Vì sao người tiêu dùng quay lưng với những đồ chơi dân gian?

(PLO) - Càng gần trung thu, phố Hàng Mã càng nhộn nhịp kẻ mua người bán. Người thì đến đây để tìm một món đồ chơi làm quà cho con trẻ, người thì đến để hoài niệm về tuổi thơ. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm nhất trong hàng ngàn món đồ chơi sặc sỡ bắt mắt kia lại vắng bóng những món đồ chơi dân gian.
Vì sao người tiêu dùng quay lưng với những đồ chơi dân gian?
“Chợ trung thu” tràn ngập đồ chơi Trung Quốc
Con phố Hàng Mã dài hơn 300 mét, vốn nổi tiếng là nơi bán nhiều đồ chơi và náo nhiệt mỗi độ rằm tháng tám. Dạo qua một vòng quanh chợ, PV bị choáng ngợp bởi hàng ngàn đồ chơi với đủ các loại mẫu mã. Từ những món đồ chơi đơn giản như đèn lồng làm bằng chất liệu giấy, đèn nhựa chạy pin lắp thêm cả đèn nhấp nháy, loa phát nhạc… Rồi đến những món đồ chơi phức tạp như ô tô, robot biết đi, biết nhảy theo nhạc.
Một chủ cửa hàng chia sẻ với chúng tôi: “Xuất xứ của những món đồ chơi này hầu hết là từ Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, bắt mắt nên thu hút được sự quan tâm của các khách hàng nhí”.
Những đồ chơi dân gian khó được trẻ em ưa chuộng.
 Những đồ chơi dân gian khó được trẻ em ưa chuộng.
Dừng chân trước một cửa hàng có bán một số đồ chơi dân gian như đầu sư tử, đèn kéo quân... nhưng với số lượng rất khiêm tốn chỉ có vài ba cái đèn kéo quân, chục đầu sư tử. Chủ hàng cho biết: “Sở dĩ có ít đồ chơi dân gian như vậy vì hàng bán rất chậm hay không muốn nói là bị “ế”. Treo vài món đồ chơi này chỉ để phong phú thêm các mặt hàng”.
Anh Nam (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) dắt cậu con trai 6 tuổi đi sắm đồ chơi trung thu: “Cũng thích mua cho con một món đồ chơi truyền thống như đèn ông sư, tàu thủy Hàng Thiếc... Nhưng hầu hết các loại đồ chơi này có giá thành khá cao, làm bằng chất liệu dễ hỏng nên trẻ con khó chơi được”.
Liệu có phải những món đồ chơi Trung Quốc có giá thành rẻ đa dạng mẫu mã đang lấn át đồ chơi dân gian hay còn một nguyên nhân nào khác? 
Vì sao những món đồ chơi dân gian dần vắng bóng?
Để tìm nguyên nhân lí giải cho câu hỏi trên, nhóm PV đã đến nhà nghệ nhân làm đèn kéo quân Vũ Văn Sinh ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. 
Ngoài vẻ lắc đầu ngao ngán của vị nghệ nhân, ông Sinh tâm sự: “Chưa có mùa trung thu nào nhà ông lại bán được ít hàng như năm nay”.
Ông Sinh ngắm lại chiếc đèn kéo quan cho chính tay ông làm.
Ông Sinh ngắm lại chiếc đèn kéo quan cho chính tay ông làm. 
Nghệ nhân Sinh cho biết thêm, nhà ông đã làm nghề này đến đời thứ ba. Cái đèn kéo quân nhìn bề ngoài thì đơn giản nhưng lại mất rất nhiều công sức để làm. Từ chẻ tre dựng khung, cho đến làm trục sao cho cân, dán giấy màu vào đèn. Có khi cả ngày chỉ làm được một cái mà giá thành từng chiếc đèn lại không thấm vào đâu so với nguyên liệu và công sức bỏ ra.
Bà Nguyễn Thị Hạnh vợ ông Sinh chỉ ra những ngôi nhà khang trang phía trước: “Ở đây trước cũng có nhiều nhà làm đèn kéo quân, nhưng dần dần hàng làm ra không bán được nên hầu hết trong làng không còn ai làm nghề nữa mà  đi may gia công cho các công ty nên mới đủ ăn, mua được xe, xây được nhà…”
Không vì yêu nghề và gìn giữ nét đẹp truyền thống thì có lẽ nhà ông cũng bỏ nghề. Khách hàng của ông bây giờ chỉ là trẻ em nông thôn, hay các khu chung cư, nhà văn hóa đặt đèn to về để treo chứ còn khách hàng thành phố rất hiếm.
Lí giải vì sao đèn đồ chơi dân gian bị “lép vế” trước hàng đồ chơi ngoại nhập, ông cũng cho rằng nguyên nhân chính là mẫu mã của những món đồ chơi này chưa bắt mắt, làm thủ công hoàn toàn nên giá thành khá cao. Nhưng cũng một phần vì hiện tại chưa có nơi trưng bày, giới thiệu về những món đồ chơi dân gian này nên khách hàng khó tiếp cận với sản phẩm.
Hiện nay trên cả nước các làng nghề làm đồ chơi truyền thống đang bị mai một dần  phần vì giá trị kinh tế thấp, phần vì không đáp ứng được nhu cầu người dân. 
Thiết nghĩ nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp để bảo tồn nét văn hóa truyền thống này thì chỉ dăm năm nữa các món đồ chơi truyền thống sẽ “biến mất hẳn” khỏi các sạp hàng đồ chơi trung thu./.

Đọc thêm