Vì sao không thể ồ ạt phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các nguồn điện không tăng được bao nhiêu nhưng nhu cầu sử dụng điện đều tăng khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Điều này sẽ gây ra thiếu hụt điện trong vài năm tới. Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu được xem là cơ hội để bù nguồn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, phát triển nguồn điện này như thế nào cho hợp lý lại là vấn đề khá lớn. PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) phát biểu tại hội nghị tham vấn về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) phát biểu tại hội nghị tham vấn về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

* Thưa ông, ĐMT được định danh là dạng năng lượng sạch, vậy vì sao không thể phát triển mạnh mẽ nguồn điện này?

- Trước hết phải nói rõ rằng, năng lượng là dạng vật chất không thể lưu trữ được, sản xuất ra bao nhiêu phải tiêu dùng bấy nhiêu. Trong điều kiện lý tưởng sản lượng điện trong hệ thống phải cân bằng với nhu cầu sử dụng (phụ tải điện). Trường hợp sản lượng điện lớn hơn phụ tải để lưu giữ điện chúng ta phải tích trữ vào những dạng nhiên liệu nhân tạo như pin, ắc quy, thủy điện tích năng…

ĐMT nói chung, ĐMTMN nói riêng có nhiều ưu điểm như chi phí lắp đặt và sản xuất điện rẻ, ĐMTMN lại gần như không tốn chi phí về diện tích lắp đặt, vì tận dụng được các mái nhà.

Tuy nhiên, ĐMT lại có những nhược điểm không khắc phục được như lệch pha giữa nhu cầu sử dụng và sản lượng điện. Cụ thể, thời điểm ĐMT đạt công suất phát cực đại thường vào buổi trưa và nửa đầu buổi chiều, nhưng khung giờ cao điểm lại rơi vào cuối giờ chiều (17-20h, trừ Chủ nhật). Chưa kể, ĐMT phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Ví dụ, hệ thống đang phát ở tải đỉnh xấp xỉ 100% công suất đặt, chỉ cần một đám mây mù bay ngang qua, hoặc cơn mưa bất chợt, thì công suất phát có thể về gần “0” chỉ trong vòng vài chục phút.

Đó là lý do vì sao việc phát triển ĐMT và ĐMTMN luôn phải song hành với việc cơ cấu lại các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện (than, khí, dầu) và tăng tính đáp ứng “thông minh, mềm dẻo” của điều độ hệ thống điện để đảm bảo an toàn toàn hệ thống lưới điện.

Ở Việt Nam, để ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện đang phải chạy ở chế độ non tải, nhưng đồng thời phải sẵn sàng lên lưới để bù tải vào giờ cao điểm khi ĐMT không có, dẫn tới hiệu suất thấp, giá thành sản xuất điện cao, độ bền của thiết bị giảm, gia tăng phát thải khí nhà kính cũng như các phát thải khác vào môi trường. Do đó, ĐMT nói chung đều phải được phát triển một cách phù hợp trong tổng thể quy hoạch điện quốc gia.

Ở Việt Nam, chỉ trong giai đoạn 2018-2022 tỉ lệ tổng công suất đặt của ĐMT so với tất cả các nguồn khác trong hệ thống đã tăng từ dưới 1% lên 20,5%. Sự tăng trưởng nóng này đã tạo áp lực rất lớn lên toàn hệ thống điện để đảm bảo an ninh, vận hành ổn định.

Mặt khác, phải nói rằng, tuy ĐMT có giá rẻ, nhưng xét tổng thể trong toàn hệ thống điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất và vận hành toàn hệ thống, do làm giảm hiệu suất, tăng suất tiêu hao nhiên liệu, chi phí vận hành, tăng phát thải cho các nhà máy nhiệt điện vốn dùng để chạy tải nền, nay lại phải chạy lái theo điện tái tạo. Việc này cũng giống như các xe buýt vốn chỉ chạy theo tuyến và chở được đông người nhưng nay lại phải chạy vòng đón thêm các khách lẻ, làm tiêu tốn nhiều nhiên liệu, tăng nguy cơ mất an toàn cho cả mạng lưới giao thông.

* Vậy theo ông, nên phát triển ĐMTMN ở mức độ như thế nào cho phù hợp?

- Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về cơ chế cho ĐMTMN tự sản tự tiêu. Chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích việc phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu để giảm áp lực phải tăng nguồn phát, từ đó đảm bảo nhu cầu điện của xã hội đặc biệt trong mùa nắng nóng, cũng như huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thị trường điện.

Nhưng, việc đấu nối ĐMTMN vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên tạm thời dừng ở việc bổ sung lượng điện thiếu hụt khi ĐMT không tự sản xuất ra điện, chứ không nên mua bán trong giai đoạn trước mắt (khoảng 5 năm), để các bên liên quan có thể có sự điều chỉnh.

Tuy nhiên, rất nên khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu trong các khu công nghiệp. Do đó, theo tôi, nên bổ sung nội dung về sử dụng trao đổi ĐMTMN không đấu nối vào lưới tại các khu công nghiệp và các cụm dịch vụ thương mại (nạp xe điện) trong Nghị định về phát triển chính sách ĐMTMN tự sản tự tiêu.

Bên cạnh đó cũng nên có khuyến khích ở vùng sâu vùng xa và vùng cần phát triển điện tái tạo để bù nhu cầu khi lưới điện quốc gia chưa tới hoặc khó đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải; Có cơ chế khuyến khích ĐMTMN đi kèm theo hệ thống tích trữ năng lượng để tối đa giảm sự phụ thuộc điện lưới; Khuyến khích không giới hạn ĐMTMN có thiết bị lưu trữ không bán điện dư lên lưới…

Đọc thêm