Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp hay trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân

(PLVN) -Triển khai Thông tư số 01/2022/TT-BTP, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tham mưu với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đẩy nhanh việc triển khai số hóa đối với các Sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương.

Mới đây, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các quy định của Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, Cục đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt nội dung của Thông tư số 01/2022/TT-BTP tới UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cán bộ, công chức ngành Tư pháp và công chức các ngành có liên quan; tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Thông tư tới các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư, trong đó Cơ quan đăng ký hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin hộ tịch đã được đăng ký vào Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung theo đúng hướng dẫn;rà soát, kiểm tra, xử lý bảo đảm thông tin trong Phần mềm chính xác, thống nhất với thông tin trong sổ đăng ký hộ tịch. Kể từ thời điểm lưu chính thức, việc điều chỉnh, sửa chữa, huỷ bỏ mọi thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử trên Phần mềm phải được thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 12 của Thông tư.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư, thì việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phụ thuộc vào mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đều thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, do đó, Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan công khai Danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện trực tuyến,mức độ trực tuyến và Danh sách các cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến (nếu có).Trường hợp chưa đủ điều kiện để triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thì việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch được thực hiện theo quy định pháp luật hộ tịch hiện hành. Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân. Cơ quan đăng ký hộ tịch phải bảo đảm trong mọi trường hợp, nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của người dân đầy đủ, đúng quy định pháp luật thì phải được tiếp nhận, giải quyết.

Sở Tư pháp cần tham mưu với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đẩy nhanh việc triển khai số hóa đối với các Sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Tư pháp; chịu trách nhiệm về tính chính xác, giá trị pháp lý của thông tin hộ tịch được số hóa từ các Sổ hộ tịch được đăng ký, lưu trữ thuộc địa bàn quản lý (quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10).

Mặc dù Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/02/2022, nhưng do thời gian này các địa phương chưa thực hiện xong việc số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa vận hành thống nhất, chưa kết nối, khai thác được dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, người yêu cầu chưa cung cấp được bản sao điện tử, bản điện tử giấy tờ hộ tịch nên theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Thông tư, cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, cấp giấy tờ hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh, bản sao trích lục hộ tịch theo biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp, thực hiện ký số theo quy định củaThông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày19/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước, trả kết quả đăng ký hộ tịch là bản có chữ ký số nếu người yêu cầu muốn nhận kết quả là bản điện tử giấy tờ hộ tịch.

Cùng đó, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí kinh phí, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.

Theo các quy định của Thông tư 01, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương.

Một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư cũng quy định việc người dân có thể sử dụng bản sao điện tử giấy tờ cá nhân, bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến; cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân, để người dân sẽ không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú…

Đọc thêm