Vì sao đề xuất 'cấm triệt để' người uống rượu bia chạy xe?

(PLO) - Trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến dư luận, đặc biệt nhấn mạnh tới việc quản lý nồng độ cồn trong máu/khí thở của người tham gia giao thông. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật, đã có những trao đổi với PLVN.
Ông Nguyễn Huy Quang.

Siết chặt kiểm soát nồng độ cồn 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Nghiên cứu trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép, 66,8% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Theo số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia.

Trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (gọi tắt là dự thảo Luật), Ban soạn thảo đặc biệt nhấn mạnh tới biện pháp siết chặt nồng đồ cồn trong máu, khí thở người tham gia giao thông. 

Theo ông Quang, việc đề xuất siết chặt nồng độ cồn xuất phát từ thực trạng rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới độ tuổi 15-49.

Theo ông Quang, đa phần các nước trên thế giới quy định người đi xe máy đều không được có nồng đồ cồn trong máu, hơi thở. Còn ở Việt Nam, hiện quy định người chạy xe máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/l lít khí thở khi tham gia giao thông. Trong dự thảo Luật đưa ra thêm phương án tới đây người chạy xe máy không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở. 

Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cho rằng phương án đã có nồng độ cồn thì không được chạy xe là “mang tính tối ưu, thể hiện tính minh bạch, nhất quán trong phòng chống tác hại rượu bia”. 

Lý do nữa là quy định ngưỡng nồng độ cồn 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/l lít khí thở trước đây căn cứ theo các quan điểm cho rằng nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng trên thì con người không làm chủ hành vi bản thân, còn dưới ngưỡng chưa đến mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, theo ông Quang ngưỡng nồng độ cồn nói trên chưa hẳn phản ánh đúng thực tiễn vì thể trạng mỗi người một khác: “Có người uống ba chén không say nhưng có người chỉ uống một chén rượu đã say dù nồng độ cồn chưa chạm tới ngưỡng vi phạm”, ông Quang lập luận.

Theo ông Quang, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều chuyên gia đã cảnh báo “không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia”. “Hiện trên thế giới cũng chưa có một khái niệm chuẩn về “lạm dụng rượu bia” do có những sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia và tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng cá nhân, chủng tộc. Đồng thời, trong thực tế chưa lạm dụng thì việc sử dụng rượu, bia đã gây ra nhiều tác hại, nếu đến khi lạm dụng mới phòng chống thì đã quá muộn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, khó khắc phục hơn, không bảo đảm tính dự phòng”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng “nếu đã cấm thì cấm triệt để chứ để ngưỡng nồng độ cồn dễ phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm. Quy định này rất dễ bị vận dụng tùy tiện, ví dụ như vì cả nể mà lực lượng xử phạt bỏ qua vi phạm. Có tình trạng như vậy nên việc nâng cao ý thức người sử dụng rượu bia tham gia giao thông không đạt. Bên cạnh đó quy định ngưỡng nồng độ cồn còn đặt ra nhiều vấn đề như phương thức đo, dụng cụ đo chưa chắc đã chuẩn xác. 

Mặt khác phương án bỏ ngưỡng nồng độ cồn, theo ông Quang còn nhằm mục đích khiến cho người chạy xe ý thức được rằng dù có uống một giọt rượu bia đi nữa thì vẫn vi phạm. 

“Đây là văn bản xin ý kiến, Bộ Y tế chưa thiên về phương án nào, quyền quyết định cuối cùng là Chính phủ, Quốc hội”, ông Quang nói và cho rằng dù chưa có thống kê cụ thể nhưng thăm dò ý kiến nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng dự án Luật như người dân, các bộ, ngành, các sở y tế cho thấy nhiều người đồng ý với phương án hai, tức người chạy xe cứ một giọt rượu bia là vi phạm.

Xung đột lợi ích giữa sức khỏe - kinh tế

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia còn quy định một số biện pháp giảm tác hại của rượu, bia bằng điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia; quy định các biện pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia. Đồng thời dự thảo cũng quy định việc cấp phép mới, thay đổi địa điểm đối với cơ sở bán lẻ rượu, bia phải bảo đảm khoảng cách bán kính giữa các địa điểm không nhỏ hơn 500m, trừ các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, du lịch nhằm từng bước hạn chế việc bán lẻ rượu, bia tràn lan như hiện nay.

Ông Quang cho hay, việc phòng chống tác hại rượu bia đã có quy định rải rác ở một số văn bản nhưng chưa đồng bộ, không bảo đảm. Ví dụ như Luật Công chức quy định cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu bia vào buổi trưa, quy định cấm bán rượu bia trong quán karaoke; hay như quy định về nồng độ cồn trong máu, khí thở của Luật Giao thông đường bộ. Bởi vậy cần có quy định tổng thể, thống nhất. 

Cũng như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, theo ông Quang, dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang gặp vấn đề xung đột giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Nghĩa là càng đưa ra các biện pháp siết chặt thì càng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của các công ty kinh doanh rượu bia, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Nhiều phân tích cho thấy số tiền bỏ ra khám chữa bệnh liên quan tới rượu bia lớn hơn ngân sách thu được từ kinh doanh rượu bia. Trong xã hội hiện nay cần dung hòa lợi ích sức khỏe với lợi ích kinh tế, nhưng cần lấy lợi ích sức khỏe làm nền tảng mới đảm bảo phát triển bền vững. Điều này phù hợp với chủ trương tăng trưởng kinh tế đi kèm với an sinh xã hội”, ông Quang nêu quan điểm.

Mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu bia bằng việc kiểm soát để từng bước giảm cung và giảm cầu đối với rượu bia. Vì vậy, Luật này tiếp cận dưới góc độ y tế công cộng, không tiếp cận dưới góc độ thương mại. Tất cả các biện pháp giảm cầu và kiểm soát nguồn cung nhằm mục tiêu giảm tác hại rượu bia.  

Dự kiến tháng 7/2018, dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ được trình lên Chính phủ. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu “suôn sẻ”, dự án có thể được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2019.

Đọc thêm