Vì sao ngày càng gia tăng các vụ “con kiến đi kiện củ khoai”?

(PLO) - Trong tháng 5/2018, ít nhất có 4 vụ người dân kiện ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Tại Cà Mau, ngay đầu tháng 12 này, TAND tỉnh cho biết đã thụ lý vụ án hành chính của nguyên đơn Đỗ Minh Thống (kế toán Phòng khám đa khoa thị trấn Sông Đốc) kiện Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời. Tại sao các vụ án hành chính năm sau đều tăng hơn năm trước?
Vì sao ngày càng gia tăng các vụ “con kiến đi kiện củ khoai”?

Hơn 11.180 quyết định hành chính bị khiếu kiện!

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC), chỉ trong 3 năm  (2015-2017), cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án (chiếm gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính). Tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194, chiếm 10,67% tổng số khiếu kiện thụ lý.

Không chỉ ở Quảng Ngãi, Cà Mau, việc Chủ tịch UBND các tỉnh bị kiện ra toà đã trở thành chuyện…bình thường đối với dư luận. Tại Nghệ An, hồi tháng 8 năm nay, chị Nguyễn Thị Huyền (32 tuổi) cũng đã khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh ra toà, yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan đến gia đình chị.

Tại Hà Nam, tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam bị 18 hộ dân ở xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng khởi kiện liên quan đến dự án Khu nhà ở Trung Đông tại địa phương này. Cũng đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã thua kiện một người dân khi người này kiện vì bị ban hành quyết định giải quyết khiếu nại không phù hợp.

Trước đó, năm 2016, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc (Cty Kinh Bắc) đại diện là ông Nguyễn Văn Hải cũng khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh này vì cho rằng ban hành quyết định trái pháp luật đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản…

Bị kiện như “cơm bữa”, lãnh đạo “né” đến toà

Vừa qua Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát lại các văn bản pháp quy do các bộ, ban, ngành, địa phương đã ký ban hành. Qua rà soát, Bộ Tư pháp đã phát hiện thấy có hàng ngàn văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và trái pháp luật về nội dung. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn rất nhiều khó khăn cho hệ thống Toà án khi phải đứng ra xét xử các vụ án hành chính và khó khăn cả cho hệ thống thi hành án dân sự khi phải thi hành các bản án hành chính.

Trong khi đó, mặc dù đã “quen” hơn với việc bị dân kiện ra toà nhưng lãnh đạo các địa phương vẫn  có tâm lý tránh được vụ nào hay vụ đó, một là cáo bận, hai là cử cấp phó đi thay. Việc cử cấp phó đi thay là đúng quy định, nhưng có những cấp phó được cử đi lại không đúng chuyên ngành mà vụ kiện đặt ra, hoặc có vị đi đúng thẩm quyền nhưng không dám quyết, việc gì cũng phải về bàn bạc, trao đổi lại với tập thể.

Chia sẻ trước thực tế này, phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, mỗi năm ở TP.HCM, Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính. “360 ngày, ngày nào cũng xử thì mỗi ngày phải xử ba vụ, mỗi ngày phải có ba ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa. Rõ là không đủ người”. Do đó, Chánh án TANDTC cho rằng, để giải quyết được căn nguyên, gốc rễ của vấn đề này, thì ngoài trách nhiệm, còn phải có sự hợp lý của luật.

Theo khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...Điều 60 Luật TTHC được biểu quyết thông qua khi có đa số ĐBQH tán thành, tuy nhiên, ngay khi mới bắt đầu thi hành, một số địa phương đã yêu cầu phải sửa ngay.

Theo nhận định của ngành Toà án, Luật Tố tụng hành chính được sửa đổi và ban hành năm 2015 đã quy định rất rõ những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, quyền hạn, trình tự, thủ tục khởi kiện, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…và đã được nhân dân hưởng ứng và thi hành. Tuy nhiên, khi tiến hành thụ lý các vụ án hành chính, Tòa án các cấp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc ban hành các văn bản không đúng quy định của các cấp có thẩm quyền.


Đọc thêm