Vì sao bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vụ trưởng Giáo dục đại học cho biết, Bộ Giáo dục sẽ bỏ xét tuyển sớm vì phương thức này chỉ có lợi cho những học sinh yếu, không đúng mục tiêu ban đầu đề ra.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hiện nay, dù xét tuyển sớm thì thí sinh vẫn phải nhập tất cả các nguyện vọng lên hệ thống theo kế hoạch của đợt xét tuyển chung, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cuối cùng, thí sinh chỉ đỗ ở một nguyện vọng duy nhất, vào một trường duy nhất. Trong khi đó, việc xét tuyển sớm tốn kém nhiều nguồn lực của các trường. Thí sinh cũng mất nhiều thời gian, chi phí để đăng ký hồ sơ vào các trường, dù điều đó có thể giải quyết được một phần áp lực tâm lý.

Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh sớm (như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) là để tuyển được thí sinh vượt trội, tài năng. Nhưng việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện lại phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường. Thậm chí, lâu nay việc xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có khả năng tham gia kỳ thi riêng, không có điều kiện thi các chứng chỉ.

"Sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm. Khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển, như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng… Hiện nay, hệ thống chung của Bộ đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ việc xét tuyển đại học ở mọi phương thức", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thông tin.

Bên cạnh những điểm mới về quy định của Bộ GD&ĐT, năm 2025 cũng có nhiều điều chỉnh trong phương án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như biến động về chỉ tiêu giữa các phương thức, mở thêm ngành học mới; thay đổi tổ hợp xét tuyển.

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%). Theo kế hoạch tổ chức thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 mà nhà trường công bố, kỳ thi tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có 3- 4 kíp thi tại 30 điểm thi.

Tại Đề án tuyển sinh vừa công khai, năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân mở hai ngành mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Trường ổn định 3 phương thức tuyển sinh là: kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng. Đáng lưu ý, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường xét tuyển theo 4 tổ hợp, gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, riếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh). So với kỳ tuyển sinh năm 2024, trường đã dừng tuyển sinh một số tổ hợp.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển. Trường không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) và D07 (toán, hóa, tiếng Anh) mà dùng 2 tổ hợp truyền thống là A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh); đồng thời bổ sung thêm 2 tổ hợp mới, gồm: toán, tiếng Anh, tin và toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cùng với đó, trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng phương thức; trong đó xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% chỉ tiêu), xét điểm thi đánh giá năng lực (tối đa 40-60%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 30-50%).

Trong xu thế mở ngành mới, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến mở ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế. Cùng với việc mở ngành, trường này cũng tăng 800 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên hơn 4.000 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, nhiều trường tuy chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nhưng cho biết sẽ bỏ phương thức xét học bạ; hoặc nếu có xét học bạ sẽ sử dụng kết quả học tập của 6 kỳ thay vì 4 kỳ như trước đây và giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ xuống rất thấp.

Như vậy, có rất nhiều điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2025. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh chính thức, thí sinh có thể chủ động tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông chính thống hoặc trực tiếp tìm hiểu, cập nhật đề án tại website của các trường đại học mình quan tâm. Thí sinh cần đọc đầy đủ, chi tiết phương án, không bỏ qua các lưu ý và tiêu chí phụ của nhà trường để bảo đảm tối ưu cơ hội trúng tuyển.

Đọc thêm