1. Khối Euro có thể bị kiện?
Do chính phủ Hy Lạp không muốn bỏ đồng euro, khối euro sẽ khó có thể trục xuất một thành viên bất chấp ý muốn ở lại của thành viên này. Sự chia tay như vậy sẽ diễn ra một cách hết sức “thô bạo”, và Hy Lạp có rất nhiều lý do để kiện khối euro.
Trong kịch bản “dã man” nhất, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cúp ngay lập tức nguồn cung cấp thanh khoản cuối cùng cho các ngân hàng Hy Lạp. Hành động này sẽ tạo ra một sự sụp đổ tức thời của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Hy Lạp.
2. Điều gì sẽ xảy ra cho các ngân hàng Hy Lạp?
Nếu không có thỏa thuận chính trị với Hy Lạp trên chương trình cải cách, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ ngừng hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp, và nguy cơ hỗn loạn bùng lên.
Để giúp các ngân hàng của mình tồn tại, Hy Lạp khi đó có thể tài trợ bằng cách phát hành một loại tiền tệ song song với đồng euro. Điều này sẽ cho pháp các ngân hàng Hy Lạp tái cơ cấu vốn - điều kiện tiên quyết cho họ mở cửa hoạt động trở lại. Công việc đó của chính phủ sẽ được tiến hành song song với việc quốc hữu hóa bốn ngân hàng lớn của Hy Lạp (Alpha Bank, Piraeus Bank, Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp và Eurobank).
Bốn ngân hàng này đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của Quỹ Ổn định Tài chính Hy Lạp (FHSF) và bộ ba chủ nợ của Hy Lạp vào năm 2012.
3. Dân chúng ảnh hưởng ra sao?
Cơn chấn động của việc Hy Lạp rời khỏi vùng euro đối với dân chúng còn tệ hại hơn những gì mà họ đã chịu đụng trong những năm qua. Kinh tế Hy Lạp có thể bị suy thoái với mức hơn 10% trong nhiều năm.
Đã có gần 4 triệu người Hy Lạp, tức là một phần ba dân số, sống dưới ngưỡng nghèo khó vào năm 2013. Họ đã phải “liệu cơm gắp mắm” với thu nhập dưới 4.068 euro/năm.
Chính sách kiểm soát vốn đã gây xáo trộn không ít trong đời sống kinh tế Hy Lạp do việc giảm nhập khẩu, từ thuốc men cho nhà thương, thức ăn gia súc cho nông dân, cho đến các sản phẩm tiêu dùng trong các cửa hiệu. Ngay cả các tờ báo cũng phải giảm trang vì thiếu giấy. Nếu rời khỏi khối euro, tình hình còn có thể tồi tệ hơn.
4. Các nước sẽ phải trợ giúp "nhân đạo"
Trước khi có thể tái lập một thế cân bằng nào với một đồng tiền mới bị mất giá, Hy Lạp, nước vốn nhập khẩu phần lớn các loại nhu yếu phẩm (thuốc men, năng lượng), với cán cân thương mại luôn thiếu hụt, sẽ cần được trợ giúp để đáp ứng những nhu cầu sơ đẳng.
5. Hậu quả trên mặt địa chính trị?
Hy Lạp không đơn thuần là những con số về nợ công và tăng trưởng. Châu Âu sẽ “mất uy tín” vì mang tiếng “bỏ rơi Hy Lạp”.
Một hồ sơ quan trọng khác liên quan đến Hy Lạp: Vấn đề di dân, nhập cư bất hợp pháp vào các quốc gia Châu Âu. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa được công bố, thì ngày càng có nhiều người vượt Địa Trung Hải chọn ngả Hy Lạp thay vì chọn đường ở chính giữa và qua ngả nước Ý. Hơn bao giờ hết, Châu Âu cần đến Hy Lạp để quản lý vấn đề người xin tỵ nạn.
Một vấn đề khác nữa là trước tình hình bất ổn ở khu vực bờ biển phía Nam Địa Trung Hải, Hy Lạp là trọng tâm trong hệ thống bố phòng của NATO, cũng như của Mỹ, nước có một căn cứ cho hạm đội 6 ở Souda, Hy Lạp, không xa bờ biển Syria.
Nếu cộng thêm vào yếu tố ổn định của Hy Lạp trước các láng giềng vùng Balkan luôn bất ổn, thì việc cần phải duy trì Hy Lạp trong Liên Hiệp Châu Âu là tất yếu.
6. Các chủ nợ sẽ bị “quỵt” tiền?
Nếu bị “đuổi” ra khỏi vùng euro, khó có khả năng là Hy Lạp sẽ thanh toán các món nợ mà 80% là nợ công. Chỉ riêng các nước thành viên của khu vực đồng euro và Quỹ Ổn định châu Âu (EFSF) hoạt động dưới sự bảo đảm của chính các nước này, hiện đang nắm giữ 131 tỷ euro công trái Hy Lạp, tức là một nửa trên tổng số nợ. Phần còn lại ở trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từng rất ít khi bị quỵt nợ.
Điều tốt nhất là chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ có thể đạt được một thỏa thuận về việc xóa nợ. Một chuyên gia giải thích: “Nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ toàn diện đối với Hy Lạp, thì các bên sẽ phải đối mặt với nhiều năm tranh cãi pháp lý”. Do đó, có rất nhiều khả năng là ngay sau ngày Hy Lạp rời bỏ vùng euro, các chủ nợ và con nợ sẽ lại ngồi vào bàn để thương lượng một kế hoạch tái triển hạn món nợ Hy Lạp.
7. Gây tốn kém cho các thành viên trong khối
Nếu Hy Lạp bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro, chi phí sẽ cực kỳ nặng nề cho các nước còn lại. Một nghiên cứu gần đây của ngân hàng RBS cho thấy là phí tổn của việc này có thể lên đến 237 tỷ euro, tương đương với 2,3% GDP của khu vực đồng euro. Để so sánh, việc giảm nợ cho Hy Lạp từ mức 180% GDP hiện nay xuống còn 100% GDP sẽ “chỉ” tốn 140 tỷ euro mà thôi.
Và có thể vì những lý do nêu trên, Hy Lạp đã không ra đi. Tổng thống Pháp Francois Hollande sau cuộc đàm phán, đã khẳng định thỏa thuận giúp châu Âu “bảo toàn sự toàn vẹn và đoàn kết”. “Chúng tôi cũng cho thấy châu Âu có khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng đã diễn ra tại Eurozone trong nhiều năm”, ông Hollande tuyên bố./.