Nhiều người dân tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) bức xúc cho biết, lợi dụng trời tối, khoảng 21h30 tối 31/10, một số công nhân trong công trường xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chợ 19/12 dùng cần cẩu nhổ cây bồ đề cổ thụ góc đường 19/12 lên.
|
Cây bồ đề lúc chưa bị bứng và hiện trạng |
Cây bồ đề này đã được Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đưa vào danh mục cây cổ thụ cần được bảo tồn, cấm xâm hại. Ngoài ra, vị trí cây bồ đề còn gắn liền với một di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thủ đô khi có nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng và được chôn cất tại đây
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Biên bản bàn giao mặt bằng cây xanh tại vườn hoa hè đường 19/12 ngày 22/6/2010 do Ban Quản lý Dự án Hạ tầng đô thị lập, các bên đã thống nhất có đoạn ghi rõ: “…Đối với cây bồ đề, do là cây cổ thụ có đường kính gốc 1m, cây xanh tốt phát triển bình thường cần bảo tồn nằm trong hệ thống cây bóng mát trên địa bàn thành phố. Việc cắt, sửa, chặt hạ, đánh chuyển phải có giấy phép của Sở Xây dựng và phải tuân thủ đúng Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội giao nhiệm vụ cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45 - CATP) khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại cây bồ đề tại khu vực phố 19/12. Hiện lực lượng chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng PC45) đang tích cực điều tra, làm rõ các đối tượng xâm hại cây bồ đề linh thiêng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |
Ghi rõ như vậy và Biên bản này đã được chính ông Nguyễn Anh Cường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủ Đô II ký, song trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào sáng 1/11, khi cây bồ đề đã “biến mất”, ông Nguyễn Anh Cường (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủ Đô II) biện minh rằng đơn vị không vi phạm xâm hại cây xanh mà do cây bồ đề bị đổ nghiêng, đè vào tường nên đã cho công nhân dùng cần cẩu kéo đổ cây và mang đi nơi khác. Lãnh đạo Công ty này còn đưa ra quan điểm, do cây nằm trong đất dự án thì có thể tùy ý xử lý chứ không cần xin phép ai!?
Bác Nguyễn Thị Nền (84 tuổi, bán nước đầu ngõ 48 phố Lý Thường Kiệt, tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo) cho biết: “Tôi sống ở đây đã gần 60 năm. Ngày trở về sau tản cư, tôi được biết chính quyền đã đưa hài cốt của các liệt sĩ chống Pháp đi nơi khác. Cây bồ đề mọc ở đó như là một cây thiêng, không chỉ bà con trong khu phố mà nhiều nơi khác đều rất thành kính và thường lui đến thắp hương. Việc cây bồ đề bị đưa đi chỗ khác khiến chúng tôi hết sức bất bình. Đây là một việc làm đề nghị các cấp có thẩm quyền có câu trả lời cụ thể. Đó là một di tích lịch sử cần được trân trọng”.
Các nhà văn hóa nói gì?
Trước sự kiện được quan tâm này, chúng tôi có dịp trao đổi với Giáo sư Vũ Khiêu về vụ việc trên.
Tiếp chúng tôi với tâm trạng hết sức lo lắng về vụ việc, GS. Vũ Khiêu cho rằng: “Ý kiến biện minh vì luật không quy định cụ thể hành vi “bứng cây là vi phạm pháp luật” nên không có cơ sở để xử lý, hành vi bứng cây bồ đề của Công ty TNHH Thủ Đô II không phạm luật và không thể xử lý được là cách “nói lấy được”. Một hành vi như vậy mà nói không phạm luật, có nghĩa ai cũng có thể làm thì xã hội tất sẽ loạn.
|
Giáo sư Vũ Khiêu: “Bứng cây bồ đề là vi phạm truyền thống tâm linh” |
Việc ông Giám đốc Công ty cho bứng cây bồ đề có phù hợp pháp luật chưa vẫn cần phải xem xét lại, nếu ông không được giao thẩm quyền này thì ông đã vượt quyền, vi phạm pháp luật. Theo điều luật bảo vệ cây xanh, nhất là cây xanh đã xếp vào danh mục bảo tồn, cấm xâm hại thì việc bứng cây bồ đề cổ thụ này vi phạm vào Điểm a Khoản Điều 44 Nghị định 23/CP. Đã có vi phạm pháp luật thì phải xử lý, như vậy mới giữ được kỷ cương, xã hội mới ổn định. Còn việc xử lý hình sự hay xử phạt hành chính thì xem xét, cân nhắc dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và động cơ mục đích thực hiện hành vi đó.
Cây bồ đề mọc bên bệ thờ vong linh các anh hùng liệt sỹ và người dân Thủ đô bị giặc giết hại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người dân thường hay đến đó thắp hương cầu khấn. Người ta tin tưởng rằng cây thiêng ấy mà chặt đi thì sẽ xảy ra tai họa cho bản thân mình, gia đình mình, công ty mình, nhiều người tin rằng chặt cây thì ngã lăn xuống. Cây bồ đề đó đã sống trăm năm trong đời sống tâm linh, trong xu thế và tình cảm lâu ngày của con người rồi thì nó có một ý nghĩa rất lớn. Bứng cây ấy là động chạm đến vấn đề về nếp sống văn hoá, tình cảm, ý thức văn hóa của dân tộc, nhân dân, nói khái quát là vi phạm truyền thống tâm linh.
Thủ đô của chúng ta cùng nhân dân cả nước đã tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, là thành phố vì hòa bình, thành phố xanh - sạch - đẹp, đó là niềm tin của triệu triệu tấm lòng và mong muốn của bè bạn quốc tế. Có lẽ gì chúng ta là con dân đất Việt, người con của Thủ đô ngàn năm tuổi lại không biết gì đến việc bảo vệ cây xanh? Và không hiểu vì sao lãnh đạo Công ty đó lại vô tâm đốn cây bồ đề chuyển đi đâu không rõ, câu hỏi xin chuyển đến cơ quan chức năng”.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc bày tỏ quan điểm: “Hủy hoại cây nào là có lỗi với thành phố cây ấy, bất luận là cây gì. Thành phố đang cố gắng trồng được càng nhiều cây càng tốt thế mà lại hủy hoại đi một cây cổ thụ như vậy ?Cây bồ đề là cây quý, lại gắn với sự kiện lịch sử, tâm linh cho nên cây đó trở thành thiêng, bứng cây là không thể chấp nhận được. Lẽ ra chủ đầu tư phải xin ý kiến của Sở Xây dựng, UBND thành phố, kể cả Sở Văn hóa- Thể thao vì đây thuộc lĩnh vực văn hóa, tâm linh".
Nhóm PV