Dịch HIV/AIDS diễn biến phức tạp
Trong suốt 2 thập kỷ qua, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã có những thành tựu trong việc nâng cao nhận thức và hạn chế số người lây nhiễm HIV. Theo thống kê, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS. Theo đó, mỗi năm Việt Nam vẫn ghi nhận 10.000 ca mắc mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội.
Thuốc ARV. |
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thì hiện nay cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được báo cáo đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Đáng nói, trong tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống chỉ khoảng gần 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Nó gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.
AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong.
Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu trung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.
Với hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV họ sẽ có thể vô tình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng để giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước xét nghiệm phát hiện mới gần 8.000 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong do AIDS là 1.428 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 16 - 29 (gần 40%) và 30 - 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%)” - ông Long cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, con đường lây truyền HIV những năm qua có chiều hướng thay đổi từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy, chuyển sang chủ yếu qua đường tình dục tập trung ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Độ tuổi trung bình của người mới nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam là 23 tuổi. Phần lớn tập trung tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội. Riêng tại TP HCM, có khoảng 58.000 người nam có quan hệ tình dục đồng giới, 1/3 trong số này có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Ngại đến cơ sở y tế
Theo thông tin từ một số nghiên cứu về giới tính ở các nước phát triển cho thấy, cộng đồng của các quốc gia này chấp nhận đồng tính nam như một nhóm người bình thường trong xã hội. Do đó, họ được tiếp cận thông tin và các dịch vụ y tế thuận lợi hơn.
Ở Việt Nam dù những năm gần đây góc nhìn của người dân về đồng tính trở nên cởi mở hơn, thế nhưng sự kỳ thị vẫn là một trong những nguyên nhân khiến nhóm người này không dám bộc lộ rõ giới tính và xu hướng tình dục. Chính vì vậy dẫn đến đến khả năng tiếp cận và chọn lựa sử dụng dịch vụ y tế của các nhóm đồng tính nam trở nên khó khăn hơn. Họ cảm thấy ái ngại và sợ khi phải đến các cơ sở y tế.
Về nguyên nhân đồng tính nam có khả năng mắc bệnh cao hơn đồng tính nữ. Các chuyên gia y tế cho biết, sở dĩ quan hệ đồng giới nam dễ nhiễm HIV hơn nữ bởi họ thường quan hệ qua đường hậu môn và không sử dụng bao cao su nên dễ gây trầy, xước, từ đó virus HIV dễ dàng xâm nhập từ người bệnh sang người lành.
Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ việc quan hệ đồng tính, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhóm đồng tính nam khi quan hệ tình dục cần có biện pháp dự phòng, đều đặn xét nghiệm máu định kỳ 3–6 tháng/lần.
Trong trường hợp phát hiện dương tính HIV cần điều trị thuốc ARV càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ cho bạn tình và người thân. Hiện thế giới đã coi HIV là một bệnh mãn tính, nếu có HIV điều trị ngay, tuân thủ đúng phác đồ có thể sống khoẻ mạnh kéo dài như người bình thường.
Mặt khác, hiện nay y học phát triển có thể kéo dài thời gian sống cho người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc Retrovirut (ARV). Việc sử dụng thuốc này có thể làm hạn chế sự sinh sôi, phát triển của virus HIV, tăng thời gian sống cho người bệnh.
Được biết, trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế. Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV.
Để thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các địa phương khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT. Đến năm 2020 tất cả thuốc điều trị ARV sẽ được cấp phát thông qua BHYT.
Người mắc HIV/AIDS dù có BHYT nhưng không sử dụng vì sợ kỳ thị
Thực tế cho thấy, với những người mắc HIV/AIDS nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn vì họ rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, hàng tháng phải đi làm xét nghiệm máu. Đến năm 2020 tất cả thuốc điều trị ARV sẽ được cấp phát thông qua BHYT, thế nhưng hiện nay người bệnh không dùng BHYT do sợ bị kỳ thị.
90% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS điều trị tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) có BHYT, nhưng chỉ có 60% sử dụng BHYT. Ngoài ra, cũng có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa tham gia BHYT do sợ lộ danh tính hoặc không có đầy đủ giấy tờ và không có đủ kinh phí để mua bảo hiểm.
Hiện cả nước có khoảng 140.000 người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, còn khoảng 60.000 người chưa có thẻ BHYT, chưa tính những người có thẻ nhưng không sử dụng.