Vì sao ngựa trắng được tôn làm "Thành hoàng" đất Thăng Long?

(PLO) - Xen lẫn giữa nhộn nhịp phố phường, như một dấu lặng trầm mặc, là đền Bạch Mã (số 76 phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ trong hiện thân ngựa trắng linh thiêng, một trong “Thăng Long tứ trấn”, “Thành hoàng” của Hà Nội.
Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã
Truyền thuyết đánh bại mọi quỷ thuật của tướng giặc
Thủ từ đền Bạch Mã, cụ Trần Văn Sâm đã 90 tuổi nhưng giọng vẫn sang sảng khi kể về những thần tích ngôi đền. Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, còn lưu giữ bức hoành phi ghi “Đông trấn chính từ” (nghĩa là đền chính trấn giữ phía Đông). Tương truyền đây là tước vị được vua Lý Thái Tổ (974- 1028) ban tặng đền. Đền hợp cùng với ba ngôi đền khác trở thành “tứ trấn” đất kinh kỳ. 
Được xây dựng sớm nhất trong tứ trấn, đền Bạch Mã cùng với thần Long Đỗ là một biểu tượng chính trực chống lại các thế lực hắc ám, bảo vệ đời sống an lành. Thần tích ghi lại cuộc đấu phép ly kỳ giữa thần Long Đỗ và Cao Biền, một viên tướng ngoại bang từng đô hộ nước Nam. 
Theo sử liệu, Cao Biền là nhân vật có thật, được nhà Đường phong làm Tiết độ sứ, sang cai trị nước ta vào khoảng năm 866. Cả trong sử sách và truyền thuyết, viên tướng này đều được miêu tả là kẻ có nhiều quỷ thuật: Nào là có thể cưỡi chim thần du ngoạn trên trời, nào là có tài “vẫy đậu thành binh”… 
Dù có nhiều tài phép, Cao Biền vẫn phải chịu thất bại ngay ở thủ phủ khi đó là thành Đại La. Tương truyền, khi đó Cao Biền cho xây dựng thành Đại La, vừa để bảo vệ bộ máy cai trị, vừa tiện tay trấn yểm các thế đất tốt ở nơi này. Vừa đắp và trấn yểm xong một vòng thành, trời bỗng tối đen như mực. 
Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, Cao Biền trông thấy một vị thần cưỡi rồng bay một vòng quanh thành vừa đắp. Tỉnh dậy, biết đó chính là thần bảo vệ miền đất, Cao Biền lập tức nghĩ ra quỷ kế. Y dùng vàng và đồng đúc thành bức tượng giống người trong mơ, rồi dùng các loại bùa dán vào để trấn yểm. 
Ngay đêm đó, trời đang quang đãng bỗng sấm sét nổi lên ầm ầm, vị thần lại xuất hiện, cả cười mà rằng: “Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi nơi này, ngươi việc gì phải mất công trấn yểm”. 
Vị thần biến mất, Cao Biền giật mình tỉnh giấc, vô cùng sợ hãi. Đến sáng hôm sau, y đi kiểm tra lại những chỗ đã trấn yểm, kinh hoàng khi thấy dù là đồng, sắt hay kim loại gì cũng đều nát vụn ra như cám. 
Hiểu rằng các quỷ thuật của mình đã thất bại, Cao Biền than với hầu cận “Đất này có thần linh, ta không thể thắng nổi, sớm muộn cũng phải cuốn gói mà đi thôi”. Rồi để tạ tội, Cao Biền cho xây dựng một ngôi đền chính ở nơi đã diễn ra trận chiến phép thuật, thuộc cửa Đông thành Đại La. 
Đây chính là đền Bạch Mã sau này. Và dự cảm xấu của y cũng  không sai. Sau đó một thời gian, đế chế nhà Đường suy vong. Hào trưởng Khúc Thừa Dụ nhân cơ hội này vùng lên chiếm giữ thành Đại La, mở ra giai đoạn trăm năm chuyển hóa từ Đại La thành sang Thăng Long thành.
Thần ngựa trắng giúp xây thành
Thần Long Đỗ cùng đền Bạch Mã trở thành “Đông trấn” ngay từ lúc đánh bại mọi quỷ thuật của Cao Biền. Nhưng có một câu hỏi, tại sao chỉ “Đông trấn” mà không phải là các trấn khác, mới được dân gian coi là Thành Hoàng của đất Thăng Long? Câu trả lời đến vào khoảng 200 năm sau, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La thành. 
Theo thần tích, khi xây đền tạ tội, Cao Biền cho dựng tượng thần Long Đỗ như trong giấc mơ và ngôi đền chỉ thờ vị thần này. Mãi đến năm 1010, nhận thấy thành Đại La là thắng địa, là nơi “cư ngụ của đế vương muôn đời”, vua Lý Thái Tổ mới quyết định chọn đây để xây dựng kinh thành. Mộng thấy rồng vàng bay lên, vua đổi tên Đại La thành Thăng Long. 
Trong quá trình xây thành, dù triều đình huy động rất nhiều tiền của cũng như sức dân, không hiểu vì lý do gì, thành vẫn bị sụt lún. Nhiều khoảng thành cứ đêm trước đắp xong, sáng hôm sau lại đổ. 
Dò hỏi các bậc cao niên, biết tiếng đền thờ thần Long Đỗ linh thiêng, nhà vua đích thân đến làm lễ cầu khấn. Lời nguyện cầu linh ứng, trong đền bỗng xuất hiện một con ngựa trắng chạy ra, đi một vòng từ Đông sang Tây hoàng thành rồi trở về đền và biến mất. Biết ngựa trắng là hiện thân của thần, nhà vua cứ theo dấu chân ngựa để lại mà đắp lũy, quả nhiên đắp đến đâu vững đến đó. 
Thành Thăng Long hoàn thành, nhà vua sai tạc tượng ngựa trắng để muôn đời sau thờ phụng. Đền thờ thần Long Đỗ từ đó có tên là đền Bạch Mã. 
Sau thần tích về ngựa trắng này, thần đền mới được coi là Thành hoàng của đất Thăng Long. Giống như ý nghĩa của các vị Thành hoàng được thờ phụng ở nhiều ngôi làng trên nước Việt, đó là vị thần có công mở mang làng xã, bảo vệ người dân, hoặc đơn giản có khi chỉ là ông tổ của một nghề thủ công nào đó. Tương tự như thế, thần Long Đỗ trong hiện thân ngựa trắng, đã có công trong việc đặt nền móng đầu tiên, mở ra đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Kiến trúc độc đáo trường tồn với thời gian
Đền Bạch Mã có giá trị rất lớn về mặt tâm linh,nên được nhiều triều đại phong kiến để tâm trùng tu tôn tạo. Có đôi câu đối ca tụng còn được lưu giữ trong đền: “Phù quốc tộ ư La Thành, vạn cổ uy thanh truyền mã tích/Ngật tôn từ vu giang tứ, thiên thu vượng khí trấn Long Biên”.Tạm dịch nghĩa: “Giúp nước thịnh ở La Thành, muôn thuở uy danh truyền dấu ngựa/ Bên sông nước, nghìn năm vượng khí giữ Long Biên”.
Kiến trúc đền Bạch Mã ngày nay mang dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ 19, thời nhà Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có tam bảo cùng nhiều hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã. Tổng cộng đền gồm có năm cung: Nghi môn năm cửa, phương đình, tiền tế, trung tế và hậu cung.
Điều đặc biệt của công trình này chính là lối kiến trúc “vòm cua” (mái vòm hình mai con cua). “Vòm cua” thứ nhất liên kết giữa phương đình và đại bái của ngôi đền. Nối tiếp theo, “vòm cua” thứ hai lại nối đại bái với nhà thiêu hương. 
Kiến trúc “vòm cua” này, ngoài hình thù độc đáo, còn có tác dụng khép kín công trình, liên kết lại dưới một hình thức đặc biệt che đỡ toàn bộ bên trên, tạo ra sự rộng rãi cho tổng thể kiến trúc. Ngôi đền trở thành một công trình nghệ thuật đáo, rất hiếm thấy điểm tương tự ở các kiến trúc cùng tín ngưỡng, cùng niên đại.
Đền hiện còn lưu giữ nhiều văn bia, ghi lại các sự tích của đền, các nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo. Còn có nhiều hiện vật có giá trị khác như cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính “Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch mã Đại Vương”, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm... được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo. 
Trong đền, cùng với các lư hương đồng, bình đồng, còn khoảng 50 cột gỗ đinh vững chắc, chạm khắc các hình long, ly, quy, phượng, sơn son thếp vàng. Hiện đền vẫn giữ nguyên kiến trúc nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa, có thêm điện thờ Phật và Mẫu trong khuôn viên.
Đất kinh kỳ trải bao triều đại phong kiến, thành Thăng Long cũng không thể tránh khỏi nạn binh đao khói lửa. Nhưng điều kỳ lạ, dù chiến tranh, loạn lạc đến đâu, ngôi đền vẫn không hề suy xuyển. 
Nói về sự kỳ lạ ấy, cụ thủ từ chỉ cười cười, nhắc lại một chuyện xưa. Thời Trần, sau ba lần quân Nguyên Mông sang xâm lược, đốt phá kinh thành, đền vẫn vô sự. Lúc khải hoàn trở về kinh đô, Thái sư Trần Quang Khải đã đề một bài thơ ở đền, trong đó có hai câu: “Hoả bốc tam khu thiêu bất tận/ Phong lôi nhất trận phiến nan khuynh”. Tạm dịch nghĩa: “Lửa đốt bao phen không thể cháy/ Phong ba một trận chẳng hề long”.

Đọc thêm