Vì sao ở nhà cả ngày nhưng vẫn cảm giác đói?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi ở nhà phòng dịch, một số người gặp tình trạng ít vận động nhưng vẫn bị cơn đói hành hạ và liên tục thèm ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra một số nguyên nhân.

1. Thiếu chất đạm hoặc chất béo

Theo chuyên gia dinh dưỡng Keri Gans (Mỹ), chế độ ăn nhiều carb (carbohydrate-đường, tinh bột) cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng nhưng cũng khiến bạn nhanh đói. Con người xử lý protein và chất béo lành mạnh (có trong các loại hạt và quả bơ) chậm hơn. Ví dụ, buổi sáng bạn ăn một bát ngũ cốc sẽ rất nhanh đói, nhưng nếu uống sữa kèm thêm các loại hạt và một quả trứng luộc, sẽ no lâu hơn.

2. Ăn nhiều đường

Nước trái cây, kẹo, bánh ngọt chứa nhiều đường tinh luyện, nếu dùng nhiều sẽ rất nhanh đói. Nguyên nhân là thực phẩm chứa đường thường tiêu hóa nhanh. Bởi vậy, đừng nên coi đồ ngọt như một bữa ăn nhẹ, nên bổ sung protein, chất béo lành mạnh mỗi khi thấy đói.

3. Uống nhiều đồ uống có cồn

Thói quen uống rượu hoặc các loại đồ uống có cồn sẽ làm cơ thể nhanh đói. Theo một nghiên cứu khoa học đăng trên tờ Nature năm 2017, cồn sẽ kích hoạt cơn đói tới các tế bào não. Thậm chí lượng cồn quá lớn có thể đánh lừa bộ não, khiến bạn cảm thấy mình đang đói ngay cả khi vừa ăn xong. Nếu muốn cảm thấy no, hãy uống nhiều nước.

4. Cắt hoàn toàn chất béo

Nhiều người muốn giảm cân, có chế độ ăn uống lành mạnh thường cắt bỏ hoàn toàn chất béo trong thực đơn. Tuy nhiên đây là cách làm phản tác dụng vì không có chất béo sẽ làm tăng cảm giác đói, khiến bạn ăn nhiều hơn. Trong các loại hạt có nhiều chất béo lành mạnh, chúng sẽ giúp bạn no lâu hơn và chống lại cảm giác thèm ăn.

5. Không ngủ đủ giấc

Cơn đói và giấc ngủ có quan hệ gắn kết với nhau. Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn nhanh đói mà còn thèm các thực phẩm có đường, nhiều chất béo như bánh ngọt, gà rán. Bởi vậy nên cố gắng ngủ đủ giấc để cơ thể xử lý tốt thức ăn.

6. Ngồi một chỗ cả ngày

Theo một nghiên cứu, những người ngồi một chỗ cả ngày, dù làm việc hay xem phim thì thèm ăn hơn những người nhiều hoạt động. Để ngăn chặn những cơn đói triền miên, 30 phút một lần bạn nên rời bàn làm việc hoặc ngừng xem phim, tập thể dục nhẹ nhàng và uống một cốc nước.

7. Bị mất nước

Mất nước cũng có thể khiến bạn có cảm giác đói. Để tránh tình trạng này, mỗi sáng ngủ dậy nên uống một cốc nước và duy trì thói quen uống nước đủ 2 lít mỗi ngày. Để biết mình có uổng đủ nước hay không, nhìn vào màu sắc của nước tiểu. Nếu nước tiểu màu vàng đậm, cần uống thêm nước. Nước tiểu của người uống đủ nước có màu vàng nhạt.

8. Stress

Stress sẽ làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bạn nhanh đói. Nếu sự căng thẳng này không được kiểm soát trong thời gian dài, lượng cortisol tăng trong cơ thể sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn.

9. Bệnh cường giáp

Những người mắc bệnh cường giáp thường cảm giác đói nhanh hơn người bình thường. Nguyên nhân là căn bệnh này sẽ làm tăng tốc độ trao đổi chất, đốt cháy calo nhanh. Hãy gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị tốt nhất khi bị bệnh cường giáp.

10. Ăn nhiều thực phẩm đóng gói

Dù tiện lợi nhưng thực phẩm đóng gói và thức ăn chế biến sẵn lại thiếu dinh dưỡng. Ví dụ như mì ống, bánh quy giòn thường bị loại bỏ chất xơ và vi chất, khiến lượng đường trong máu tăng cao ngay lập tức. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, dưới tác động của insulin, đường lại giảm dẫn đến đói cồn cào. Khuyến cáo nên dùng thực phẩm tươi, bạn sẽ cảm thấy no hơn.

12. Xem nhiều chương trình ăn uống

Chương trình ăn uống có thể khiến chúng ta cảm thấy thèm ăn và cơn đói bắt đầu trỗi dậy. Nếu hình ảnh đồ ăn quá kích thích, chắc chắn vị giác của bạn sẽ hoạt động mạnh và cơ thể sẽ thấy đói. Để vượt qua cảm giác này, xem ít hoặc bỏ hẳn những chương trình ăn uống nếu muốn giảm cân.

Đọc thêm