“Bạn gái tôi là sếp” là bộ phim chuyển thể từ kịch bản Thái Lan, ATM Erak Error (ATM: Lỗi tình yêu). Tại Thái Lan, ATM Erak Error đã rất thành công. Khi chuyển thể sang phiên bản Việt, đạo diễn Hàm Trần đã Việt hóa kịch bản một cách nhuần nhuyễn, tạo nên sự duyên dáng, hài hước nhưng tiết chế cái “nhảm”. Đó chính là lý do khiến phim được khán giả yêu thích, luôn cháy vé, cán mốc 16 tỉ đồng với gần 230.000 lượt người xem chỉ trong 4 ngày công chiếu.
Trước đó, thị trường điện ảnh đã ghi nhận một số trường hợp phim Việt chuyển thể từ kịch bản ngoại và gặt hái thành công vang dội. Tiêu biểu nhất phải kể đến “Em là bà nội của anh”, tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Phan Đăng Di. Được chuyển thể từ kịch bản bộ phim Mss Granny (Ngoại già tuổi 20) ăn khách của Hàn Quốc, “Em là bà nội của anh” nhanh chóng được khán giả Việt Nam yêu thích, tạo một cơn sốt có lẽ là “dài hơi” nhất trong lịch sử phim điện ảnh giải trí. Bộ phim sau đó cán mốc trên 100 tỉ đồng, trở thành phim Việt đoạt kỉ lục doanh thu cao nhất, và liên tục công chiếu tại cộng đồng người Việt trên các nước. Trước đó, “Tèo em”, bộ phim hài của đạo diễn Charlie Nguyễn cũng được Việt hóa từ kịch bản phim ngoại Due Date và gặt hái được thành công lớn với doanh thu cao ngất, phá vỡ các kỉ lục phòng vé thời điểm ấy. Hiện, một bộ phim được Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc đang được thực hiện là “Sắc đẹp ngàn cân”. Bộ phim đang được kì vọng sẽ thành công vang dội như các phim Việt hóa trước đó.
Có thể thấy, đạo diễn Việt không ít người tài năng, thể nhưng, bởi “lỗi kịch bản”, điểm yếu mà rất nhiều phim gặp phải, nên nhiều phim thất bại ngay từ khi chưa ra mắt, hoặc nhiều phim thành công, nhưng khán giả vẫn phải “nhặt sạn”. Bộ phim “Nắng” công chiếu năm 2016, vấp phải tranh cãi có phải là bản Việt hóa của phim Hàn Quốc nổi tiếng “Điều kì diệu ở phòng giam số 7” hay không, và cuối cùng được “minh oan” là chỉ lấy chút ý tưởng chứ không sao chép kịch bản. Tuy nhiên, đồng thời khán giả cũng đưa ra các so sánh, chính bởi chỉ lấy chút ý tưởng, cho nên có sự khác biệt rất lớn: “Điều kì diệu ở phòng giam số 7” kịch bản rất logic, “nhuyễn” và hay, còn kịch bản “Nắng” thì chắp vá, lỗ chỗ, không ít “sạn”, nhờ vào diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên kì cựu mới “cứu” được phần nào bộ phim.
Tất nhiên, phim Việt kịch bản ngoại không phải là vị cứu tinh cho tất cả các nhà làm phim, vẫn có một số phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài nhưng không chút tiếng vang, như trường hợp của phim “Bộ ba rắc rối” (từ kịch bản The Hangover), “Không nói được” (từ kịch bản “Vị thần tình yêu” của Thái Lan)… Vì thế, kịch bản ngoại cho phim Việt chỉ có thể là giải pháp an toàn và “sinh lợi” khi kịch bản được nhào nặn bởi bàn tay khéo léo của các đạo diễn tài năng. Điều quan trọng là đem cái hay sẵn có của kịch bản nước ngoài, biến thể cho phù hợp với văn hóa, lối sống Việt, cộng với cái tài của đạo diễn, diễn xuất tốt của diễn viên, thì kịch bản ấy mới thăng hoa được.