Từ cuối năm 2020 đến nay, sáng chủ nhật hàng tuần cao tốc Láng Hòa Lạc lại nhộn nhịp dòng ô tô chạy thẳng tắp rồi rẽ về Xuân Mai, Lương Sơn (Hòa Bình) nơi thị trường bất động sản đang sôi động hơn bao giờ hết.
Theo chân Anh Hùng, một môi giới kỳ cựu tại Hòa Bình mới thấy được hết sự sôi động của thị trường Hòa Bình. Anh Hùng kể từ trước và sau đợt tết vừa qua lượng khách quan tâm đến thị trường nhà đất Hòa Bình tăng vọt gấp đôi so với hồi đầu năm 2020. Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần anh đều kín lịch dẫn khách đi xem đất.
"Khách đông đến nỗi không có thời gian ăn trưa, trời tối vẫn phải dẫn khách mò mẫm trong đêm xem đất. Có ngày 10h đêm mới về đến nhà. Đặc biệt, khách đi xem đều rất thiện chí mua, sẵn tiền để cọc luôn nếu ưng. Có những ngày, tôi chốt được 2 mảnh cho khách, hoa hồng cũng lên cả trăm triệu", anh Hùng kể.
Anh Hùng dẫn chúng tôi gặp một nhóm khách hàng vừa từ Hà Nội về mua đất. Nhóm có 3 người muốn mua chung một mảnh lớn để sau này xây chung thành second home. Chị Tâm, một khách hàng trong nhóm cho biết: "Cả ba gia đình đều trên phố, chỗ ở chật chội nên cũng có dự định muốn mua một khu đất rộng để làm trang trại nhà vườn cuối tuần lên nghỉ. Vì thế, đất ở kết hợp ao vườn có sổ đỏ được các gia đình ưu tiên bởi đây là tài sản vừa là để đầu tư giữ tiền vừa làm nơi nghỉ ngơi".
Thực tế cho thấy, những khách mua đất Hòa Bình có cùng suy nghĩ như chị Tâm từ Hà Nội không phải là hiếm. Tại nhiều khu vực ở Lương Sơn, Xuân Mai, từ vài năm trước nhiều gia đình đã rủ nhau lên mua đất rồi xây nhà lên san sát nhau, thuê người trông nom và lâu dần trở thành những xóm biệt thự ngay giữa vùng thôn quê.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng khách hàng quan tâm đến nhà đất ven Hà Nội như huyện Ba Vì hay huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Hoà Bình tăng gần gấp đôi so với trước. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, nhà đầu tư cá nhân đổ xô ra các tỉnh vùng ven Hà Nội để săn đất.
Theo ông Trung, nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai luôn tồn tại, nhưng phải đến khi có cú sốc của đại dịch Covid-19 thì mới bùng phát mạnh mẽ do người dân thay đổi suy nghĩ về cuộc sống. Dịch bệnh đã thôi thúc mong muốn trong mỗi người tìm kiếm một khoảng trời riêng dành cho gia đình để phòng tránh cân bằng cuộc sống, tránh ô nhiễm, ồn ào.
Tuy nhiên, theo ông Trung, điều cốt lõi tạo nên xu hướng trên không chỉ từ Covid mà còn đến từ giao thông xuyên suốt. Từ năm 2017, khi cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thông xe, bất động sản Hòa Bình đã bắt đầu có bước chuyển mình. Thay vì mất 2,5 tiếng từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 thì nay đi chỉ mất hơn 1 tiếng là lên đến trung tâm Hoà Bình. Đây chính là lý do chính khiến thị trường bất động sản Hoà Bình tăng trưởng nhanh chóng.
Ngoài ra, ông Trung cho biết Second home cũng được xem là thị trường đã len lỏi vào suy nghĩ của người Hà Nội hàng chục năm nay. Bất kỳ ai có chút tiền và thời gian dư giả đều mơ về một second home ở ngoại ô. Có nhiều cách để mua như mua đất lẻ, mua homestay, mua trong các dự án đồng bộ hiện đại. Vì vậy xu hướng chuyển dịch về bất động sản ngoại thành liên tục tăng cao.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group chỉ ra thực tế người tiêu dùng có tâm lý ngại bay trong thời điểm Covid-19, nhu cầu về "staycation" - kỳ nghỉ ngắn hạn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó hạ tầng phát triển vượt bậc cùng số lượng người sở hữu ô tô cá nhân tăng đột biến đã là những yếu tố khiến bất động sản ven đô như Hòa Bình phát triển mạnh trong thời gian vừa qua.
Cũng theo ông Tuyển, do khoảng cách từ Hà Nội - Hòa Bình rất gần nhu cầu mua các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng ở Hòa Bình khác hẳn với các thị trường nghỉ dưỡng khác. Nhà đầu tư đến với Hòa Bình luôn giữ tâm thế mua để dùng là chính sau đó mới tính đến cơ hội sinh lời và đầu tư. Đây chính là nhu cầu nghỉ dưỡng, căn nhà thứ 2 second-home, khác hoàn toàn với tâm lý mua BĐS nghỉ dưỡng tại những thị trường ven biển khi nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận từ cho thuê.
Bên cạnh việc di chuyển thuận tiện, dễ dàng khi hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện thì Hòa Bình, đặc biệt là khu Lương Sơn là điểm đến của giới nhà giàu Hà Nội khi nơi đây đang quy tụ nhiều "ông lớn" BĐS rút hầu bao đầu tư, phát triển nhiều dự án tầm cỡ. Từ chỗ là vùng đất hầu như không có trên bản đồ của giới đầu tư BĐS bỗng dưng trở thành điểm đến của những tên tuổi lớn như Phú Mỹ Hưng, T&T Group, Geleximco, FLC Group. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang âm thầm xâm nhập. Cũng trong một thời gian dài, Hoà Bình là nơi có lượng tăng trưởng tìm mua bất động sản đứng ở mức cao.
Hòa Bình còn có lợi thế khác khi nằm sát nách với Hà Nội - một thị trường lớn, đầy tiềm năng với quy mô dân số cả chục triệu dân. Bên cạnh nhu cầu về second home của người giàu thì Hòa Bình rất thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô khi mà các khu nghỉ dưỡng ngoại ô Hà Nội chất lượng chuẩn quốc tế còn khan hiếm. Ngoài Flamingo Đại Lải Resort, du khách có rất ít sự lựa chọn cho nghỉ dưỡng cao cấp ở ven đô Hà Nội.
Tính đến thời điểm hiện tại sự sôi động của thị trường bất động sản Hòa Bình đã kéo dài được gần 2 năm tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số chuyên gia cũng cho rằng, bất động sản Hòa Bình chính là một làn gió mới, một điểm sáng cho thị trường bất động sản ngoại ô khi hội tụ đủ các yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ hậu COVID-19.
"Đón cơ hội đầu tư là tốt, nhưng đừng để bị say nắng trong một thị trường đang có nhiều gió như Hòa Bình. Với thị trường đầu cơ, Hòa Bình đang có dư địa tốt nhưng nhà đầu tư hãy làm một cách âm thầm. Xem xét nơi nào có quy hoạch tốt, khu vực nào chuẩn bị phát triển thì đầu tư và chờ tăng giá", Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô Nguyễn Thành Trung cho biết.
Ông Trung cũng chỉ ra hai lỗi lớn khiến người mua second home dễ mất tiền. Một là dễ bị cảm xúc đánh lừa. Khách hàng thường vì một yếu tố nhỏ tác động mà bỏ qua tổng thể. Vì thế, khi mua cần dùng lý trí, cần sự tỉnh táo, đừng để cảm xúc đánh lừa, cân nhắc về đất, giao thông và tiềm năng có thể làm gì cho khu đất đấy.