Vì sao Dự án luồng tàu sông Hậu dư vốn “khủng”?

(PLO) - Trong kiến thiết cơ bản, thường chỉ nghe kêu ca thiếu hoặc hụt vốn, hiếm khi có chuyện dư ra. Nhưng, ở đây lại ngược lại khi đại diện chủ đầu tư - PMU Hàng hải (Bộ GTVT) mới  đây công bố, kết thúc giai đoạn 1 Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, vẫn còn dư khoảng 1.515 tỷ đồng. 
Ngày 20/11/2016, Bộ GTVT đã chính thức thông luồng kỹ thuật Dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu
Ngày 20/11/2016, Bộ GTVT đã chính thức thông luồng kỹ thuật Dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu

Tàu 2 vạn tấn đã qua luồng

Đây là một dự án trọng điểm của ngành GTVT, với mục tiêu xây dựng luồng cho tàu biển có tải trọng lên tới 1 vạn tấn (đầy tải) và tàu 2 vạn tấn (giảm tải) hàng hải ra, vào các cảng biển thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối vận tải và giao thương toàn vùng.

Được biết, sau khi phê duyệt, năm 2008 dự án chính thức khởi động bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng ít lâu sau, vì khó khăn về vốn nên Dự án luồng sông Hậu đã có tên trong danh sách các dự án phải dừng, giãn tiến độ. Tới năm 2014, công trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Theo đó, giai đoạn 1 (2013 - 2015) của dự án nhằm thực hiện nhiệm vụ thông luồng kỹ thuật, với khoản kinh phí đầu tư 7.555 tỷ đồng (gồm cả 929 tỷ đã thực hiện trước đó); giai đoạn 2 (2015 - 2017), với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành các hạng mục còn lại, với nguồn vốn khoảng 2.225 tỷ đồng.

“Trong giai đoạn đầu, dự án được chia thành 7 gói thầu xây lắp chính. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai xong toàn bộ các gói thầu xây lắp, với tổng giá trị thực hiện khoảng 3.931/3.978 tỷ đồng - đạt 99%”, ông Trần Anh - Tổng Giám đốc PMU Hàng hải cho hay.

Như đã viết, dù có thời điêm gặp nhiều khó khăn về vốn khiến tiến độ dự án bị gián đoạn, nhưng đại diện chủ đầu tư đã vượt qua và đến thời điểm này hoàn thành toàn bộ các gói thầu, trong đó có gói “xương” nhất - Gói 10A, với hạng mục thi công đê chắn sóng phía Nam, để kịp bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam quản lý, khai thác từ tháng 6/2016.

“Trước đó - ngày 20/1/2016, dự án đã chính thức thông luồng kỹ thuật theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT. Đến nay, tuyến luồng đã thông qua nhiều chuyến tàu lớn đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ”, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (PMU Hàng hải) Nguyễn Tất Nhâm thông tin.

Đặc biệt, ngày 24/10 vừa qua, tuyến luồng sông Hậu đã đón chiếc tàu Tân Cảng Pioneer chở 500 container có trọng tải 7.000 tấn; tiếp đó - ngày 18/11, chuyến tàu Vinalines Unity DWT 2 vạn tấn đã lưu thông an toàn từ biển qua kênh Quan Chánh Bố, sông Hậu vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) và từ cảng Cái Cui qua kênh Quan Chánh Bố đến Hải Phòng.

Vốn dư làm gì?

Điều đáng nói nhất ở dự án này là dù khó khăn nhưng vẫn “cán đích” đúng yêu cầu, lại còn dư vốn ngàn tỷ - khiến nhiều ngạc nhiên, bởi trong kiến thiết cơ bản, thường chỉ nghe kêu ca thiếu hoặc hụt vốn, hiếm khi có chuyện dư ra. Thế nhưng, ở đây thì lại ngược lại khi đại diện chủ đầu tư  mới  đây công bố, kết thúc giai đoạn 1, dự án này vẫn còn 1.515 tỷ đồng

“Có số dư nói trên là do sau rà soát lại khối lượng hợp đồng các gói thầu xây lắp, khối lượng nghiệm thu thực tế giảm so với khối lượng hợp đồng và điều chỉnh giảm giá nhiên liệu trong quá trình thi công. Ngoài ra, còn giảm giá trị hạng mục xây dựng khu tái định cư trong tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Những nội chung này chúng tôi thực hiện rất chặt chẽ, đúng chế độ Nhà nước”, đại diện PMU Hàng hải lý giải nguyên nhân còn số vỗn “khủng” chưa tiêu.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, tại hiện trường dự án - khu vực dọc kênh Quan Chánh Bố hiện hữu được thi công nạo vét với mái dốc m=6 trên nền địa chất tương tự như đoạn luồng kênh Tắt. Tuy nhiên, giai đoạn 1 chưa được bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống kè bảo vệ. 

“Nhu cầu tăng cường bảo vệ luồng kênh Quan Chánh Bố hiện hữu không bị sạt lở, đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ khu vực bờ Nam ngã ba sông Hậu và các điểm xung yếu dọc kênh Quan Chánh Bố hiện hữu là thật sự cần thiết, cấp bách để ổn định dân sinh dọc hai bên bờ kênh”, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (PMU Hàng hải) Nguyễn Tất Nhâm nói.

Vì vậy, để tăng cường độ ổn định và tính bền vững của công trình, PMU Hàng hải kiến nghị  Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng toàn bộ nguồn vốn dư của dự án khoảng 1.515 tỷ đồng để xây dựng kè xung yếu nhằm bảo vệ bờ khu vực bờ Nam ngã ba sông Hậu và dọc kênh Quan Chánh Bố hiện hữu với khoảng 18,2 km; đường kết nối từ tỉnh lộ 913 đến quốc lộ 53; xây dựng hệ thống đậu, neo tàu tại hai khu tránh tàu; hệ thống Hàng hải điện tử và Trung tâm quản lý hàng hải - VTS. 

Ngoài ra, cần bố trí vốn để triển khai công trình kết nối giao thông của 4 xã đảo thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh) trên QL53. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nghề cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. 

Hàng hóa có thể thông qua 22 triệu tấn/năm

Dự án này xây dựng luồng tàu biển cho tàu có mớn nước đến 8,0 m, trọng tải 1 vạn tấn (đầy tải); 2 vạn tấn (giảm tải). Đáp ứng thông qua lượng hàng tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và lượng hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến 2020 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các hạng mục chính đã thực hiện trong giai đoạn thông luồng kỹ thuật gồm: Nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ; nạo vét luồng biển và xây dựng công trình bảo vệ bờ; xây dựng đê chắn sóng phía Nam; xây dựng bến phà kênh Tắt và đường kết nối; nạo vét kênh Quan Chánh Bố và luồng sông Hậu và bố trí hệ thống phao tiêu, báo hiệu.

Đọc thêm