Vì sao Chanel No.5 là huyền thoại về nước hoa

(PLO) - Mùi hương khiến mọi thế hệ phụ nữ mê đắm được chiết xuất từ những bông hoa tốt nhất ở cánh đồng Rose De Mai nổi tiếng của Provence, Pháp.
Vì sao Chanel No.5 là huyền thoại về nước hoa
Năm 1921, Coco Chanel cho ra đời một mùi hương mang tính cách mạng trong lịch sử thời trang. Suốt hơn 94 năm ngự trị, Chanel No. 5 luôn nằm trong danh sách mẫu nước hoa đắt đỏ bán chạy nhất, là mùi hương biểu tượng của tầng lớp thượng lưu, nhất là phái đẹp. Nhà mốt Chanel ước tính cứ 55 giây trên thế giới lại có một chai Chanel No. 5 được bán. Theo số liệu của Independent, chỉ tính riêng tại thị trường Anh năm 2012, nhà mốt đã thu về 460 triệu bảng (tương đương hơn 15,8 nghìn tỷ đồng) từ doanh số bán Chanel No. 5.
Để sở hữu chai chất lỏng màu nâu vàng, các "thượng đế" phải chi trung bình 100 - 200 USD (khoảng 2 đến 4 triệu đồng) tùy vào độ tinh khiết. Một số phiên bản "Limited" của mùi hương này có giá lên tới hàng nghìn USD, ví dụ Chanel No. 5 Grand Extrail là 2.100 USD (khoảng 47 triệu đồng) cho hơn 200 ml và 4.200 USD (gần 95 triệu đồng) cho 900 ml.
Bí ẩn tạo nên sức hút cho mẫu nước hoa gần 100 tuổi luôn là câu hỏi khiến nhiều người tò mò.
Phát minh bởi bậc thầy nước hoa và nhà tiên phong về thời trang
Đầu thập niên 1920, sau khi gặt hái nhiều thành công trên thị trường may mặc, Coco Chanel bắt đầu nghĩ đến việc tấn công vào thị trường mỹ phẩm. Sau một buổi gặp gỡ với một công tước Nga cùng vợ chồng họa sĩ Tây Ban Nha tại Monte Carlo (Pháp), bà đã nhen nhóm ý tưởng phải phát minh ra ngay một mùi hương là sự kết hợp giữa nét cổ điển của Pháp, thượng lưu của Nga và sự bay bổng, hiện đại của Tây Ban Nha. Ý tưởng ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi người tình của Coco Chanel là đại công tước Nga Dmitri Pavlovich giới thiệu bà với Ernest Beaux - một bậc thầy về nước hoa ở bờ biển Riviera, Pháp.
Ernest Beaux thời đó làm việc cho A. Rallet & Co, một công ty nước hoa nổi tiếng trong giới hoàng gia Nga về khả năng tạo nên những mùi hương "chết người". Một trong số hương thơm đình đám nhất khi ấy được Hoàng hậu Nga Alexandra Feodorovna vô cùng yêu thích là Rallet O-De-Kolon No.1 Vesovoi (gọi tắt là Rallet No. 1) - mùi hương kết hợp giữa hoa hồng và nhài.
Hình ảnh nàng Marilyn Monroe gợi cảm trên giường với chai nước hoa Chanel No. 5 trở thành biểu tượng về đẳng cấp và sự quyến rũ một thời. Ảnh: Pinterest.
Hình ảnh nàng Marilyn Monroe gợi cảm trên giường với chai nước hoa Chanel No. 5 trở thành biểu tượng về đẳng cấp và sự quyến rũ một thời. Ảnh: Pinterest. 
Khi hợp tác, Ernest Beaux được huyền thoại thời trang liên tục nhắc nhở rằng: "Tôi muốn tạo ra một loại nước hoa mang mùi đặc trưng của phụ nữ. Tôi muốn trao cho phụ nữ một mùi hương nhân tạo. Nhân tạo theo ý tôi ở đây là được tổng hợp từ nhiều loại hương liệu khác nhau".
Chanel No. 5 ra đời vào cuối hè, đầu thu 1920, chỉ vài tháng sau khi Ernest Beaux nhận đơn hàng từ Coco Chanel. Nó dựa trên mùi hương cơ bản của Rallet No. 1. Để tạo ra thứ chất lỏng huyền thoại này, ông đã tổng hợp 80 loại hương liệu khác nhau. Nhưng mùi hương cơ bản của Chanel No. 5 là sự góp mặt của 5 nguyên liệu chính: hoa hồng, hoa nhài xứ Grasse, hoa cam đắng (neroli), gỗ đàn hương và aldehyde
Ngoài nước hoa số 5, Ernest Beaux phát minh ra các loại hương thơm khác được đánh số tương ứng từ 1 - 4 và 20 - 24. Tuy vậy, chỉ có duy nhất một mùi hương được Coco Chanel lựa chọn. Trong buổi ra mắt công chúng năm 1921, bà đã chọn luôn tên gọi cho chất lỏng huyễn hoặc này là Chanel No 5. "Tôi giới thiệu các thiết kế của mình vào ngày 5/5. Vì vậy, chúng tôi để mẫu nước hoa số 5 này giữ đúng cái tên vốn có, nó ẩn chứa sự may mắn", Coco giải thích.
Ban đầu, Chanel No. 5 được trao miễn phí cho mọi khách tới cửa hàng quần áo của Chanel. Phòng thử đồ tại đây cũng được xịt loại nước hoa này để gây ấn tượng với các "thượng đế". Đến cuối Chiến tranh thế giới thứ II năm 1945, Chanel No. 5 đã trở thành nước hoa bán chạy nhất thế giới. Hình ảnh những chàng lính Mỹ đứng xếp hàng dài trên phố Cambon, Paris để mua nước hoa cho vợ trước khi về nhà trở thành dấu ấn khó phai trong lịch sử thời trang lúc bấy giờ. Với giá bán khoảng 300 USD cho khoảng 30 ml nước hoa, Chanel No. 5 trở thành "quái vật" trong làng hương liệu thời đó.
Vào thập niên 1950, hai họa sĩ nổi tiếng Andy Warhol và Salvador Dali biến mùi hương huyền thoại trở thành cảm hứng cho tác phẩm của mình. Hình ảnh nàng Marilyn Monroe gợi tình trên giường, không mặc thứ gì ngoài mùi hương phù phiếm của nhà mốt Pháp khiến cho tên tuổi của Chanel No. 5 bước lên một đẳng cấp mới. Đến cuối những năm 1950, với những gì gặt hái được, chai nước hoa huyền thoại của Chanel được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Mỹ cho trưng bày như một cách tôn vinh.
Quy trình sản xuất tinh vi
Chanel No. 5 được tạo ra không phải là sự kết hợp tạp nham giữa các loài hoa, xạ hương. Trước khi sở hữu những giọt tinh chất thơm tho ấy, Coco Chanel, Ernest Beaux cùng các đồng sự cũng đã phải tốn không ít công sức để nắm trong tay những nguyên liệu tốt nhất.
Hai nguyên liệu chính của Chanel No. 5 là hoa hồng và nhài chỉ được lấy gần như duy nhất từ các cánh đồng hoa Rose De Mai ở quận Grasse thuộc xứ Provence, Pháp. Hai loại hoa này ở đây được đánh giá cao nhất về mùi hương.
Tuy vậy, nhà mốt Pháp không đặt hàng vô tội vạ. Chanel chỉ chấp nhận nhập hoa từ họ nhà Muls - một gia tộc sở hữu những cánh đồng hoa lớn nhất quận Grasse. Mỗi năm, họ phải cung cấp từ 50 tấn hoa hồng và 20 tấn hoa nhài cho nhà sản xuất. Các chuyên gia cho biết cứ mỗi 350 - 400 bông hoa, nhà mốt sẽ có khoảng 1 kg cánh hoa để làm hương liệu.
Những bông hoa tốt nhất được chắt lọc từ cánh đồng Rose De Mai để tạo nên chai nước hoa Chanel No. 5 đình đám. Ảnh: Blogspot.
 Những bông hoa tốt nhất được chắt lọc từ cánh đồng Rose De Mai để tạo nên chai nước hoa Chanel No. 5 đình đám. Ảnh: Blogspot.
Christopher Sheldrake, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Chanel, cho biết số lượng hoa nhài mà hãng mua chiếm một phần ba thế giới. Mỗi lần mua, thương hiệu Pháp lấy số lượng đủ dùng cho cả năm chứ không phải theo mùa. Tất cả được cất trữ trong nhà máy của Chanel nằm ở phía Bắc nước Pháp. Những năm gần đây, giá hoa nhài ở Grasse tăng từ 7-10 lần so với bình thường nên nhà mốt buộc phải tìm các nguồn cung cấp khác từ Ấn Độ và Ai Cập. Tuy nhiên, Chanel kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ.
"Mỗi năm, chúng tôi chỉ đưa ra một danh sách cố định nhà cung cấp. Họ phải gửi cho hãng mẫu thử để kiểm nghiệm. Chúng tôi đánh giá các mẫu thử ấy giống như cách các công ty sản xuất rượu thử nguyên liệu", ông giám đốc cho biết.
Một trong yếu tố điều làm nên sự đặc biệt của Chanel No. 5 là aldehyde. Đây là hương liệu nhân tạo đầu tiên được sử dụng trên nước hoa. Nó là một hợp chất hóa học hữu cơ gốc rượu, có tác dụng kích thích phát huy mùi hương của nước hoa. Tuy vậy, liều lượng các hương liệu tự nhiên và nhân tạo chứa trong chai nước hoa nổi tiếng của thương hiệu Pháp không phải dễ bắt chước. Theo ông Christopher Sheldrake, công thức gốc của Chanel No. 5 hiện chỉ có ba người - là những nhân vật cấp cao của hãng - nắm rõ.
Những biểu tượng về phong cách như Gisele Bundchen được Chanel tận dụng tối đa để làm gương mặt đại diện cho dòng nước hoa huyền thoại. Ảnh: Chanel.
Những biểu tượng về phong cách như Gisele Bundchen được Chanel tận dụng tối đa để làm gương mặt đại diện cho dòng nước hoa huyền thoại. Ảnh: Chanel. 
Bậc thầy về marketing
Để giữ vị trí huyền thoại xuyên một thế kỷ, Chanel No. 5 không chỉ nhờ đến những tinh hoa sáng tạo mà còn vì chính sách quảng bá lão luyện của nhà mốt qua các thời kỳ. "Phụ nữ không dùng nước hoa thì không có tương lai" - tuyên ngôn của Coco Chanel gần như trở thành bài học thuộc lòng cho các thế hệ phái đẹp mỗi khi bước xuống phố.
Suốt hơn 100 năm, trong mỗi chiến dịch quảng cáo, Chanel lại đưa ra một hình tượng người phụ nữ thay đổi tương ứng với thời đại nhưng lại cầm trên tay một chai nước hoa duy nhất. Tất cả như khẳng định sự trường tồn của thứ tinh chất màu nâu vàng đầy mê hoặc ấy. Đó là một Gabrielle Chanel (Coco Chanel) quyết liệt vào những năm 1937, Marilyn Monroe gợi cảm vào 1952, Suzy Parker yêu kiều những năm 1957, Catherine Deneuve tươi mới vào 1972, Carole Bouquet sexy năm 1997, Nicole Kidman quyến rũ vào những năm 2004, và sau này là Gisele Bundchen.
Với sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường thời trang, các nhà mốt đua nhau cho ra đời những loại nước hoa mới với nhiều biến tấu, thử nghiệm hơn. Dù vậy, với hương thơm tinh tế cùng triết lý về phong cách sống mà Chanel "gieo rắc" cho những người sùng bái, No. 5 chưa phải lo lắng đến việc phải bước xuống ngai vàng trong thế giới của những mùi hương.