Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế (Kỳ 3): Thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

(PLVN) - Quán triệt tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta”, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên tinh thần chủ động và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam đối với thế giới. (Ảnh: TTXVN).
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam đối với thế giới. (Ảnh: TTXVN).

Đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình thế giới

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Đúng như những nhận định của người đứng đầu Đảng ta, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Thông qua những hoạt động đối ngoại, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Đây cũng chính là quyết tâm mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thống nhất rất cao: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Kể từ khi Liên hợp quốc (LHQ) chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149 vào năm 1977, chúng ta đã không ngừng nỗ lực, chủ động và trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu chung của thế giới, nhất là việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ. Cụ thể, tháng 11/2012, Bộ Chính trị thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ; sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Đây là những bằng chứng thuyết phục cho cam kết của Việt Nam trong việc tham gia và giải quyết các vấn đề chung của quốc tế.

Ngày 27/5/2014, Trung tâm GGHB Việt Nam được thành lập. Ngay khi ra mắt, Trung tâm đã cử 2 sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ cùng Phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan. Từ đây, những sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam mang trên đầu chiếc mũ nồi xanh và mang trong tim dòng máu Lạc Hồng, truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ đâu, mang lại hòa bình, ấm no, thịnh vượng cho mọi người dân trên thế giới. Đến năm 2022, Công an nhân dân Việt Nam cũng chính thức tham gia GGHB LHQ.

Trong 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh GGHB, chúng ta đã cử trên 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 5 thê đội (bộ phận của đội hình được sắp xếp theo bậc thang để hành động theo thứ tự - NV) của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại Phái bộ Nam Sudan; 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại khu vực Abyei và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân. Số lượng cán bộ, sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của LHQ. Không chỉ vậy, Đội Công binh Việt Nam ở khu vực Abyei đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương bằng những hành động thiết thực như xây dựng và tu sửa đường; xây dựng, cải tạo lớp học; dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân...

Tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả

Cùng với việc hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực; cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ…

“Cảm ơn Việt Nam” là câu nói xúc động của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khi gặp đoàn cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam tại hai tỉnh Hatay và Kahramanmaras (tháng 2/2023). Ông nhấn mạnh, thảm họa động đất một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên tình bạn đó. Không chỉ là một trong những quốc gia đầu tiên nhanh chóng cử các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam còn trao gần 25 tấn hàng viện trợ của Bộ Quốc phòng, gồm lương khô, gạo, sữa, thiết bị y tế và nhiều nhu yếu phẩm khác tặng Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ…

Gần đây, vào tháng 11/2023, thông qua LHQ, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD để cứu trợ nhân đạo người dân Palestine bị ảnh hưởng bởi xung đột ở dải Gaza, thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine. Trước đó, khi động đất và sóng thần gây thiệt hại lớn tại Nhật Bản vào năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đã có hàng nghìn tổ chức, cá nhân ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thiên tai với hơn 161 tỷ đồng (tương đương 7,783 triệu USD).

Thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải

Để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại, tháng 8/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: phấn đấu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Nhờ những định hướng này, vào năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng. Theo đó, đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra: số lượng các Hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với dịch Covid-19; nhiều Hội nghị Cấp cao, Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến; nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên. Điều này đã minh chứng cho năng lực công nghệ và khả năng của Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Chúng ta đã không chỉ khéo léo, linh hoạt dẫn dắt, điều hòa những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết, đồng thuận của Hiệp hội, mà còn xử lý hài hòa, hiệu quả các bất đồng giữa các đối tác, qua đó tất cả các hội nghị trong năm diễn ra thành công. Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 (tháng 1/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta… Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực, được các nước ủy viên Hội đồng Bảo an, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, các nước trong Phong trào không liên kết... coi trọng, đánh giá cao.

Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2022), Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho rằng Việt Nam luôn thể hiện lập trường nguyên tắc trên những vấn đề về bảo vệ hòa bình, phát triển bền vững, đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là những nguyên tắc cơ bản nhất. Việt Nam cũng tích cực hợp tác cùng LHQ và các đối tác quốc tế ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ và những thành quả to lớn trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân của Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: REUTERS)

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: REUTERS)

“Cách đây chưa đầy một thế hệ, các nhân viên LHQ đã ở Việt Nam, hỗ trợ lương thực cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và cô lập. Cũng chính Việt Nam hôm nay đã và đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, cách xa quê hương hàng nghìn dặm” - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ.

Đọc thêm