Ông Mujica sinh ngày 20/5/1935. Ông là con trai của một nông dân người gốc Tây Ban Nha và một người nhập cư từ Italia. Năm 1940, ông trở thành kẻ mồ côi khi mới tròn 5 tuổi sau khi cha ông vì chán nản khi bị phá sản mà qua đời. Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông đã phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.
Du kích Robin Hood
Sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm nông nghiệp – vốn là nguồn thu chủ yếu của Uruguay – giảm mạnh, đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Giá đồng peso của Uruguay giảm liên tục trong khi tỉ lệ lạm phát lên đến 60%, nền kinh tế chìm sâu vào khủng hoảng kéo theo những hệ lụy như tình trạng thất nghiệp tăng cao, chất lượng cuộc sống của người dân sụt giảm thê thảm.
Trong khi đó, chính phủ quân sự độc tài đương nhiệm tỏ ra vô cùng thờ ơ, khiến người dân rất bức xúc. Các phong trào nổi loạn của giới học sinh, sinh viên nổ ra mạnh mẽ.
Vào đầu những năm 1960, phong trào Tupamaros – một nhóm chính trị có vũ trang lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Cuba – ra đời và ông Mujica là một trong những thành viên cốt cán của phong trào này.
Dù bị chính quyền coi là những kẻ nổi dậy nhưng Tupamaros lại rất được người dân ủng hộ do nhóm chủ yếu thực hiện các vụ cướp ngân hàng, cướp tài sản của các chính trị gia giàu có hay các xe chở hàng của chính phủ để lấy tiền và thực phẩm phân phát cho những người dân nghèo ở các khu ổ chuột.
Chính vì vậy được lòng dân, được người dân gọi là những “du kích Robin Hood” nên Tupamaros bị chính phủ truy quét rất gắt gao.
Trong một cuộc vây bắt diễn ra vào tháng 3/1970, Mujica đã bắn trúng 2 sỹ quan cảnh sát của chính phủ nhưng cũng “lĩnh” đến 6 viên đạn. Nhờ được đưa đến bệnh viện và được phẫu thuật kịp thời nên ông đã may mắn giữ được mạng sống. Tuy nhiên, ngay sau khi được điều trị, ông đã bị tống giam.
Vào tù ra tội và con đường chính trị
Tổng cộng, ông Mujica đã bị bắt giữ đến 4 lần. Sau lần bị bắt đầu tiên, tháng 9/1971, ông cùng 100 thành viên của nhóm Tupamaros đã trốn thoát khỏi nhà tù Punta Carretas bằng cách đào một đường hầm bên trong nhà tù tới một ngôi nhà ở gần đó. Song, chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc vượt ngục, ông đã bị bắt lại.
Tháng 4/1972, Mujica và hơn 10 đồng đội lại một lần nữa trốn thoát khỏi Punta Carretas, cũng bằng cách đào hầm ra ngoài, nhưng cũng sớm bị bắt trở lại. Nỗ lực vượt ngục cuối cùng của ông diễn ra cùng năm nhưng cũng không thành.
Năm 1973, quân đội Uruguay tiến hành đảo chính thành công. Mujica trở thành tù nhân của chính quyền quân sự và bị giam cầm nghiêm ngặt, trong đó có 2 năm ông bị biệt giam dưới đáy một giếng không có nước. Mujica về sau kể lại rằng ông đã phải có nói chuyện với những con ếch và côn trùng trong giếng để không quên tiếng người và không bị tâm thần.
Năm 1985, nền dân chủ lập hiến được khôi phục ở Uruguay, Mujica và nhiều đồng đội khác được thả ra theo một đạo luật ân xá. Đến thời điểm đó ông đã phải ngồi tù tổng cộng 13 năm.
Sau khi ra tù, ông Mujica và các thành viên của Tupamaros đã cùng các tổ chức cánh tả khác lập Phong trào tham gia phổ biến (MPP), một đảng chính trị thuộc liên minh Mặt trận mở rộng. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 1999, ông được bầu làm nghị sỹ.
Đến năm 2004, MPP trở thành đảng lớn nhất trong Mặt trận mở rộng, nhờ một phần công sức đáng kể của ông Mujica. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính phủ liên minh của Mặt trận mở rộng.
Năm 2009, ông Mujica đại diện cho Mặt trận mở rộng ra tranh cử tổng thống. Phong cách nói chuyện gần gũi, bình dị của ông đã thuyết phục được nhiều người dân ủng hộ, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn và người nghèo.
Tại cuộc bầu cử diễn ra tháng 10 cùng năm, liên minh đảng của ông Mujica giành được thế đa số còn bản thân ông tại cuộc bỏ phiếu sau đó cũng chiến thắng, trở thành Tổng thống Uruguay nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Vị tổng thống “lập dị”
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Mujica đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Uruguay và cả thế giới khi quyết định hiến tặng đến 90% trong tổng số 12.000 USD lương hàng tháng của mình cho các tổ chức từ thiện, trong đó chủ yếu là các tổ chức hỗ trợ cho các bà mẹ đơn thân.
Với quyết định này, mỗi tháng ông chỉ nhận được số tiền ngang bằng với mức thu nhập trung bình của người dân Uruguay vào khoảng 775 USD/tháng.
Bên cạnh đó, ông cũng từ chối chuyển đến sống trong dinh tổng thống mà quyết định sống trong trang trại đơn sơ nằm lọt thỏm ở một vùng quê hẻo lánh mà ông và vợ từng sống cùng nhau trong suốt nhiều năm trước. Đồ đạc trong nhà chỉ vài đồ đạc thiết yếu như giường, tủ và một chiếc TV để xem tin tức.
Ông cũng từ chối tiếp nhận người phục vụ, chỉ chấp nhận 2 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ và một chú chó tật nguyền chỉ có 3 chân ông đã nuôi từ rất lâu. Trong suốt thời gian tại nhiệm, vị tổng thống này cũng vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để “tăng gia sản xuất” bằng cách xới đất, bón phân, trồng hoa như bao người nông dân thực thụ khác để bán lấy tiền!
Ông Mujica tại “tư dinh” |
Dù là người đứng đầu một đất nước, theo quy định có thể có xe công nhưng ông Mujica cũng từ chối nốt đặc quyền này. Thay vào đó, người dân Uruguay vẫn hàng ngày có thể nhìn thấy hình ảnh vị tổng thống của họ đi trên chiếc xe Volkswagon Beetle cũ kỹ, có niên đại từ 1987! Chiếc xe cổ vì người chủ đáng kính của nó cũng trở nên nổi tiếng bởi ông Mujica luôn sẵn lòng cho bất cứ người nào mà ông tình cờ gặp trên đường đi nhờ xe.
Ngoài ra, vị tổng thống mới mãn nhiệm của Uruguay cũng khiến nhiều người buông lời chỉ trích khi ăn vận rất tuềnh toàng, đơn giản. Chính bởi lối sống tằn tiện đó nên người ta đã đặt cho ông biệt danh là tổng thống nghèo nhất thế giới – danh xưng mà ông đã một mực bác bỏ, không phải vì nó không xứng với ông mà vì bản thân ông không thấy như vậy.
“Tôi được gọi là vị tổng thống nghèo nhất thế giới nhưng tôi không thấy tôi nghèo. Những người nghèo là những người chỉ cố làm việc để duy trì lối sống xa hoa. Vấn đề ở đây là sự tự do. Nếu anh không có nhiều của cải thì anh sẽ không cần phải làm việc cả đời như 1 tên nô lệ để duy trì số của cải đó và vì thế anh sẽ có thêm nhiều thời gian cho bản thân” – ông từng giãi bày.
Di sản gây tranh cãi
Dù ông Mujica là tổng thống được cho là nghèo nhất thế giới nhưng cuộc sống của người dân Uruguay dưới thời ông và người tiền nhiệm ở cùng đảng là ông Tabaré Vásquez đã thay đổi đáng kể.
Trong suốt 10 năm họ cầm quyền, nền kinh tế Uruguay đã bùng nổ mạnh mẽ, với tỉ lệ người nghèo giảm từ 40% xuống còn 12% vào năm 2015. Mức lương tối thiểu của công chức nước này đã tăng 50% và chênh lệch giàu nghèo cũng đã được thu hẹp trong cùng thời kỳ. Chi tiêu ngân sách cho các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế đã tăng nhanh, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, trong thời kỳ lãnh đạo Uruguay, ông Mujica cũng đã gây nhiều tranh cãi với các quyết định như hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép phá thai trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ và đặc biệt là việc đưa Uruguay nước này trở thành nước đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc sản xuất và bán cần sa.
Trong quan hệ quốc tế, ông cũng được cho là người đã có những đóng góp lớn trong việc giúp Mỹ và Cuba tiến tới bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm trời thù địch.
Luật Uruguay không cho phép tổng thống giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, tháng 3/2015, ông Mujica từ nhiệm, trở lại với cuộc sống của một người dân bình thường, hàng ngày chăn nuôi, trồng trọt để kiếm sống. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông cho biết luôn hài lòng với cuộc sống mà mình đang có.../.
Một số những câu nói nổi tiếng của ông Mujica:
- “Tôi nghĩ người nghèo là những người cần quá nhiều. Vì những người cần quá nhiều sẽ không bao giờ thỏa mãn”,
-“Tổng thống là một quan chức cấp cao được dân bầu để thực hiện nhiệm vụ. Ông ta không phải là một ông vua, cũng không phải là một vị chúa. Ông ta không phải là một phù thủy biết hết mọi thứ của một bộ lạc nào đó. Ông ta là một công chức. Tôi nghĩ cách sống phù hợp là sống như đa phần người dân mà chúng ta phục vụ và đại diện”,
-“Khi anh mua một thứ gì đó, công cụ ở đây là tiền nhưng thực tế anh đang mua món đồ đó bằng quãng thời gian anh đã dành để kiếm được số tiền đó. Điều tuyệt vời nhất mà anh có là anh đang sống”.