Vì sao tiến độ dự án trên QL 14 qua Bình Phước vẫn chậm?

Đoạn QL 14 qua tỉnh Bình Phước từng được dư luận đặt tên “con đường kỳ dị” hay “con đường đau khổ”… dù cơ quan chức năng đã liên tiếp vào cuộc nhằm thúc đẩy tiến độ nâng cấp, mở rộng, bởi có vướng mắc ngay từ tỉnh Bình Phước.

Đoạn QL 14 qua tỉnh Bình Phước từng được dư luận đặt tên “con đường kỳ dị” hay “con đường đau khổ”… dù cơ quan chức năng đã liên tiếp vào cuộc nhằm thúc đẩy tiến độ nâng cấp, mở rộng, bởi có vướng mắc ngay từ tỉnh Bình Phước.

Quốc lộ 14 còn rất lâu mới hết cảnh kẹt xe do các dự án đang bị chậm tiến độ
Quốc lộ 14 còn rất lâu mới hết cảnh kẹt xe do các dự án đang bị chậm tiến độ

Kiểm đếm từng cây rừng?

Dự án QL 14 qua địa bàn tỉnh Bình Phước được chia làm ba gói thầu giao cho ba nhà đầu tư thực hiện từ năm 2009 theo hình thức BOT. Các gói thầu được thực hiện đoạn từ cầu 38 đến TP.Đồng Xoài do Cty CP Đức Thành (Gia Lai) làm chủ đầu tư có chiều dài 41km; đoạn từ Cây Chanh đến cầu 38 do Cty CP Đức Phú (Gia Lai) làm chủ đầu tư có chiều dài 33,82km và đoạn từ Chơn Thành đến TP.Đồng Xoài do Cty CP BOT Bình Phước làm chủ đầu tư có chiều dài 32km.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, đoạn Chơn Thành đi TP.Đồng Xoài chủ đầu tư đã gần như không thực hiện được hạng mục nào của dự án; còn đoạn từ cầu 38 đến TP.Đồng Xoài hiện đạt hơn 50% khối lượng công trình. Cụ thể, đoạn đường này được chia làm ba gói thi công và trong đó gói thầu số 3 đã hoàn thành 95%; gói thứ 2 hoàn thành rải đá khoảng 85% và gói thầu 1 rải đá 45%. 

Thực tế, đoạn đường từ Cầu 38 đến TP.Đồng Xoài được ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện từ tháng 8.2009, kết cấu ban đầu mặt đường rộng 19m, tổng vốn đầu tư là 814 tỷ đồng, do UBND tỉnh Bình Phước quản lý với cơ cấu nguồn kinh phí là 80% được hỗ trợ từ ngân hàng, 20% vốn tự có của DN và tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Do có nhiều khó khăn về nguồn vốn nên chủ đầu tư đã xin điều chỉnh gia hạn thời gian thi công và hoàn thành đến 31/12/2013.

Tại cuộc họp nhanh giữa chủ đầu tư với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và sở ngành của tỉnh Bình Phước sáng ngày 14/8, đại diện của Cty CP Đức Thành cho biết, đến thời điểm này tổng số vốn đầu tư vào thực hiện công trình tạm tính là gần 340 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ trạm thu phí 51 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 40 tỷ đồng và ngân hàng giải ngân 82 tỷ đồng và còn lại là vốn tự có của DN (chiếm khoảng 50% vốn đầu tư).

Theo Cty CP Đức Thành việc triển khai dự án sẽ còn bị kéo dài và sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2013 do ngân hàng không thể giải ngân được bởi có rất nhiều vướng mắc từ những khâu thủ tục hành chính, tranh chấp trạm thu phí. Thậm chí, đến thời điểm này vẫn chưa duyệt xong tổng mức đầu tư điều chỉnh mới cho dự án và đã 16 tháng, chủ đầu tư không nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng.

Theo ông Trần Trung Việt - Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Sở GTVT Bình Phước: Nguyên nhân chưa duyệt xong mức tổng đầu tư mới là do chủ đầu tư và Sở GTVT chưa thống nhất được với nhau, nhiều khoản chi phí được Viện Kinh tế thuộc Bộ Xây dựng đưa ra quá cao, dẫn đến tổng mức đầu tư mới lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Việc kiểm đếm chặt chẽ đến từng cây rừng hay như chủ đầu tư đưa vào áp dụng mức vận chuyển vật liệu thi công bằng ô tô có trọng tải 7 tấn và dùng máy đào, xúc, ủi có trọng tải 1,2m3 mà không dùng xe tải trên 10 tấn và máy đào, ủi có trọng tải trên 1,6m3 nên đã đội giá đầu tư…

Gỡ “nút thắt” cho nhà đầu tư

Không ít người trong cuộc họp đặt ra câu hỏi: Đây có phải là những điểm mà cán bộ Sở GTVT tỉnh Bình Phước nhằm gây khó dễ cho nhà đầu tư? Thực tế, Bình Phước đang là “điểm nóng” khi hàng loạt DN và nhà đầu tư “tố” cơ quan chức năng địa phương đã gây nhiều phiền toái trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Được biết, trong tổng mức vốn đầu tư 814 tỷ ban đầu của gói thầu được chính Sở GTVT Bình Phước duyệt, tổng chi phí cho phát quang, chặt cây, đào gốc…là trên 13 tỷ đồng nhưng tại mức điều chỉnh mới do Viện Kinh tế tính ra chỉ hơn 9,5 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 3,5 tỷ đồng (?).

Đại diện Cty CP Đức Thành cho biết: Cũng vì lý do này mà cơ quan công an của Bình Phước đã vào kiểm tra, bắt DN kiểm đếm đến tận hộ dân, số lượng cây cụ thể với thời gian kéo dài hơn 3 tháng. Trước đó, ngày 1/12/2012, UBND tỉnh Bình Phước bất ngờ thu hồi Trạm thu phí số 2 dẫn đến tình trạng ngân hàng ngưng giải ngân cho chủ đầu tư do nguồn thu từ trạm thu phí là một trong những điều kiện để giải ngân thực hiện dự án.

Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước chiều14/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng khẳng định: “Với dự án do Cty CP Đức Thành thực hiện thì cái gì vướng trước chúng ta cùng gỡ, còn thực hiện bước tiếp theo sẽ không làm gì bị ảnh hưởng tiến độ thi công của gói thầu”. Ông Hưng cũng đã chấp thuận phương án UBND tỉnh sẽ gửi văn bản cho ngân hàng đề nghị tiếp tục giải ngân theo vốn đầu tư đã được duyệt lần đầu, khi nào điều chỉnh xong sẽ giải ngân theo tổng vốn đầu tư mới.

Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thì thống nhất, trong tháng 9/2013, các bên phải hoàn thành phê duyệt tổng mức đầu tư mới; phía Cty CP Đức Thành phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng gói thầu số 3 trước ngày 30/10/2013; gói thầu số 2 hoàn thiện trước ngày 30/12/2013; gói thầu số 1 phấn đấu trong quý I/2014 hoàn thiện. Ngoài ra, hai gói thầu từ đoạn Cây Chanh đến cầu 38 và đoạn từ Chơn Thành đến TP.Đồng Xoài cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Phước thống nhất giao Bộ GTVT quản lý, thực hiện bằng nguồn trái phiếu Chính phủ.

Đoàn Công

Đọc thêm