Vì sao Đề án "dạy ngoại ngữ quốc gia" tốc độ "rùa"?

 Sau 3 năm thực hiện, đề án dạy ngoại ngữ quốc gia vẫn đang trong quá trình đào tạo lại và đào tạo mới nguồn giáo viên. Mục tiêu đa số thanh niên thông thạo ngoại ngữ vào năm 2020 vẫn còn rất xa vì đề án vẫn còn đang xây dựng từ... gốc.

Sau 3 năm thực hiện, đề án dạy ngoại ngữ quốc gia vẫn đang trong quá trình đào tạo lại và đào tạo mới nguồn giáo viên. Mục tiêu đa số thanh niên thông thạo ngoại ngữ vào năm 2020 vẫn còn rất xa vì đề án vẫn còn đang xây dựng từ... gốc.

 

Nghe, nói vẫn... “điếc”

Năm 2008, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đọan 2008-2020” được phê duyệt với mục tiêu: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ... để đến năm 2015, đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ. Đến năm 2020, thanh niên tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập trong học tập và làm việc, coi đây là thế mạnh của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Tất cả các bạn bè quốc tế khi làm việc với Ban quản lý Đề án đều cho rằng mục tiêu của nó thực sự khá cao và đầy tham vọng. Còn 4 năm để có bước tiến rõ rệt và 9 năm để thanh niên Việt Nam sử dụng tốt ngoại ngữ. Nhưng cho đến hôm nay, điểm xuất phát còn... chơi vơi(!) khi mới có 45/63 tỉnh thành xây dựng được đề án cụ thể cho địa phương mình, 18 tỉnh/thành khác thì vẫn nợ”.

Đồng thời, theo kết quả đánh giá của các tổ chức như Hội đồng Anh, Trung tâm giáo dục Apollo cung cấp về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát thì học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc nhưng lại xếp thứ gần bét (18-19/20) về khả năng nghe nói. Ngay một số thành phố lớn đã thực hiện việc dạy tiếng Anh tăng cường trong hơn 10 năm qua như: TP.HCM, Đà Nẵng... khi tham gia Đề án dạy ngoại ngữ năm 2020 đã có nhiều thuận lợi về đội ngũ giáo viên.

Thế nhưng, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, khi tham gia Đề án, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn còn hạn chế như phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn lạc hậu dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, trong quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh tiểu học, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương, thù lao cho giáo viên tiếng Anh tiểu học còn bất cập. Giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy học tiểu học nhưng những quy định về trình độ và mức lương chưa tháo gỡ được nên không thu hút được số giáo viên này. Thế mới có tình trạng thừa nhân lực trình độ cao nhưng lại thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.

Học chỉ để... thi

Từ thực tế các địa phương, nhiều chuyên gia phản ánh khá sinh động bức tranh dạy và học ngoại ngữ ở các trình độ và vùng miền khác nhau. Theo đó, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ còn rất thiếu, nhà trường vẫn chưa tạo động lực học ngoại ngữ cho học sinh, nhất là ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, giáo trình dạy tiếng Anh ở cấp phổ thông hiện nay còn nhiều lạc hậu, thiếu hẳn yếu tố giao lưu, giao tiếp, tranh luận mà đang nghiêng nhiều theo hướng hàn lâm, câu chữ, ngữ pháp khô khan, học sinh thi xong là không muốn học ngoại ngữ nữa.

Theo ông Lương Văn Cầu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương thì cho đến nay, đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trong tỉnh đã đủ về số lượng, với 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Nhưng hạn chế là giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau. Số lượng giáo viên được đào tạo chính quy từ các cơ sở đào tạo về ngoại ngữ có chất lượng còn thấp. Số lượng lớn giáo viên được đào tạo theo hình thức không chính quy, hoặc giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh... Do đó, năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của một bộ phận lớn giáo viên còn hạn chế.

Thừa nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, khó khăn trước mắt còn nhiều nhất là khâu đào tạo và bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Trong khi đó, số lượng giáo viên tham gia đề án rất lớn, lên đến gần 80.000 người.

Không chỉ khó khăn về giáo viên, cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải. Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để dạy ngoại ngữ rất cần các thiết bị hỗ trợ nhưng tại các trường đều thiếu thiết bị nghe nhìn, băng đĩa. Học sinh chỉ nghe giáo viên nói trong khi giáo viên cũng nói tiếng Anh theo giọng của người Việt nên không hiệu quả. Cũng theo ông Cả, việc học đơn điệu khiến cho học sinh không hứng thú. Lớp học quá đông nên không hiệu quả. “Học sinh vẫn chỉ coi ngoại ngữ như là một môn học thông thường, học để thi, qua “cầu” là thôi” - ông Cả nói.

Và với tốc độ... rùa khi mà sau 4 năm thực hiện đề án, nhiều địa phương vẫn chậm rãi “ngoài vùng phủ sóng” thì xem ra mục tiêu vẫn còn ở rất xa...

Phê duyệt 3 năm mới cấp tiền

Một trong những nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là rà soát lại trình độ giáo viên để bồi dưỡng và nâng cao trình độ giáo viên đạt chuẩn theo khung trình độ châu Âu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề án được phê duyệt ngày 30/9/2008 nhưng đến tháng 6/2011 mới được cấp kinh phí hoạt động từ chương trình mục tiêu Quốc gia về GD&ĐT. Bộ đã vận dụng và huy động các nguồn vốn khác để có thể tiến hành phần công việc chuẩn bị cho Đề án và chính thức triển khai trong năm học 2010-2011.

Uyên Na 

Đọc thêm