Chiều một ngày trung tuần tháng 7/2011, người dân ấp Định Thành (xã Định Hoà, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) chứng kiến cảnh 5 tên côn đồ tay cầm mã tấu truy sát anh Lê Thành Chưởng (37 tuổi). Chưa hết bàng hoàng trước vụ thanh toán, xóm nhỏ thêm một phen sửng sốt khi biết kẻ “chiêu binh mãi mã” trong cuộc hành hung này lại chính là cha đẻ nạn nhân, nhằm độc quyền chiếm nhà máy hai cha con cùng gây dựng.
Vì nhà máy nước đá này, ông Nguyên đã thuê giang hồ đuổi chém con. |
Kế hoạch đánh con dâu thâu tóm lại nhà máy
Khoảng năm 1995, ông Lê Thành Nguyên (SN 1955, cha của nạn nhân Chưởng) dành dụm được một số vốn nên xây nhà máy nước đá. Do là người dẫn đầu trong việc kinh doanh nước đá tại thời điểm bấy giờ nên nhà máy của ông ngày càng ăn nên làm ra.
Tuy chỉ có một mình anh Chưởng là con trai, suốt ngày quần quật phụ cha làm việc cho xưởng nước đá nhưng ông Nguyên xem con trai mình còn thua một công nhân làm thuê, còn không trả một đồng lương. Để có thêm thu nhập, cô con dâu phải mượn vốn mở tiệm kinh doanh điện thoại. Vậy mà vợ chồng anh vẫn luôn bị cha hà hiếp.
Chị vợ kể lại, mỗi sáng chị phải dậy sớm xuống nhà máy lau dọn rồi mới về mở tiệm buôn bán. Vì con còn nhỏ nên có ngày chị không xuống nhà máy làm việc được thì cha chồng lên tận nơi mắng chửi, còn anh chồng mang tiếng là con trai ông chủ hãng nhưng vẫn phải khuân từng bao đá đi bỏ mối, vẫn canh khuôn, ra đá như những công nhân khác.
Sau hơn 15 năm hoạt động, nhà máy đi vào giai đoạn xuống cấp trầm trọng, không thể cạnh tranh với những nhà máy nước đá mới mọc lên trên địa bàn với kỹ thuật tiên tiến. Thấy vợ chồng con trai mình kinh doanh điện thoại di động khấm khá, đầu năm 2011 ông Nguyên gạ gẫm kêu gọi vợ chồng con trai bỏ vốn ra sửa chửa lại nhà máy, ông sẽ giao toàn quyền kinh doanh nhà máy.
Nhận lời, ngoài việc bỏ hết vốn liếng dành dụm vào nhà máy, vợ chồng người con trai còn vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để sửa chữa và thay thế trang thiết bị mới. Sau khi việc nâng cấp hoàn tất, giữ đúng lời hứa, ông Nguyên giao cho con đứng ra quản lý nhà máy.
Có trang thiết bị mới, mỗi ngày nhà máy cho ra khoảng 800 cây nước đá. Công việc làm ăn bắt đầu khởi sắc, số lợi nhuận kiếm được vợ chồng người con thu vén trả nợ dần. Sau hơn 4 tháng thấy con mình làm ăn khấm khá, tham trong người ông Nguyên trỗi dậy, ông quyết định thâu tóm lại. Từ đó, ông thường xuyên gây sự, hằn học với vợ chồng con trai. Và mở màn cho kịch bản chiếm đoạt là trận đòn nhừ tử ông Nguyên "dành" cho con dâu.
Đó là một ngày cuối tháng 5/2011, khi cô con dâu đang ngồi rửa xe trước nhà, cha chồng từ xa đi tới bất ngờ tát vào mặt con dâu hai cái. Không hiểu mình đã làm sai chuyện gì, con dâu ngạc nhiên đến rớt nước mắt, vẫn nín nhịn quay sang hỏi cha chồng thì nhận thêm mấy cái đạp thật mạnh vào bụng khiến chị ngã chúi xuống đất.
Chưa kịp hoàn hồn, chị chết điếng nghe cha chồng trả lời "tao thích là tao đánh" rồi đá thêm mấy cái khiến chị băng huyết. Nạn nhân bò dậy bỏ chạy thì cha chồng liền nhặt đá và vỏ chai bia ném theo. Đến khi được hàng xóm vào can ngăn, đưa nạn nhân đi bệnh viện, ông Nguyên mới chịu dừng tay.
Trong thời gian nằm viện, gia đình sui gia của ông Nguyên do quá bức xúc trước sự việc nên đã đưa đơn kiện ông Nguyên tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, sau đó cô con dâu đã rút đơn lại vì không muốn cha chồng chịu cảnh tù tội. Có điều chị không bao giờ muốn quay trở về nhà chồng nên quyết định cùng chồng con dọn về nhà mẹ ruột sống tại Cần Thơ.
Kịch bản thuê giang hồ “tiễn” con vào bệnh viện
Thế là kế hoạch thâu tóm lại nhà máy của ông Nguyên đã thành công, nhưng một mình ông không đủ sức quán xuyến hết nhà máy nên ông gọi con trai trở về. Phận làm con không thể từ chối, mỗi ngày anh con trai phải đi đi về về hai nơi, ngày thì ở Cần Thơ đỡ đần vợ con, đêm chạy về Đồng Tháp làm nước đá giúp cha.
Do làm ăn không thành thật, giá lên xuống giá thất thường nên nhà máy sau khi trở về tay ông Nguyên dần mất hết mối, nước đá tồn động ngày càng nhiều, ngày một thua lỗ. Lúc này ông Nguyên có ý muốn bán lại nhà máy. Biết được ý định, người con không đồng ý vì vợ chồng anh đã bỏ nhiều trăm triệu vào nâng cấp, nay một phần nhà máy là của anh. Từ đó hai cha con thường xuyên lời qua tiếng lại.
Biết nếu con trai còn ở đây thì sẽ khó lòng bán được xưởng nước đá, ông Nguyên thực hiện kế hoạch táo tợn là thuê "giang hồ" đánh con trai đến nhập viện, khi đó sẽ thuận lợi “thủ tiêu” nhà máy. Ông Nguyên gọi con rể đến nhà bàn bạc. Vốn không ưa anh Chưởng, khi nghe cha vợ vạch kế hoạch, gã con rể đồng ý tức khắc rồi hăng hái đi thuê 5 tên "giang hồ" trong vùng.
Một ngày trung tuần tháng 7/2011, hay tin con trai đang ở nhà, người cha điện thoại cho nhóm “đâm thuê, chém mướn”; không quên hối thúc “ra tay nhanh nếu không tao sẽ thuê người khác”. Nhận được tin báo, 5 tên "giang hồ" hùng hổ đến nhà tìm nạn nhân, tuy nhiên khi bọn chúng đến nơi thì anh Chưởng đã không còn ở nhà. Cả bọn không bỏ cuộc, tiếp tục lùng sục khắp nơi.
Khi phát hiện anh Chưởng đang đi xe máy một mình trên đường vắng, cả bọn gồ ga đuổi theo. Bắt kịp anh, bọn chúng ngay lập tức chặn đầu xe, nhào vô đánh nạn nhân tới tấp. Chúng còn rút mã tấu chém liên tục khiến nạn nhân gục ngã tại chỗ. Nghe tiếng kêu la, đông đảo bà con xung quanh chạy ra can thiệp, lúc này bọn côn đồ mới vội lên xe bỏ chạy.
Bi kịch đồng tiền xé nát tình thân
Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, công an huyện Lai Vung lập tức tiến hành điều tra vụ việc và nhanh chóng tóm gọn nhóm côn đồ ngang nhiên chém người dã man. Tại cơ quan điều tra, bọn chúng đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Tìm đến nhà nạn nhân sau một năm xảy ra vụ việc đau lòng, anh Chưởng xuất hiện trong trang phục quần cộc, áo sơmi nâu cũ, đôi chân trần lấm đất, gương mặt chất phác, không toát lên một chút “quý tử phá của” như ông Nguyên đã từng nói với mọi người.
Anh trầm ngâm: “Dù gì cũng là cha con, tuy ổng không thương tôi nhưng tôi vẫn xem ổng là cha mình và cũng không muốn trách nhiều, cứ để mọi việc qua đi theo thời gian”.
Nói đoạn, anh Chưởng bỏ ra ngoài hút thuốc, vẻ mặt đầy trầm ngâm. Chị vợ cho biết, trước lúc bị bắt, cha chồng mình đã kịp bán nhà máy với một số tiền tương đối lớn, tuy nhiên ông không nói gì đến số tiền mà vợ chồng chị đã bỏ vào tu sửa, cũng không một ai trong gia đình chồng đứng ra chăm lo trong gần một tháng con trai mình nằm viện. Để có tiền lo viện phí cho chồng, chị vợ phải vay mượn số tiền hơn 40 triệu đồng.
Ngày anh Chưởng bình phục, mẹ anh mới đến ngồi lại nói chuyện với con mình và mong muốn anh sẽ trở về vực dậy cơ sở sản xuất nước lọc do bà đứng tên. Vì thương mẹ, anh đã vâng lời. Do cơ sở đã ngưng hoạt động từ lâu, muốn đi vào sản xuất lại cần có vốn mua sắm máy móc nên anh cùng vợ tiếp tục vay mượn thêm 100 triệu đồng và cùng trở về Đồng Tháp sinh sống, làm ăn.
Trước ngày chuẩn bị vào trại giam thụ án 2 năm rưỡi, ông Nguyên nhắn vợ chồng con trai tới gặp. Những tưởng người cha đã hối hận và có ý muốn dặn dò con cái, nhưng không ngờ vừa gặp mặt hai con, người cha lại không ngừng lớn tiếng mắng chửi: “Tụi bây chờ đi, làm gì thì làm, tới lúc ra tù, tao về đuổi cổ tụi bây ra khỏi nhà rồi bán tiếp cái cơ sở nước lọc”.
Trước thái độ của cha mình, vợ chồng anh rất đau lòng nhưng không biết gì hơn ngoài việc hy vọng trong thời gian thụ án, cha sẽ bình tâm nhận ra việc làm sai trái.
Quốc Dũng