Trái với kỳ vọng về một mẫu xe Nga giá rẻ cho mọi người, những mẫu xe UAZ đầu tiên được hét giá khá cao, vượt qua tầm với của những người thực sự có nhu cầu.
Thất vọng vì giá cao
Sau khi đơn vị phân phối xe UAZ tại Việt Nam chính thức công bố giá các dòng xe của hãng tại thị trường Việt Nam, rất nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi cao hơn dự kiến.
Theo đơn vị này, UAZ Hunter được bán giá 460 triệu đồng, UAZ Pickup có giá 566 triệu và UAZ Patriot lên tới 686 triệu đồng.
Một độc giả của Zing.vn chia sẻ: “Đánh thuế thế này thì theo dự đoán, doanh số tại thị trường Việt Nam có thể không quá 100 chiếc. Đây là mẫu xe chế lại từ dòng quân sự lỗi thời. Xe này chủ yếu phù hợp với những người hoài cổ. Trước đây có thông tin khoảng 300 triệu nên người dùng mong đợi, nhưng giờ đội giá lên gần 500 triệu thì có rất nhiều lựa chọn tốt hơn”.
Độc giả Trần Phi nêu ý kiến: “Xe này mình đã xem tại triển lãm, nước sơn rất xấu và tệ. Chất lượng gia công khá kém, bị rớt bản lề cửa, chuyên gia Nga lắp mãi không vào”.
Anh Trần Thanh Quang (ngụ quận 2, TP.HCM) có mặt tại điểm trưng bày xe cho biết, anh đã từng sử dụng chiếc U-oát (UAZ-469) và cảm thấy chất lượng giữa Hunter với phiên bản quân sự chênh lệch khá nhiều.
“Dàn đồng xe mỏng hơn so với mẫu 469 bản quân đội, nắp ca-pô èo uột. Nội thất gần như không có bất kỳ trang bị nào đáng giá, thậm chí máy lạnh cũng là trang bị option. Nếu mẫu xe này bán khoảng 300 triệu đồng thì sẽ nhiều người mua để chạy off-road, nhưng nếu cao hơn thì có thể khó bán”, anh Quang nhận định.
Thuế vẫn là rào cản
Tại Nga, UAZ Hunter có giá khởi điểm từ 399.000 ruble (khoảng 141 triệu đồng). Đó là lý do khiến người dùng chờ đợi một mức giá dễ chịu đối với dòng xe này khi chính thức phân phối tại thị trường trong nước.
|
Giá bán UAZ Hunter đội gấp 3 lần giá xuất xưởng bởi gánh nặng thuế phí. Đồ họa: Thạch Lam |
Theo cam kết Nghị định thư giữa Việt Nam và Nga, Việt Nam cho phép các công ty Nga nhập khẩu một số mẫu xe vào thị trường Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0% từ ngày 5/10/2016 trong hạn ngạch nhất định.
Cụ thể, năm 2016 là 800 xe, năm 2017 được phép nhập 850 xe và năm 2018 là 900 xe. Như vậy chỉ khoảng 2.500 xe được nhập theo dạng miễn thuế trong vòng ba năm, nếu vượt quá hạn ngạch vẫn phải chịu thuế từ 50-70%.
Ngoài ra, các mẫu xe của UAZ có dung tích động cơ từ 2.2-2.7 lít nên phải chịu thuế TTĐB từ 50-55 %. Chưa kể, xe phải đóng thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, các chi phí vận chuyển, kho bãi, marketing, lợi nhuận… khiến xe bị đội giá gấp 3 so với giá ban đầu.
Theo công ty AutoK - đơn vị nhập khẩu xe UAZ, các dòng xe UAZ về Việt Nam chưa được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi nên giá bán công bố nêu trên đã chịu các mức thuế tương tự xe nhập từ thị trường khác gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Đây cũng là lý do khiến các dòng xe này có giá khá cao.
|
Thông số kỹ thuật của UAZ Hunter. Đồ họa: Thạch Lam |
Tại Nga, dòng Hunter đã chính thức bị khai tử từ năm 2015. Phó Tổng giám đốc UAZ, Alexei Volodin khi đó nói rằng: "Hunter đã trở nên lỗi thời, nó sẽ được thay thế bằng dòng UAZ Patriot. Patriot sẽ được trang bị hộp số tự động".
UAZ Hunter là thế hệ kế nhiệm của chiếc UAZ-469 “huyền thoại” tại Việt Nam. Đây là mẫu xe được thiết kế cho quân đội, nhẹ chuyên dùng off-road. Xe có 5 chỗ ngồi, sử dụng máy xăng 2.7 lít hoặc máy dầu 2.2 lít.
Với mục đích đi đường rừng, dòng xe này được tối giản mọi thứ, hạn chế thiết bị điện để chống hư hỏng khi ngập nước. Với thiết kế "nồi đồng cối đá", đây là mẫu xe được đánh giá bền bỉ, ít hỏng vặt.