từ năm 1989 – 2008 đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện vật lý y sinh học thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng. Hiện nay BS Duyệt là Viện trưởng Viện Ngoại khoa Laser TP.HCM, Chủ tịch Hội Laser y học và Laser Ngoại khoa TP.HCM.