Vì sao xe bus TP HCM ngày càng vắng khách?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù được trợ giá suốt nhiều năm nhưng các tuyến xe bus tại TP HCM liên tục cắt giảm do vắng khách, thu không đủ chi. Thêm nhiều bất cập chưa được giải quyết, xe bus đang trở thành lựa chọn “cuối bảng” của người dân. 
Vì sao xe bus TP HCM ngày càng vắng khách?

Nhiều vấn nạn

Các vấn nạn xảy ra trên xe bus như móc túi, phân biệt đối xử, tài xế phóng nhanh vượt ẩu… đang là những rào cản khiến người dân bớt lựa chọn phương tiện công cộng này cho hành trình di chuyển hàng ngày.

Mới đây, một nữ tiếp viên xe bus tại TP HCM đã bị tạm đình chỉ công việc vì có hành vi phân biệt đối xử với người tàn tật. Chuyện xảy ra trên xe bus có trợ giá số 8 tuyến từ Bến xe bus Quận 8 đến Đại học Quốc gia. Nữ tiếp viên trên đã không cho người khuyết tật đi cùng xe lăn lên xe bus. Sự việc đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nhiều chia sẻ cảm nhận về dịch vụ trên xe bus cũng nhấn mạnh những trải nghiệm tệ hại mà mình gặp phải: phân biệt đối xử, hách dịch với khách hàng, tài xế phóng nhanh vượt ẩu, thái độ kém… 

Cách đây một thời gian, mạng xã hội đã lan truyền clip tài xế điều khiển xe buýt số 150 tại TP HCM có hành vi ứng xử thiếu văn minh khi lái xe. Tài xế này có hành vi ép người đi xe, bóp còi inh ỏi khi vượt đèn đỏ và “phun” nước bọt khi được người dân nhắc nhở.

Nhiều người dân còn gọi xe bus là “hung thần đường phố”. Trên đường có thể dễ dàng bắt gặp cảnh xe bus lấn tuyến, bóp còi, liên tục ra vào trạm không xi nhan báo trước, ép xe người đi đường…

Một vấn nạn khác khá phổ biến trên xe bus là nạn móc túi. Từ nhiều năm nay, có không ít băng nhóm móc túi hoành hành trên xe bus công cộng. Nhiều hành khách bị móc túi ngay trước sự chứng kiến của những người cùng xe. Em Trần Nguyễn Thiên Hương, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM chia sẻ: Năm ngoái, Hương đi xe bus tuyến từ Thủ Đức lên trường ở quận 5, vì đi sớm nên ngủ gật một đoạn ngắn, khi tỉnh dậy đã bị móc túi mất ví và điện thoại. Bạn bè em cũng rất nhiều người bị móc túi trên xe bus, khi thì ngủ quên, khi thì bị người ngồi cạnh cố ý phân tán lấy mất đồ, lúc do chen lấn khi xuống xe. Nên dù xe bus rẻ nhưng nhiều sinh viên tại TP HCM rất ngần ngại mỗi khi phải di chuyển.

Trợ giá vẫn lay lắt

Hơn một năm trở lại đây, liên tục nhiều chuyến xe bus tạm ngưng hoạt động. Cụ thể, ba tuyến xe bus gồm số 2, 11 và 144 đã ngừng khai thác. Các tuyến xe này kết nối giữa nhiều đầu mối vận tải, khu chợ, trường học như Bến xe miền Tây tới Bến Thành, Đầm Sen, Chợ Lớn và được trợ giá. Tính từ năm 2018 đến nay, TP HCM đã có tới 10 tuyến xe bus có trợ giá ngưng hoạt động.

Như một vòng lẩn quẩn, vì lượng khách hàng thấp, thu không đủ chi, các tuyến xe bus ngưng khai thác. Các tuyến ngưng khai thác sẽ ảnh hưởng đến những tuyến khác do tuyến đường bị ngắt đoạn, ảnh hưởng đến lộ trình của hành khách. 

Nhiều người dùng xe bus tại TP HCM chia sẻ, hiện nay đi xe bus tại TP HCM ngày càng có nhiều bất tiện. Ngoại trừ các vấn nạn liên quan đến thái độ dịch vụ hay nạn móc túi thì câu chuyện muôn thuở là di chuyển từ nhà đến trạm xe phải mất đoạn đường quá dài.

Ngoài ra, thời gian xe bus di chuyển đến các điểm quá dài, thậm chí gấp đôi so với đi xe máy. Điều này khiến người dân khó lòng bỏ phương tiện cá nhân là xe máy để chuyển sang phương tiện công cộng là xe bus như mong muốn của một số đề án về giao thông công cộng đã đặt ra.

Hiện nay, các xí nghiệp vận tải kinh doanh xe bus đang “kêu cứu”. Nhiều hãng kêu gọi tăng cường trợ giá hơn nữa để cầm cự. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, câu chuyện trợ giá đang là chuyện “đem muối bỏ bể”, suốt hàng chục năm qua không thay đổi được thực trạng của giao thông công cộng, ngoài duy trì sự sống lay lắt của phương tiện giao thông này. 

Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ nên làm một cuộc “đại phẫu” cho xe bus, hoặc thậm chí có kế hoạch chấm dứt, thay thế loại hình giao thông công cộng đang xuống dốc này bằng một phương án khả thi hơn. Nhiều ý kiến đề xuất về một loại hình xe bus nhỏ, gọn, linh hoạt và tiện nghi hơn đã được đưa ra tại các buổi hội thảo. 

Năm 2020, Sở Giao thông Vận tải TP trình UBND TP dự thảo hồ sơ “Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp với sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”. Theo đó, xe bus vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi các hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail... hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030). Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 40 ngàn tỉ đồng. 

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là gần 40 ngàn tỉ đồng này có thể “cứu” cho xe bus vực dậy hay không? Nếu không có cách thức hoạt động phù hợp, rất có thể “vòng lẩn quẩn” trợ giá, giảm tuyến lại tiếp tục và hàng ngàn tỉ cũng có nguy cơ đổ sông, đổ biển.

Đọc thêm