Vì sao Quốc lộ 5 ngày càng 'nhức nhối' về tai nạn giao thông?

(PLVN) - Là tuyến đường huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Bắc, hàng ngày, hàng giờ, Quốc lộ 5 chịu áp lực rất lớn về lượng người và phương tiện lưu thông. Nhiều vụ tai nạn xảy ra làm thiệt hại về người và của đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và tâm lý người dân hai bên quốc lộ cũng như lái xe qua lại trên tuyến đường này...
Quốc lộ 5 chịu áp lực lớn về phương tiện giao thông
Quốc lộ 5 chịu áp lực lớn về phương tiện giao thông

Quốc lộ 5 (QL5) qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài khoảng 44 km, bắt đầu từ Km33+720 xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) đến Km77+830 xã Kim Lương, huyện Kim Thành (Hải Dương). Đây là tuyến đường đồng bằng loại 1, được tổ chức 2 chiều, 6 làn đường riêng biệt. Sau khoảng 20 năm đưa vào sử dụng, đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp, lồi lõm, biến dạng, kéo theo những hệ lụy không chỉ là cảnh báo mà trở thành những “điểm đen” mất an toàn giao thông. Tình trạng tắc đường, mất an toàn giao thông là điều không thể tránh khỏi. 

So với các tỉnh khác, Hải Dương còn là tỉnh có tuyến đường sắt chạy song song và sát với đường bộ (tuyến đường sắt Gia Lâm – Hà Phòng và QL5). Với chiều dài trên 40 km, có khoảng 36 đường ngang và 170 lối đi dân sinh cắt ngang qua đường sắt, đấu nối trực tiếp với QL5, hiện tại do chưa có kinh phí xây dựng đường gom nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hải Dương, đây là tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.

Lối đi dân sinh tự mở trên quốc lộ 5
Lối đi dân sinh tự mở trên quốc lộ 5

Đáng chú ý, gần đây, đoạn qua địa bàn huyện Kim Thành thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng. Điển hình là ngày 21/1/2019, đoạn qua địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành, một chiếc xe tải đã đâm vào đoàn người đi thắp hương mộ Liệt sỹ về, hậu quả đã làm 8 người chết và 7 người bị thương.

Ngày 23/7, liên tiếp 3 vụ tai nạn xảy ra trên đoạn qua địa phận xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành làm 7 người chết và 2 người bị thương. Hôm sau, chỉ cách vị trí 3 vụ tai nạn trên chừng 500 mét, một vụ tai nạn giao thông tiếp tục xảy ra nhưng may mắn không ai tử vong.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra vào chiều 22/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương từng cho biết, trong 6 tháng qua, trên địa bàn Hải Dương đã xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 115 người, bị thương 56 người; tăng 5 vụ, tăng 5 người chết so với cùng kỳ năm ngoái.

Một lối đi khác do người dân tự ý mở
Một lối đi khác do người dân tự ý mở

Trong đó, QL5 là điểm đen tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cũng là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất với 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, làm bị thương 22 người. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 6 vụ, tăng 15 người chết, tăng 11 người bị thương.

Số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Kim Thành nhiều nhất trong 12 huyện của tỉnh Hải Dương. Trong 6 tháng đầu năm, tại huyện này đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đã khiến 22 người chết, 12 người bị thương. Tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương tăng 100 – 140% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, hạ tầng trên QL5 còn nhiều bất cập: nhiều đoạn đường bị cào xới, hệ thống vạch sơn chỉ dẫn làn đường mờ, không được kẻ vạch trả lại ở một số đoạn đường. Tại các ngã ba, ngã tư dù có đèn tín hiệu nhưng không có vạch chỉ dân làn đường nên không ít trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đứng lung tung, chen chúc, lấn sang làn đường của nhau dẫn tới việc hướng đi bị chồng chéo, lấn làn. Từ đó, khiến cho việc tham gia giao thông trên tuyến đường càng thêm phức tạp, làm mất an toàn giao thông… 

Dù UBND tỉnh Hải Dương, Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý đường bộ nhưng những tồn tại này chưa được khắc phục kịp thời.

Tỉnh Hải Dương vẫn đang đề nghị Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm quan tâm, hỗ trợ tỉnh Hải Dương kinh phí để xây dựng cầu vượt tại Km50 + 630 và 4,93 km đường gom, xóa bỏ 109 lối đi dân sinh giao cắt đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng và đấu nối trực tiếp QL5. Cần sớm có phương án thu hút các phương tiện tham gia giao thông vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để nâng cao hiệu quả hoạt động đường cao tốc, giảm tải các phương tiện lưu thông trên QL5, QL37 và 38B. 

Tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ sớm bổ sung nguồn kinh phí xây dựng đường gom Dự án xây dựng nút giao lập thể điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, QL5, đường tỉnh 390 tỉnh Hải Dương.

Sau 3 vụ tai nạn giao thông trên QL5 xảy ra ngày 23/7, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với đơn vị khai thác QL5 khẩn trương khảo sát mặt đường qua địa bàn huyện Kim Thành, tiến hành lắp đặt các thiết bị phản quang, gờ giảm tốc tại các lối mở ra QL5. Những lối mở không cần thiết ông Thể yêu cầu phải đóng lại và những lối có nhiều người dân, xe cộ đi lại thì khẩn trương nghiên cứu, đề xuất làm cầu vượt.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thể còn yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát toàn bộ hệ thống quốc lộ trên cả nước, nhất là quốc lộ có lưu lượng lớn, khu công nghiệp, đô thị để xem xét cắm biển báo, đèn tín hiệu, đường gom, cầu vượt để nâng cao an toàn cho người dân.

Đọc thêm