Gương sáng Pháp luật

Vị Vụ phó từng bị hàm oan “trói chân tay” lực lượng QLTT

(PLVN) - “Tất cả các ý kiến khi ấy phải gọi là gần như “tổng sỉ vả” những người xây dựng Thông tư 09. Thậm chí nhiều kiến nghị cho rằng Bộ Công Thương phải thu hồi văn bản vì Thông tư ấy trói chân, buộc tay lực lượng Quản lý thị trường”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Kiều Dương, kể lại.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế Kiều Dương.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế Kiều Dương.

Bước ngoặt khi về công tác tại ngành Quản lý thị trường

Có lẽ chuyến công tác Lạng Sơn vào năm 2013, khi Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 09/2013/TT-BCT quy định về trình tự thủ tục tiến hành hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) là chuyến đi đáng nhớ nhất của ông Dương. Đáng nhớ bởi khi ấy ông gần như vừa “chân ướt chân ráo” tiếp cận với công tác QLTT còn khá mới mẻ; mà phải nhận những “bức bối, bực bội”, những lời nhận xét nặng nề nhất từ nhiều Chi cục trưởng Chi cục QLTT 17 tỉnh phía Bắc.

Vốn là một sinh viên khoa Toán, trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội; ra trường đúng thời điểm ngành Luật đang có sức hút nên Kiều Dương quyết định thi vào Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp ngành Luật, ông trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật thương mại (Bộ Công Thương), dạy các môn học liên quan đến pháp luật từ 1999-2011. Khoảng thời gian này đã khiến ông “vỡ ra” nhiều vấn đề pháp lý, được bổ sung nhiều kiến thức ngành luật từ thực tiễn cuộc sống.

Về công tác tại Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT) là một bước ngoặt mà ông chưa bao giờ nghĩ đến. Thế nên trong khoảng 3 năm đầu (2011-2013) làm việc tại đây, ông đã rất vất vả để tiếp cận và nắm bắt các căn cứ pháp luật liên quan hoạt động cũng như đối tượng quản lý của ngành. Sau đó ông mới bắt tay tham gia vào việc xây dựng, rà soát các khung khổ pháp luật, kế thừa công việc của những người đi trước.

Ba năm đầu làm việc đầu tiên cũng chính là khoảng thời gian xây dựng Thông tư 09/2013 tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động kiểm tra của lực lượng QLTT. Ông kể lại, ông may mắn gặp được những người lãnh đạo rất ham việc và gắn bó với công tác pháp chế nên sớm nhận ra, nghề mà ông theo đuổi là một nghề thú vị, tính chất công việc khá giống công an - cũng tìm kiếm, điều tra những sai phạm (trong lĩnh vực thương mại) và thực thi pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Bối cảnh của chuyến công tác Lạng Sơn khi ấy khá đặc biệt. Thời điểm trước 2011-2012, tất cả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) thực hiện theo Nghị định 61/1998/NĐ-CP. Đến 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 86 quy định chi tiết Luật Thanh tra 2010, từ ngày 15/11/2011 Nghị định 61/1998 hết hiệu lực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra lại chỉ điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thanh tra mà không đề cập đến hoạt động kiểm tra nên toàn bộ hoạt động kiểm tra DN của QLTT không còn căn cứ pháp lý (thời điểm ấy Luật Xử lý VPHC cũng đang được dự thảo).

Trước thực tế đó, Bộ Công Thương nhận thấy cần phải gấp rút xây dựng Thông tư quy định về trình tự thủ tục tiến hành hoạt động kiểm tra và xử lý hành chính của QLTT. Trong quá trình xây dựng thông tư này, ông thuộc lòng bài học từ những người đi trước “cố gắng hạn chế tối đa việc các công chức làm trái quy định dù theo Luật, họ có thể được trao quyền lực lớn hơn. Hạn chế được điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ được người lao động của mình”. Thông tư 09/2013 ra đời với mục tiêu như vậy.

Chuyến công tác đáng nhớ

Khi Thông tư ban hành, nội bộ ngành phản ứng rất mạnh. Căng thẳng đến độ một hội nghị được tổ chức ở Lạng Sơn với sự tham gia của 17 tỉnh phía Bắc, mang danh nghĩa là quán triệt triển khai thi hành Thông tư 09 nhưng kỳ thực không ít ý kiến phản bác Thông tư 09. Ông Kiều Dương được cử làm trưởng đoàn của Cục QLTT tham gia cuộc họp.

Ông Dương thường là người đứng lớp các hội nghị tập huấn xử lý vi phạm hành chính.

Ông Dương thường là người đứng lớp các hội nghị tập huấn xử lý vi phạm hành chính.

“Tất cả các ý kiến khi ấy phải gọi là gần như “tổng sỉ vả” những người xây dựng Thông tư 09. Thậm chí nhiều kiến nghị cho rằng Bộ Công Thương phải thu hồi văn bản vì Thông tư ấy trói chân, buộc tay lực lượng QLTT. Họ cho rằng đi kiểm tra mà báo trước thì không bao giờ xử phạt được. Chúng tôi chỉ tiếp thu ý kiến và bày tỏ rằng cần có thời gian để rà soát tổng kết, đánh giá xem có hợp lý hay không”, ông Dương kể lại.

Ông Dương lý giải, thật ra Thông tư 09 bị nội bộ ngành phản đối cũng dễ hiểu. Vì trước đấy những quy định về hoạt động kiểm tra DN của lực lượng QLTT rất lỏng lẻo, mang đến cho lực lượng này quyền lực rất lớn. Trong khi Thông tư 09 lại quy định rất cụ thể như khi nào QLTT được vào kiểm tra, thực hiện những thủ tục gì, thời gian bao lâu, thông báo thế nào, kết luận ra sao… Kiểm soát viên thị trường đang được “chạy rất rộng, thích vào kiểm tra ở đâu cũng được”, thì đột nhiên bị bó buộc, nên không đồng tình.

Tuy nhiên, Thông tư này đã chứng minh được hiệu quả, đến 2016 thì những nội dung cốt lõi được đưa vào Pháp lệnh QLTT. Ông Dương chia sẻ: “Sau này tôi đã nhận được nhiều tâm sự của các anh em. Họ cho rằng, Thông tư 09 ra đời rất đúng vì nhờ có Thông tư mà sai sót của anh em ít đi. Chúng tôi luôn nhắc mình, phải cố gắng tạo hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động của toàn lực lượng”. Đó là kim chỉ nam để những người làm công tác pháp chế ở Tổng cục QLTT nhắc nhở nhau hàng ngày trong các công tác rà soát, sửa đổi các khung khổ pháp lý liên quan hoạt động của ngành.

Ông Dương và những người làm công tác pháp chế của ngành luôn nhắc nhau hình thành thói quen cẩn thận, tỉ mỉ trong xây dựng, sửa chữa, thiết kế những hành vi vi phạm khi tiến hành xử phạt, để tạo được hành lang an toàn nhất cho những người thực thi chính sách pháp luật.

Mảng chính mà Vụ Chính sách - Pháp chế được giao là xây dựng, rà soát các khung khổ pháp lý trong hoạt động thương mại, sản xuất hàng giả, các hoạt động kinh doanh xăng, dầu, khí và điện lực. Trong đó, có nhiều vấn đề mà đến tận thời điểm này vẫn chưa hết tranh cãi giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng ông luôn quán triệt quan điểm “xây dựng pháp luật dựa trên thực tế nhu cầu xã hội, đáp ứng điều kiện thực tế xã hội, phản ánh đúng lợi ích của của đối tượng trong xã hội” để thực thi công việc.

Một điều mà ông thấy may mắn khi tham gia công tác pháp chế ,chính là việc có cái nhìn từ nhu cầu thực tiễn cũng như khoảng thời gian giảng dạy đã được bổ sung nhiều tình huống pháp lý thực tế; nên ông đã đưa ra được nhiều góp ý, sửa chữa cho một số văn bản pháp luật. Ông Dương chia sẻ: “Khi những điều khoản ấy được cơ quan nhà nước tiếp thu, thay đổi theo hướng mình kiến nghị thì cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn và muốn gắn bó nhiều hơn với nghề”. Đó chính là một lý do khiến ông Dương tiếp tục cần mẫn, miệt mài với công việc tưởng khô khan; nhưng thực ra rất thú vị này.

Có khi xử phạt đúng mà vẫn thành… sai

Đó là một vụ việc xảy ra ở một tỉnh miền Trung, khi lực lượng QLTT xử phạt một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Hành vi bị xử phạt là không cung cấp bản sao giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) cho người bán hàng hóa thực phẩm. Mức xử phạt không lớn (15 triệu đồng) nhưng do đây là một DN FDI, nên chuyện bị xử phạt VPHC với họ là rất nặng. DN này đã nhờ đến một đội ngũ luật sư tìm hiểu xem việc xử phạt đúng hay sai.

Sau khi tra cứu tìm hiểu, DN gửi đơn khiếu nại cho rằng, tất cả các quy định pháp luật về ATTP từ Luật ATTP cho đến Thông tư của Bộ NN&PTNT, Y tế và Công Thương đều không có điểm nào quy định người sản xuất ra thực phẩm phải cung cấp cho tất cả người bán, kể cả người bán lẻ bản sao giấy xác nhận phù hợp đó. Khi pháp luật về quản lý không quy định mà xử phạt là không đúng?

Ông Dương lại phải tiến hành rà soát lại các vấn đề liên quan và nhận thấy rằng, DN này đúng. Vấn đề sai chính là ở đơn vị chắp bút xây dựng Nghị định này đã “phiên nguyên xi” nội dung về công bố quy chuẩn hợp quy với hàng hóa nhóm 2 trong một thông tư về quy chuẩn kỹ thuật của Bộ KHCN vào một nghị định về xử phạt ATTP. Điều này dẫn đến việc xử phạt của QLTT từ đúng lại thành... sai.

Phải liên tục cập nhật kiến thức mới

Bộ phận pháp chế QLTT còn phải theo dõi, cập nhật sự thay đổi của các quy định quản lý nhà nước thường xuyên, chỉ 1 tuần không cập nhật các quy định mới sẽ lạc hậu ngay. Chỉ với quy định “Không treo biển “không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” cũng được đề cập ở 2 văn bản. Do đó, nếu người thực thi không cập nhật liên tục, mà cứ áp dụng luật theo thói quen thì sẽ bị “hớ” vì luật đã quy định sẽ xử phạt theo luật mới nhất nếu có nhiều luật quy định 1 hành vi”.

Đây vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất trong công tác pháp chế của QLTT. Xử phạt theo điều khoản mới nhất đã được luật hóa rõ ràng. Nhưng có những trường hợp luật chưa thể tính như trong cùng một điều khoản mà tên điều khoản và nội dung lại quy định khác nhau. “Chỉ khác nhau 2 chữ thôi cũng khiến chúng tôi lúng túng trong việc áp dụng quy định để xử phạt. Thậm chí, nhiều trường hợp, ý chí chủ quan của người chắp bút khi xây dựng, thiết kế các hành vi để xử phạt cũng khiến chúng tôi gặp rủi ro trong việc xử phạt VPHC”, ông Dương kể.

Đọc thêm